NSƯT Thanh Thúy, người không ít lần thể hiện thành công ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, vẫn chưa hết bàng hoàng với thông tin ông đi xa.
Nữ ca sĩ này nhớ lại: "Năm 1993, tại chung kết cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP HCM, tôi mặc áo dài trắng, trên ngực còn đeo phù hiệu, rụt rè bước lên sân khấu hát bài "Anh ở đầu sông, em cuối sông" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Không hiếu sao, dưới sân khấu run lập cập, tưởng không cầm nổi micro, vậy mà qua 1, 2 câu hát đầu tiên, tôi hát ngon ơ! Ban giám khảo năm đó có nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ông ngồi xem chăm chú và cho tôi 10 điểm".
Thanh Thúy nhớ mãi lời dăn dò của bác Điểu
Sau buổi thi, Thanh Thúy có dịp được trò chuyện cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ông nói cho nữ ca sĩ này biết lý do được điểm 10 là vì ngoài việc Thúy hát tốt dòng nhạc quê hương, ông còn xúc động vì cách Thúy phát âm tiếng Nam Bộ rõ ràng và mộc mạc. Ông dặn thêm nên hát những gì của mình, đừng bắt chước người khác khi mình mới chập chững vào nghề, hãy luôn giữ sự trong sáng trong tâm người nghệ sĩ và nhất là nên đi học hát.
Sau này khi chính thức là một ca sĩ, Thanh Thúy có nhiều dịp được gần gũi với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Cô hay gọi nhạc sĩ này một cách thân mật là bác Điểu. Nhìn cái cách vị nhạc sĩ già giao lưu, trò chuyện với khán giả, cô thầm nghĩ dường như bác không tuổi và dường như không có khoảng cách giữa người nổi tiếng với công chúng.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại một sự kiện
"Trong cuộc thi Tiếng hát mãi xanh, tôi có vinh dự được tham gia Hội đồng nghệ thuật cùng với bác, nhiều phen cười "nghiêng ngả" với những câu pha trò của bác với thí sinh. Có cô thí sinh nọ hát bài hát của bác Tô Vũ Em đến thăm anh một chiều mưa, bác Điểu nghe xong bảo là cô ấy hát hay, giọng khỏe và rất say đắm trong tình yêu, ngoài 60 rồi mà còn chịu khó đội mưa đi thăm anh...
Làm giám khảo chung với bác mới thấy bác đau đáu với nền âm nhạc nước nhà. Bác vui tính là vậy nhưng khi góp ý cho một số mặt hạn chế của thí sinh thì bác khá khắt khe. Bác nhắc nhở các bạn ca sĩ trẻ phải nghiêm túc với nghề, không ngừng học tập rèn luyện để trở thành nghệ sĩ chân chính, bác hay nói với mình về trách nhiệm của lớp nghệ sĩ hôm nay đối với sự hưng thịnh của nền âm nhạc Việt Nam, tôi xem đó là một lời căn dặn của bác!" - NSƯT Thanh Thúy thổ lộ.
Lời động viên tạo nên Thu Minh ngày nay
Với ca sĩ Thu Minh, lần cuối cùng cô gặp nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu là lúc tham gia chương trình Cuộc đời vẫn đẹp sao do Đài truyền hình TP HCM thực hiện để tôn vinh nhạc sĩ này. Lúc ấy, cô đang ở những ngày đầu của thai kỳ nên quyết định hủy tất cả các sô diễn để đảm bảo sức khỏe. Nhưng khi nghe MC Quỳnh Hương chia sẻ lúc thực hiện chương trình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có yêu cầu “để ca khúc Bóng cây K’nia cho Thu Minh hát”, cô nhận lời diễn ngay vì xúc động.
"Ca khúc Bóng cây K’nia là ca khúc người lớn đầu tiên tôi thể hiện trong sự nghiệp ca hát của mình. Năm tôi thi Tiếng hát truyền hình lần đầu tiên, tôi hát Bóng cây K’nia nhưng năm đó tôi không được thi tiếp vì chưa đủ tuổi (chỉ mới 15 tuổi). Lúc ấy, tôi buồn lắm! Biết điều đó, bác Điểu gặp, xoa đầu tôi rồi bảo “con có tố chất thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Năm sau, con phải thi lại nhé!”. Không chỉ nói với tôi, bác còn nói với bố tôi rằng tôi thực sự có tố chất để thành ca sĩ nên hãy hướng tôi thành ca sĩ chuyên nghiệp. Sự động viên, khích lệ của bác Điểu đã cho tôi thành một Thu Minh ca sĩ của hiện tại!" - Ca sĩ Thu Minh nhớ lại.
Khi nghe tin nhạc sĩ Huỳnh Điểu mất, Thu Minh buồn vô cùng, cô buồn vì có nhiều kỷ niệm gắn liền với ông và còn vì quá bất ngờ với sự ra đi này.
MC Quỳnh Hương đến thăm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi ông bệnh mới đây
Thân thiết gần gũi như người cha
MC Quỳnh Hoa kể trên Facebook rằng chị còn nhớ năm 1997, được dẫn chương trình game show "Âm nhạc và bạn trẻ" tại Nhà văn hóa Thanh Niên - một trong 2 game show đầu tiên của HTV thời đó. Một bạn sinh viên bốc thăm được câu hỏi "Bạn biết gì về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu?", bạn ấy đã kể vanh vách tên những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ. Kết thúc, bạn sinh viên này còn nói thêm: "Theo em được biết thì nhạc sĩ ... vừa qua đời".
“Lúc đó, ngồi ở hàng ghế giám khảo, chú Phan Huỳnh Điểu và tất cả khán giả không ai nhịn được cười. Chú cầm micro, kể lại cho tất cả mọi người nghe cuộc đời chú từng nhiều lần đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Những năm 1970, ở chiến trường, chú bị thương rồi bệnh nặng tưởng khó qua khỏi, trong giai đoạn khăn đó, chú viết nên ca khúc "Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Sự hóm hỉnh của chú đã giúp bạn sinh viên kia bớt quê trước mấy ngàn khán giả”- Quỳnh Hoa kể.
Quỳnh Hoa bảo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu gần bằng tuổi, là bạn và là đồng hương của cha chị. “Mỗi lần gặp chú, vừa kịp chào chú xong, câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi là: "Ba con có khỏe không?". Mới 2 tháng trước con vừa được gặp chú trong buổi quay hình chương trình Giai điệu tự hào, thấy chú khỏe mạnh con mừng lắm! Hôm đó gặp chú, vẫn câu hỏi quen thuộc mà bao giờ chú cũng hỏi: "Ba con khỏe không?", con nói "Ba con dạo này yếu lắm, không đi được như chú thế này đâu!". Vậy mà hôm nay chú đã đi rồi!”- MC này xót xa.
Kỷ niệm không quên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên về chú Bảy
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên không quên kỷ niệm khi còn bé, mỗi ngày, lúc 5 giờ sáng cha của ông thường hát vang đánh thức cả nhà bằng ca khúc có câu mở đầu “Đoàn giải phóng quân một lòng ra đi…” mà mãi đến sau này khi lớn lên ông mới biết đó là bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người mà anh em nhạc sĩ trẻ như ông lúc bấy giờ gọi thân mật là chú Bảy.
Sáng thứ hai tuần trước, khi đoàn nhạc sĩ Hội âm nhạc TP HCM tập trung tại sân bay Tân Sơn Nhất đi Hà Nội dự đại hội đại biểu Hội Nhạc sĩ Việt Nam, không thấy chú Bảy đi cùng, nhạc sĩ Văn Hiên cảm thấy buồn vì thiếu bóng dáng của một nhạc sĩ lão thành chứng kiến đại hội bước vào thời kỳ mới. Hỏi ra mới biết do chú Bảy không khỏe nên ở nhà tịnh dưỡng. Vậy mà, chỉ một tuần sau, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã về cõi vĩnh hằng.
"Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều là một trong những nhạc sĩ lão thành, một trong những tác giả tân nhạc của thời kỳ đầu tiên của nền âm nhạc nước nhà, là một trong những nhạc sĩ đàn anh có nhiều đóng góp xứng đáng trong quá trình xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc hội nhập cùng khu vực và thế giới" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên chia sẻ.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ 15 phút ngày 29-6 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM, hưởng thọ 91 tuổi. Lễ viếng linh cữu nhạc sĩ này bắt đầu lúc 13 giờ 30 phút ngày 30-6 tại Nhà tang lễ TP HCM (số 25 Lê Quý Đôn, P.7, Q.3, TP HCM), lễ truy điệu lúc 5 giờ ngày 3-7 sau đó động quan đưa đi hoả táng tại Phú An Viên, Q.9, TP HCM.
Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, hơn phân nửa trong số đó là các ca khúc phổ thơ. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Đoàn giải phóng quân, Quê tôi ở miền Nam, Nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội kèn tí hon, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Anh ở đầu sông em cuối sông, Những ánh sao đêm, Ở hai đầu nỗi nhớ…
Ca khúc Sự tích trầu cau của ông đã từng được sử dụng trên nhiều sân khấu cải lương, kịch, dân ca khu 5.
Ca sĩ Đức Tuấn ngay khi biết tin nhạc sĩ Huỳnh Điểu mất cũng chia sẻ trên Facebook: "Lại một tin bàng hoàng. Xin vĩnh biệt đại thụ của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Một trong những hạnh phúc lớn của con là được hát những bài hát của ông. Chắc chắn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ yên nghĩ với tất cả những cống hiến của mình".
Bình luận (0)