Bà Trương Ngọc Nữ - con gái trưởng của nhà thơ Kiên Giang ngâm hai đoạn thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím", tiễn biệt cha tại lễ truy điệu.
Nghệ sĩ ngâm thơ Trương Ngọc Nữ, con gái lớn của nhà thơ - soạn giả Kiên Giang đã ngâm hai đoạn của bài “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” tiễn biệt cha mình.
NSND Kim Cương tâm sự: "Tôi còn nhớ mãi những câu thơ anh sáng tác về tuổi thơ mình: “Mẹ đập ống ngày con sáu tuổi, rước thầy về dạy chữ A,B, còn cha phát mướn cày thuê xóm, tiền học đóng bằng lúa mẹ giê”. Anh Kiên Giang là người tiên phong đưa thơ vào cải lương. Nhờ vậy, khán giả mộ điệu cải lương thấy cảm xúc của mình được nâng lên khi thưởng thức: “Lưu Bình, Dương Lễ”, “Trương Chi – Mỵ Nương”, “Từ trường học đến trường đời”, “Dòng nước ngược”, “Chia đều hạnh phúc”, “Chén cơm sông núi”, “Mây chiều xuyên nguyệt thôn”, “Áo cưới trước cổng chùa” , “Mây phủ nửa chừng xuân”…. Mỗi tác phẩm đều bàng bạc chất thi ca, đưa vào đó tính cách hào hiệp của người phương Nam chịu nhiều mất mát, mở bờ cõi, đối diện thiên tai mà bền lòng, chặt dạ, trung dũng, kiên cường”.
NSND Ngọc Giàu và đạo diễn Hồng Dung chia buồn cùng gia đình nhà thơ - soạn giả Kiên Giang
NSND Kim Cương và nhà báo Tần Nguyên tại tang lễ của nhà thơ - soạn giả Kiên Giang
NSƯT Thành Lộc cho biết cách đây không lâu, nhà thơ Kiên Giang có gửi anh tập kịch bản thơ Lưu Bình – Dương Lễ. Sân khấu IDECAF dự định sẽ dàn dựng và trao đổi với ông để có một vài chỉnh sửa. Thế nhưng, ông đã vội đi xa.
Nhà báo Tần Nguyên và NS Tú Trinh đến viếng nhà thơ - soạn giả Kiên Giang
Nhà thơ Cao Quảng Văn và NSƯT Thành Lộc tại tang lễ của nhà thơ - soạn giả Kiên Giang
NSND Lệ Thủy xúc động kể: “Tôi vinh dự được đóng vai Xuân Tự trong vở cải lương Áo cưới trước cổng chùa. Lần nào vở này tái diễn, chú Kiên Giang cũng vào hậu trường thăm hỏi chúng tôi. Lần gần nhất là HTV dàn dựng chương trình Những cánh chim không mỏi, ông vào xem rồi xúc động cầm tay tôi, nói những lời dặn dò, rằng ngoài Lệ Thủy ra hãy cố gắng nhân rộng nhiều hơn nữa những “nàng Xuân Tự” cho lớp diễn viên trẻ sau này".
“Không có sức đấu tranh, không phải là ngòi bút của Kiên Giang” – nhà văn Cao Quảng Văn đến viếng và xúc động bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ dành cho một nhà thơ có nhiều bài thơ làm lay động lòng người.
NSND Ngọc Giàu rưởng nhớ nhà thơ - soạn giả Kiên Giang
NSND Ngọc Giàu kể năm 1960 bà được bầu Thơ và soạn giả Hoa Phượng mời về Sài Gòn để ký hợp đồng biểu diễn, chú Hà Huy Hà là ký giả đầu tiên viết về bà. Chú sống mực thước, nhân nghĩa và chí tình. Về sáng tác, những bài ca cổ của chú viết tuy ít nhưng chất chứa rất nhiều tính chiến đấu và tấm lòng nhân hậu: “Trái gùi Bến Cát”, “Đội gạo đường xa”, “Ngồi trâu thổi sáo”, “Ánh đèn soi ếch”, “Hương cau quê ngoại”, “Vắt sữa nai nuôi mẹ”, “Lập quán kén chồng”, “Ni cô và lão ăn mày”, “Khói lò gạch”, “Gái miền tây”…Cho mãi tới sau này, khi đi chấm thi giải thưởng NSND Nguyễn Thành Châu, nghe các thí sinh chọn bài của chú để dự thi, bà vẫn bồi hồi xúc động.
Ca sĩ Hương Lan kể lại trong niềm thương tiếc: “Ông chính là người đặt nghệ danh Hương Lan cho tôi. Hồi còn bé khi là một đồng ấu, tôi đi hát với ba Hữu Phước thì vẫn lấy bé Ngọc Ánh, chú Kiên Giang đã đặt tên Hương Lan cho tôi. Tôi không bao giờ quên công ơn của chú, không quên những lời căn dặn, khuyên bảo và động viên khi tôi bước vào nghề ca hát”.
Nhà thơ - soạn giả Kiên Giang là người đặt thêm nghệ danh "con nhạn trắng Gò Công" cho nữ danh ca Phương Dung.
Ca sĩ Hương Lan tặng hoa mừng thọ nhà thơ Kiên Giang tại Nhà hát TP, trong chương trình "Làn điệu phương Nam".
Soạn giả Kiên Giang, NSND Viễn Châu, Ngọc Giàu và bà Lê Thị Ái Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tại Hội thảo bài Dạ cổ hoài lang 90 năm.
Đạo diễn Lê Mỹ Phượng (Chánh văn phòng Hội Sân khấu TPHCM), Võ Trọng Nam (Phó Giám đốc Sở VH - TT TP HCM), ông Nguyễn Quang Trung (phó trưởng phòng VHVN Ban tuyên giáo Thành ủy TP HCM) và đạo diễn Hồng Dung (Phó chủ tịch Hội SKTP) bàn lộ trình đưa linh cửu soạn giả Kiên Giang đến trụ sở Ban ái hữu Hội Nghệ sĩ TP HCM.
Bình luận (0)