Những ngày qua, giới nghệ sĩ bàng hoàng khi nghe tin nghệ sĩ Thanh Sang phải cấp cứu vì tai biến lần thứ ba. Ông được mệnh danh là kép hát mang “đôi hia bảy dặm” khi vụt sáng chỉ sau vai Tạ Tốn trong vở tuồng “Cô gái Đồ Long”. Và chỉ mới đây thôi, ông còn tái ngộ với đồng nghiệp đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga trong vở “Nửa đời hương phấn” tại Nhà hát Bến Thành. Với tình trạng sức khỏe như hiện tại, ông không còn cơ hội quay lại sàn diễn.
Phận đời, phận người
Không chỉ nghệ sĩ Thanh Sang, bộ đôi kép đẹp của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga một thời vang bóng còn có nghệ sĩ Thanh Tú (người để lại cho sàn diễn vai Nhuận Điền nổi tiếng trong vở “Bên cầu dệt lụa”) đang mang nhiều căn bệnh khiến ông đi lại khó khăn. Nghệ sĩ Trang Bích Liễu tâm sự: “Tám năm qua, chồng tôi bệnh nặng, của cải trong gia đình lần lượt ra đi. Căn nhà cuối cùng cũng sẽ bán để trả nợ vì có làm gì ra tiền lo thang thuốc cho ông ấy đâu. Mấy lần tôi định quay lại sân khấu, đi hát quán để có tiền chợ nhưng để ông ấy ở nhà một mình không yên tâm vì căn bệnh tai biến cần có người thường xuyên ở bên cạnh chăm sóc”. Bà cho biết gia cảnh của vợ chồng và các con hiện rất khó khăn: “Con trai chúng tôi đã lập gia đình, thu nhập chẳng nhiều nên cũng không phụ giúp được gì”.
Các nghệ sĩ tài danh đến với nghề đều đi lên từ trong gian khó. Khi đứng trên đỉnh cao của nghệ thuật, hào quang bù đắp phần nào những vất vả, gian nan mà họ đã trải qua. Nhưng khi về già, họ không còn là đào kép đẹp, ít có cơ hội xuất hiện trên sân khấu, hào quang tên tuổi nghệ sĩ vì vậy cũng phai dần, lại đối mặt với đời sống thực: khó khăn, bệnh tật, cô đơn.
“Hình như nghề hát đúng với ông bà xưa nói là có liên hệ mật thiết với giới “cái bang”, phải chấp nhận phận đời cô độc, ốm đau như thế” - nghệ sĩ Diệu Hiền tâm sự.
Nghệ sĩ Diệu Hiền có cảnh đời không khác gì nghệ sĩ Thanh Tú, Thanh Sang, thậm chí còn thua vì chưa có được căn nhà riêng. Mảnh đất nghệ sĩ Vũ Linh - học trò của bà - mua tặng ở quận Thủ Đức chưa kịp xây dựng đã bán để trả nợ. Căn bệnh suy tim khiến bà đi đứng chậm chạp, cứ khoảng vài bước phải dừng lại để thở. “Vậy mà vẫn phải ráng đi hát quán, hát chùa để có tiền chợ. Số tôi không có phước được nhờ con cháu nên đến tuổi 72 vẫn là trụ cột kinh tế của gia đình 8 miệng ăn” - bà cười chua chát.
Hẩm hiu đời nghệ sĩ
Nghệ sĩ Ngọc Hương - cô đào chánh của đoàn hát Hương Mùa Thu, vợ của ông bầu kiêm soạn giả Thu An - vừa bán nhà để trả nợ. Bà đã dọn về sống chung với cô con dâu ở quận Thủ Đức. Cuộc đời bà hẩm hiu, trước đây có được căn nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, cho thuê hằng tháng cũng đủ lo cho cả gia đình. Rồi khi soạn giả Thu An lâm bệnh, căn nhà đó được bán đi để nuôi bệnh ông, rồi đến bệnh của bà. Người may mắn có con cái chăm sóc, người hẩm hiu cam chịu phận đời cô độc. Sự cô độc càng thấm thía hơn khi nhớ sàn diễn, nhớ khán giả. “Trước đây còn ở Gò Vấp, thi thoảng nhớ sân khấu, tôi đi xe ôm đến quán nghệ sĩ Thy Trang để ca vài bài vọng cổ, có chút tiền lo cho cuộc sống. Giờ dọn về tận Thủ Đức, đi hát không đủ tiền trả xe ôm. Hơn nữa, đôi chân bị thấp khớp, mỗi bước đi đau thấu tim, cuộc đời tôi không bao giờ nghĩ có ngày cạn kiệt thế này” - nghệ sĩ Ngọc Hương nói trong nước mắt.
Nghệ sĩ Kim Giác - vợ của kép độc Hoàng Giang, chị ruột nghệ sĩ Ngọc Hương - năm nay đã 90 tuổi, bị liệt đôi chân, ngồi trên giường bệnh nhớ về nghề hát rồi khóc: “Nhiều lúc thầm mong ngủ một giấc sáng ra không thức dậy nữa, chứ sống bệnh tật, hành con cháu như vậy lòng không an”.
Nghệ sĩ Kim Giác còn có một người em ruột là nghệ sĩ Ngọc Lan, cũng đóng đào lẳng duyên dáng một thời, nay cuộc sống quá khổ, phải đi bán vé số để nuôi thân. “Không hiểu sao ba chị em gái một thời theo gánh hát, đều sống với thế giới màn nhung, làm ra rất nhiều tiền nhưng rồi cuối đời phải sống trong nghèo khó, cô độc. Sự cô độc không phải thiếu người thân, con cháu, sự cô độc ấy còn là rời khỏi sàn diễn. Ba chị em bây giờ có thăm nhau thì chỉ nhìn nhau khóc, chứ không ai lo được gì cho ai” - nghệ sĩ Ngọc Hương nói.
Những tấm lòng chia sẻ
Chiều 6-9, phu nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, đã cùng CLB Nữ nghệ sĩ TP và nhiều văn nghệ sĩ đến thăm Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP, chùa Nghệ sĩ TP và trao hơn 100 phần quà, gồm: thực phẩm, thuốc, quần áo, chăn, vải... cùng 2 triệu đồng/nghệ sĩ.
Có mặt trong chuyến đi này, nghệ sĩ Kim Cương đã xúc động nói: “Không ai dám nghĩ đến viễn cảnh về chiều của đời nghệ sĩ chúng tôi vì hầu hết khi ở đỉnh cao vinh quang, các anh, chị đều sống trong hào quang, danh vọng và lắm tiền nhiều của. Đến khi về chiều, mỗi người một phận đời, đều vướng phải nợ nần, mất nhà, gia đình ly tán. Tôi vẫn cảm thấy mình may mắn, hạnh phúc vì được làm chiếc cầu nối, thắt chặt những mảnh đời nghệ sĩ qua mỗi chuyến công tác từ thiện”.
Sau cuộc vận động chăm lo cho cái Tết của nghệ sĩ nghèo mang tên “Nghệ sĩ tri âm”, hiện nghệ sĩ Kim Cương tiếp tục lo cho quỹ hỗ trợ vốn cho nghệ sĩ nghèo. Nghĩa cử của bà phần nào xoa dịu đi những nỗi niềm của những người nghệ sĩ khi rời xa ánh đèn sân khấu.
Kỳ tới: Sống trong sợ hãi
Bình luận (0)