Đoạn trên nằm trong sách “Luân lý giáo khoa thư”, cuốn sách giáo khoa mà những học sinh Việt Nam đầu thế kỷ XX đều phải học qua.
Sự tôn trọng phẩm giá người thầy luôn đi cùng với một tinh thần khuyến học căn bản, một khát vọng phát triển lành mạnh của xã hội. Trong sách “Việt Nam phong tục” của học giả Phan Kế Bính, đoạn viết về tương quan thầy trò cho thấy cái tinh thần “hãy yêu lấy thầy” được biểu hiện cụ thể qua một thứ lễ bắt buộc, chuyển hóa qua sự đáp đền vật chất: “Học trò học nghề hay học chữ, ở với người dạy cho mình đều có nghĩa là thầy trò. Học trò phải kính trọng thầy, phải quý mến thầy, mà nhất là thầy dạy học chữ phải kính trọng hơn nữa. Học trò khi mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau, lạy yết kiến thầy hai lạy. Lúc học gặp khi mồng năm ngày Tết như Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan dương, Tết Trung thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy”.
Bởi trong quá khứ, không gian giáo dục còn hạn chế (các trường học lớn chỉ có thể có ở kinh thành) nên việc những nhà Nho mở lớp trong sân đình, trong vườn nhà, tựu trò mỗi buổi dạy dăm bảy đứa, trải chiếu mà dạy học là hình thái “trường lớp” phổ biến. Thế nhưng, việc giữ mối đạo lý trong quan hệ thầy trò được kiểm soát, coi trọng.
Các thầy đồ ngày xưa mà ta bắt gặp trên các tranh vẽ, tranh khắc thường mang một hình tượng gầy nhom, khắc kỷ nhưng toát ra vẻ uy nghiêm kiêu hãnh. Sự nhân đức, mô phạm trong khổ hạnh của người thầy được người dân trọng vọng, yêu mến. Trách nhiệm của môn sinh với thầy học chẳng khác nào trách nhiệm con cái với cha mẹ...
Nhưng cũng cái “thiết chế”, tập tục cũ đã sinh ra tiêu cực. Cụ Phan Kế Bính gọi đó là “thói dở”. Rằng, những ông “thầy đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối mà đi về những vùng quê để tìm nơi thiết trướng gõ đầu trẻ dám lên mặt đạo mạo” để khi nào nhà có tang ma hiếu hỉ đều bắt đồng môn gánh vác, ấy là “cái mọt của thiên hạ”.
Hóa ra, cái dấu hiệu “thương mại hóa giáo dục” đã có từ ngàn xưa, trong nền giáo dục ảnh hưởng Nho học chứ không phải tới xã hội thị trường mới có. Tuy nhiên, cũng ngay từ thời ấy, đó là hiện tượng bị lên án; trái lại, những minh sư có lý tưởng luôn được trọng vọng, bởi đó là những người đứng ở trung tâm của sự kiến tạo phát triển đất nước: lương sư hưng quốc.
Nhưng làm lương sư - nghề làm thầy chân chính - nói như nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Việt trong cuốn “Gương thầy trò” thì phải chuẩn bị một tâm thế mình đang làm cái “nghề bạc”: “Tự bản chất của nghề là bạc do lòng người ít biết ơn. Bạc tự bản chất vì hễ làm thầy là cho, mà chỉ lãnh lại tượng trưng thôi. Tượng trưng đây là thù lao theo luật công bằng. Dạy học, không phải thương mãi nên không nhắm lời lãi được. Trừ trường hợp ai muốn thương mãi nghề làm thầy. Bạc do lòng người ít biết ơn, vì tri ân là một đức tính họa hiếm chỉ có trong những góc tâm hồn cao thượng thôi…”.
Vai trò của nghề thầy không thay đổi, thậm chí được đặt ở vị trí cao hơn trong xã hội kinh tế tri thức. Chế độ thu nhập cho nghề thầy cũng được cân đối ở mức “thực tế” hơn để bảo đảm “có thực mới vực được đạo”. Nhưng không hẳn là đã ổn, đã công bằng so với các ngành nghề chăm lo an sinh khác trong xã hội. Từ đó, phát sinh những ngôi trường thương mại hóa giáo dục một cách bất kể cứu cánh giáo dục hay những người thầy theo “thói dở” cũng nhiều.
Lương sư hôm nay có thể không còn mang hình ảnh khổ hạnh như năm xưa nhưng điều đó không nói lên hết những khắc khoải ưu tư trên hành trình tải đạo, tải tri thức và những giá trị sống tốt đẹp giữa lòng một xã hội thị trường đầy giông bão.
Bình luận (0)