Tác phẩm bất hủ của thiên tài âm nhạc Nga P. I. Tchaikovsky được sáng tác dựa trên truyền thuyết xa xưa về Odette - một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga. Nàng đã gặp và yêu chàng hoàng tử Siegfried và chàng đã thề thốt sẽ yêu nàng chung thủy để giải thoát lời nguyền. Nhưng rồi những tình huống kịch tính đẩy nhân vật vào cao trào. Và trong những va vấp rất đỗi… con người đó, dần lột tả chân dung của cái ác, cái xấu cũng như khắc họa tình yêu trong trắng và nguyên vẹn. Vở diễn kinh điển đã đi vào lịch sử âm nhạc sân khấu thế giới, được công diễn lần đầu năm 1877 tại Nhà hát Bolshoi (Moscow - Nga).
Đến Việt Nam biểu diễn lần này, cũng chính là đoàn nghệ sĩ từ Nhà hát Bolshoi và Nhà hát Ballet Nga Talarium Et Lux. Khác với các nhà hát khác, Nhà hát Ballet Nga Talarium Et Lux (hàm nghĩa trong cái tên có thể tạm dịch là “Ánh sáng mới trong nghệ thuật ballet”) tiên phong trong việc kết hợp trường phái ballet cổ điển Nga với sự cách tân trong công nghệ hiện đại và hiệu ứng thị giác. Vì vậy, vở diễn giữ nguyên nội dung cổ điển nhưng được trình bày trên sân khấu phủ kín màn hình LED hiện đại, cùng các video giữ vai trò kết nối câu chuyện và chuyển đổi khung cảnh.
Trong phần 1 của vở diễn có chuyện không vui xảy ra là một góc khá lớn của màn hình bị tắt khiến khu vực này tối thui, làm “vỡ” bối cảnh sân khấu. Nhưng dàn diễn viên lộng lẫy với các màn trình diễn múa đôi, múa nhóm tam tứ và múa tập thể chuẩn mực ballet khiến khán giả phát cuồng vì những bước nhảy đều tăm tắp, đường nét hình thể tinh tế, sang trọng và trình độ chung của cả dàn rất đồng đều. Đương nhiên, ở Việt Nam khó mà kiếm ra một dàn diễn viên ballet tập thể đẹp và giỏi đều như thế. Cho nên, nhìn hàng ngàn khán giả ùn ùn kéo nhau vào chật kín nhà hát xem ballet Nga, thấy rõ nếu là nghệ thuật đích thực, ắt có đất sống.
“Mục đích của chúng tôi là gìn giữ những di sản văn hóa vô giá của đất nước, trong đó nghệ thuật ballet vẫn được kính ngưỡng trên toàn thế giới. Chúng tôi tin rằng ngày hôm nay, khi giá trị sống, giá trị thẩm mỹ đã hoàn toàn thay đổi, với sự thống trị của văn hóa pop, chúng ta càng cần nỗ lực và hỗ trợ để thúc đẩy sự sống còn của các môn nghệ thuật đỉnh cao, những vẻ đẹp tinh khiết” - bà Irina Omelchenco, Giám đốc Nhà hát Ballet Nga Talarium Et Lux, nói.
Xem ballet cổ điển Nga để thấy rõ hơn trình độ diễn viên solist của Việt Nam những năm gần đây với nhiều gương mặt nổi lên như Sùng A Lùng, Trần Hoàng Yến, Phan Thái Bình… cũng không hề thua kém nước bạn. Nhưng ballet Việt còn thiếu nhiều thứ, từ dàn diễn viên tập thể “hút hồn” công chúng đến những ý tưởng mới lạ trên nền tác phẩm kinh điển và những cá nhân thật sự dấn thân vì nghề để có thể tạo nên những cá tính, khác biệt, giá trị văn hóa. Đừng sợ công chúng “ngó lơ” nghệ thuật đỉnh cao, vấn đề là đẳng cấp của sản phẩm nghệ thuật đến đâu để có thể thu hút, lôi kéo, quyến rũ được khán giả.
Bình luận (0)