Phòng trà ca nhạc, nét văn hóa của Sài Gòn xưa và TP HCM ngày nay đã dần phai mờ khi không còn đủ sức hoạt động. Sự phát triển của các loại hình biểu diễn mới, nhu cầu giải trí thay đổi của công chúng làm cho những hoạt động biểu diễn và thưởng thức âm nhạc truyền thống trên thị trường cũng thay đổi theo.
Thi nhau đóng cửa
“Điểm hẹn Sài Gòn” - phòng trà ca nhạc nổi tiếng một thời, nơi Ngô Kiến Huy cùng Đông Nhi, Noo Phước Thịnh bước chân vào nghề hát, đã trở thành trung tâm điện thoại di động.
Phòng trà ca nhạc MTV, sau một thời gian được cải thiện nâng cấp, với sự bắt tay của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cùng đạo diễn Trần Vi Mỹ những tưởng được hồi sinh nhưng thực tế không như vậy. Có hẳn đạo diễn riêng, phòng trà MTV trở nên “sang chảnh” hơn với từng chương trình được dàn dựng bài bản. Không chỉ thế, chưa bao giờ khán giả yêu nhạc thấy MTV có danh sách ca sĩ biểu diễn hằng đêm vô cùng hùng hậu như vậy. Từ dàn sao hạng A thời trước đến những giọng ca trẻ ăn khách nhất hiện nay lần lượt có những buổi diễn riêng. MTV thế hệ ông bầu mát tay Đàm Vĩnh Hưng giống như một sân khấu ca nhạc cao cấp có đầy đủ các ngôi sao được yêu thích biểu diễn. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, Đàm Vĩnh Hưng phải công bố sang nhượng sân khấu. Đến nay, MTV hoàn toàn đóng cửa.
Sân khấu V show (rạp Nam Quang, quận 3, TP HCM) do nghệ sĩ Vân Sơn đầu tư ngày càng ế ẩm. Mỗi tháng, phòng trà ca nhạc này chỉ có thể sáng đèn được 3 bữa dù nghệ sĩ Vân Sơn đã tốn khá nhiều tiền đầu tư cho việc chỉnh trang lại diện mạo từ Nam Quang trước đây sang V show. Thực tế, ngay từ thời còn là phòng trà Nam Quang, địa điểm giải trí này đã không có sức hút với khán giả dù nhiều đời chủ đầu tư đều cố kéo khán giả bằng việc mời ca sĩ ăn khách nhất đến biểu diễn.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà biểu diễn ở beer club Fox Ảnh: Leon
Cũng trong tình trạng “đổi chủ” xoành xoạch là phòng trà We. Người khai sinh ra phòng trà We đã ra nước ngoài để làm lại từ đầu. “Để We tồn tại, em trai tôi đã bán 2 căn nhà mặt tiền” - người nhà anh Võ Việt Nam chia sẻ. Cuối cùng, We vẫn phải sang nhượng lại và đến nay, sự tồn tại của phòng trà này trong lòng công chúng khá mờ nhạt. Mỗi chương trình ngót nghét chỉ vài chục khán giả khiến cho We hoạt động cầm chừng vì nhà hàng kinh doanh đi kèm vẫn còn làm ăn được.
Tính đến nay, phòng trà Không Tên và Đồng Dao còn hoạt động được. Không Tên nhờ có Lệ Quyên là “át chủ bài” khi cô vừa là chủ vừa là giọng ca chính của gần hết các ngày trong tuần. Đồng Dao thì phụ thuộc nhiều vào lịch diễn của ca sĩ. Chỉ cần nhìn danh sách ca sĩ biểu diễn cũng dễ dàng đoán được lượng khán giả đến phòng trà.
Dù còn hoạt động cầm chừng như Đồng Dao hay ổn định như Không Tên thì lượng khán giả đến với những nơi này chỉ còn 1/3 so với trước đây. Vài chục khán giả hay thậm chí ngôi sao hạng A, khoảng trăm khán giả đã được xem là thành công ngoài mong đợi.
Phòng trà Tiếng Xưa, một thời là nơi xuất hiện lần đầu của những giọng ca nổi tiếng ở hải ngoại được phép trở về Việt Nam biểu diễn, cũng không còn nghe ai nhắc tới. Chủ nhân phòng trà này cho biết nơi đây hiện chỉ còn hoạt động tổ chức sự kiện và làm dịch vụ phim trường cho các chương trình truyền hình.
Beer club lên ngôi
“Mốt” kinh doanh beer club hiện nở rộ đến mức nhấn chìm nhiều tụ điểm biểu diễn được yêu thích trước đây. Những tụ điểm beer club thi nhau mọc lên với không gian gần giống với các quán bar nhạc. Hầu hết các giọng ca trẻ giỏi vũ đạo đều được mời biểu diễn tại beer club để thu hút khách. Thực tế, ở những tụ điểm biểu diễn như beer club với không gian đặc quánh hơi men, khói thuốc, chất lượng giọng hát không phải là yêu cầu hàng đầu. Một giọng ca bậc trung với khả năng vũ đạo tốt, trình diễn đẹp mắt đều đủ chuẩn để được mời biểu diễn.
Đây là nguyên nhân tạo nên xu hướng đậm đặc âm nhạc điện tử (EDM) trong lựa chọn phong cách âm nhạc của ca sĩ trẻ hiện nay vì những sản phẩm rộn ràng về giai điệu, kết hợp vũ đạo đẹp về phần nhìn có thể giúp cho giọng ca trẻ dễ có đất sống. Ngay cả các ca sĩ ngôi sao cũng lấy các bản nhạc tình ca remix (làm lại hòa âm) theo phong cách sôi động để biểu diễn.
Ông Vũ Đình Ánh (người quản lý ca sĩ Đức Tuấn) nhìn nhận: “Không thể phủ nhận sự lớn mạnh của phong trào beer club hiện nay và đây chính là tụ điểm biểu diễn mới của ca sĩ. Ngay cả những ngôi sao hạng A trước đây từ chối biểu diễn thì nay cũng remix các ca khúc ăn khách của mình theo phong cách “sàn nhảy”. Thù lao cao là một chuyện, nghệ sĩ cũng cần có chỗ để diễn và giới thiệu các sản phẩm âm nhạc của mình với khán giả”.
Tình trạng phòng trà “chết”, tụ điểm biểu diễn bị thu hẹp, nhiều giọng ca phòng trà thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện ở các chương trình truyền hình thực tế trong vai trò thí sinh. Không hẳn họ đi tìm cơ hội nổi danh mà đó chính là một phần công việc để họ kiếm thu nhập.
Dù vậy, như giới chuyên môn nhận định beer club cũng chỉ là “mốt” và hình thức này sau thời gian ăn nên làm ra cũng bắt đầu giảm nhiệt khi xuất hiện tràn tràn, tụ điểm nào cũng tổ chức biểu diễn để thu hút khách hàng. “Cả thèm chóng chán” là tâm lý phổ biến của khán giả. Điều này khiến thị trường giải trí thay đổi liên tục để chạy theo nhu cầu khán giả, rơi vào tình trạng “ăn xổi ở thì”, như nhạc sĩ Lê Quang nhận định.
Bình luận (0)