Cách đây chừng mươi năm, khi xe lửa Bắc - Nam đã rút ngắn thời gian vận hành rồi nhà nước cho nghỉ thêm ngày thứ bảy, một anh bạn hào hứng gọi điện thoại cho tôi: “Thế là thích quá, từ rày, mỗi lúc nhớ quê, có thể tranh thủ vào dịp cuối tuần. Chỉ ngủ một giấc trên tàu, sáng mai thức dậy đã có thể thưởng thức đặc sản quê mình”.
Nhà văn Vũ Bằng viết lên những trang tuyệt bút “Thương nhớ mười hai”, hấp dẫn bạn đọc vì một phần còn do ông cảm nhận về miếng ăn. Ăn không chỉ là ăn mà còn là khoảng thời gian, không gian thưởng thức, thậm chí cả âm điệu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng từ giọng nói của người đối ẩm. Đôi lúc nhớ món quê, bèn bảo vợ ra chợ mua đầy đủ nguyên liệu, rồi tự tay xuống bếp với tất cả niềm say mê, sung sướng nhưng nấu xong sao chẳng thấy hài lòng. Chà, sao cọng rau ngò, cái lá tía tô, húng... lại nhạt thếch thế này? Chà, đây mà gọi là ớt à? Trái ớt này “ngoài mình” gọi ớt sừng trâu, nó cong vút, cắn nghe cái rộp mới khoái lỗ tai, nhai trong miệng kêu sực một tiếng, nó cay mà lại “cay thanh” mới đã đời làm sao. Nghĩ ngợi xa gần, rồi tặc lưỡi một cách vu vơ: “Ước gì...”.
“Ước gì” là ước có dịp trở về quê đấy thôi.
Sống xa quê, ai lại không có lúc thốt lên não nùng như ông Vũ Bằng: “Hỡi ôi là cái lòng thương nhớ của người ta: nhiều cái chẳng ra cái “chết” gì mà làm cho mình nhớ quá. Nhưng nhớ đến quả cà Nghệ hay là miếng cà bát dầm tương ăn đúng vào lúc hè, có phải đâu chỉ là nhớ cà mà thôi mà chính nhớ đến người vợ tào khang, từ thuở bé đã được mẹ dạy cho cách làm tương cà mắm muối, lớn lên chỉ sợ không muối dưa muối cà được bằng chị bằng em - vì vẫn nghe nói rằng muốn biết tài bếp núc của các bà các cô, chỉ xem mèm muối tương cà, thừa đủ!”.
Ồ, Sài Gòn bây giờ chẳng thiếu thứ gì. Muốn ăn món Bắc, Trung, Nam đều có tất. Nhưng lạ lùng thay, người ta vẫn thích sản phẩm đó được nuôi/trồng ở “quê mình” mới đúng điệu. Ăn không chỉ là ăn cho qua bữa, cho no mà còn chính là thưởng thức cái hương vị đậm đà của nó nữa. Hương vị ấy gợi nhớ về năm tháng hoa niên của thời còn ở quê. Khó quên lắm, vì nó còn gắn liền với kỷ niệm.
Hiện nay, ở quận 5 có con đường mang tên thi sĩ Tản Đà. Khoảng thập niên 1930, lúc vào Sài Gòn làm báo, sống ở Xóm Gà (quận Bình Thạnh), ông “thi sĩ ngông” thuộc hạng bậc nhất nước Nam đã từng thưởng thức và ngợi khen: “Sài Gòn nhớ vị cá tra/Cái xe song mã, chén trà Nhất Thiên”. Nhưng rồi, lúc thèm phở quá, ông bèn tự tay làm nhưng cũng không sao thỏa mãn được cái thần khẩu vì... thiếu rau húng. Sài Gòn có rau húng chứ nhưng ông vẫn nạy gạch bông lát sân, trồng cho riêng mình những ngọn rau húng đúng điệu của “quê mình”.
Lại nữa, tôi có anh bạn nhà văn quê tận Cà Mau, một hôm anh điện thoại tới tấp, giọng nói hân hoan, phấn khởi như báo tin sắp cưới vợ: “Lên nhà mình gấp, có món ngon đãi bạn đây!”. Ngoài trời đang mưa tầm tã, vừa mệt nhoài công việc nên đâm ngại ra đường nhưng phải chiều bạn. Trên đường đi, tôi đã nghĩ đến những món ăn cao lương mỹ vị, sang trọng, đắt tiền mà bạn đãi vì mới “trúng mánh” từ một khoản nhuận bút nào chăng?
Không hề, khi đến nơi, đã thấy từ dưới bếp, cô vợ của anh ca ư ử “Tình anh bán chiếu” rồi bưng lên hai tô cơm... nguội! Tôi nản quá! Nản đến độ xụi lơ, không thể thốt nên lời. Nản như lúc danh ca hạng nhất sắp xuống xề câu vọng cổ để chờ nghe tiếng vỗ tay vang trời, dậy đất của khán giả mộ điệu thì đột ngột điện cúp cái phựt! Chưa hết, cô vợ bạn lại nhẩn nha bê lên một đĩa... mắm ba khía. Chỉ có thế. Vâng, chỉ có thế. Tôi uể oải cầm đũa chỉ vì lịch sự. Vừa ăn, anh bạn tôi vừa liến thoắng: “Dưới quê mới gửi lên. Ngon quá xá là ngon!”. Cái ngon ấy, còn “ngon” vì tình cảm của nỗi nhớ quê nữa.
Vâng, đúng là ngon. Nghĩ như thế, mới thấy thương những người sống xa xứ. Ở ngay tại xứ rét mà lúc ngoài trời có tuyết bay mịt mù, tâm hồn cũng lạnh cóng nỗi lòng xa quê. Lỡ mà thèm phở, bún bò Huế, mì Quảng, bún nước lèo Sóc Trăng... thì biết tìm đâu hỡi trời cao đất dày?
Tôi sống ở Sài Gòn, nói như cụ Vương Hồng Sển là đã tròm trèm “hơn nửa đời hư” nhưng vẫn nhớ tinh khôi, rạo rực về chén nước mắm Nam Ô, dầm ớt thật cay chan vào chén bún sợi nhỏ. Thèm lắm! Có lúc vào siêu thị, mua đem về nhà, cớ sao ăn lại không ngon? Làm sao ở đây vừa ăn vừa nghe tiếng rao bằng cái giọng đặc Quảng từ trong thơ Nam Trân vọng lại: “Ai eng chè đậu doáng/Ai eng đậu hảu không?/Ai eng hột dịt lộn/Ai ít ngọt? Xôi hông...?”.
Sống xa quê, nhớ quê là cái lẽ thường tình trong lòng mỗi người. Và nhất là nhớ món ăn vì nó còn gắn với tháng ngày êm đềm, thơ mộng trong ký ức xa xăm. Nhưng thật ra, đó chính là tâm lý của những người hoài cổ. Này nhé, sống tại Sài Gòn, mỗi năm đều có nhiều lần theo cha mẹ về quê, các bạn trẻ nào lại không thích đặc sản của quê cha, đất mẹ. Thích thì thích, nhớ thì nhớ nhưng họ lại không câu nệ cầu kỳ như thế hệ trước. Muốn cá nục kho cuộn bánh tráng? Muốn bún riêu có cả mắm tôm? Muốn cá linh kho bông điên điển mùa nước nổi? Muốn bánh đúc chấm mắm tôm? Muốn gì nữa? Cứ ra chợ Sài Gòn là có tất. Việc gì phải ngong ngóng từ quê gửi vào, gửi lên, gửi xuống. Như vậy có thuận tiện hơn không? Nhiều bạn trẻ đã nói thế.
Ngẫm ra, họ có lý. Sống đâu, rồi dần dần cũng quen đó, nhất là sống ở một vùng đất đa văn hóa và giàu nghĩa tình như Sài Gòn. Viết đến đây, nghĩ đến lúc đã từng ăn món “quê mình” ngay tại Sài Gòn, bất giác từ trong tâm thức của tôi đã rộn lên tiếng nói cười chan hòa, ấm cúng: “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi!”.
Với những người xa xứ, nỗi nhớ canh cánh trong lòng còn là những món ăn ngon, hợp khẩu vị mà mỗi lần nghĩ đến lại thèm thuồng, nuốt nước bọt cái ực rồi nhủ thầm: “Hãy đợi đấy!”.
Bình luận (0)