TTO - Gần 19 tuổi, tôi nghe phong thanh gia đình bàn tán đến chuyện trăm năm của tôi. Tôi được má cho biết gia đình hai bên là chỗ thân thiết từ lâu ở Mỹ Tho. Thậm chí khi má anh chuyển bụng, má tôi đã đi rước mụ để cho anh chào đời.
Chân dung nghệ sĩ Kim Cương tuổi đôi mươi - Ảnh tư liệu gia đình
Gia đình anh là một gia đình gia thế, ba anh là một ông Đốc phủ sứ, má anh là một người phụ nữ “tứ đức tam tòng”, riêng cá nhân anh là một người lịch thiệp và thành đạt.
Tôi chưa hề biết yêu và cũng như bao người con gái khác lúc bấy giờ, cứ nghĩ rằng chuyện vợ chồng là do “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.
Hơn nữa anh là người xứng đáng, một địa vị mà rất nhiều người con gái mơ ước. Nên tôi không có ý kiến gì...
Làm mệnh phụ hay làm đào hát?
Hơn một năm, qua sự sắp xếp của gia đình, chúng tôi cũng có nhiều dịp gặp gỡ riêng với nhau được vài lần.
Tôi cũng thấy vui vui khi được “sánh bước” bên anh trong những buổi lễ long trọng của ngành tư pháp. Anh là một ngôi sao sáng trong lãnh vực này - một ông chánh án trẻ tuổi đẹp trai, tương lai đầy hứa hẹn.
Còn tôi cũng là một ngôi sao đang được đặt nhiều kỳ vọng trong ngành sân khấu nước nhà. Vậy nên đi đến đâu chúng tôi cũng được tiếp đón bằng sự ngưỡng mộ của mọi người xung quanh.
Mỗi lần như vậy, tôi cũng có chút hãnh diện và thầm mơ ước cả hai sẽ giúp đỡ nhau, ở bên nhau trên con đường sự nghiệp của hai đứa đang trải rộng dài trước mắt.
Trong khi tôi được báo chí và đông đảo khán giả ái mộ thì anh lại là người ít đến xem tôi diễn. Có thể do anh bận nhưng cũng có thể anh muốn giữ sự uy nghi của một ông chánh án nên không... tiện đến rạp hát thường.
Tôi cũng vô tâm không thắc mắc về điều đó. Mãi cho tới một đêm, anh phải đưa má anh đi xem tôi diễn vở Phụng Nghi đình.
Qua ngày hôm sau, trong một bữa cơm gia đình anh, tôi được nhiều người khen tặng và chính anh cũng khen tôi diễn vai Điêu Thuyền rất đẹp, rất có duyên...
Tôi biết mình diễn rất... ăn sân khấu, nhưng lần đầu tiên được anh khen tôi cũng cảm thấy “mát lòng”. Nhưng chưa hết cảm giác lâng lâng man mác đó thì anh nói:
- Đám cưới xong, có lẽ anh sẽ “ít để” cho em tới rạp hát.
Tôi ngạc nhiên tột độ, vì đối với tôi, sân khấu là niềm tự hào cũng như là nguồn vui sống. Tôi đang nhìn đời bằng màu hồng của một “kỳ nữ” đang lên, tràn đầy sức xuân. Tôi thắc mắc hỏi:
- Sao vậy? Không tới rạp hát thì em diễn ở đâu?
Anh dứt khoát trả lời:
- Coi hát cũng không cho chứ đừng nói chi leo lên sân khấu mà diễn.
- Sao vậy? - tôi sửng sốt hỏi lại.
Bằng tất cả sự nghiêm túc và dứt khoát, anh nói:
- Em có thấy bà chánh án nào mỗi đêm đến rạp hát diễn để rồi hết ôm thằng cha này đến ngồi lên lưng thằng cha kia không?
Tôi tá hỏa, hồi hôm tôi đóng vai Điêu Thuyền, có cảnh tôi ngồi lên lưng “thằng cha” Đổng Trác, có lẽ vì vậy mà làm anh và gia đình “sốc”. Tôi không cãi lại nhưng từ câu nói đó, tôi bắt đầu suy nghĩ.
Tôi đang đứng trước ngã ba đường để quyết định cho cuộc sống của mình trong tương lai. Là một mệnh phụ phu nhân của anh hay tiếp tục là một cô đào hát?
Cuộc rút chạy của “đào thương”
Có lần, chúng tôi cùng ăn tối với nhau trong một nhà hàng. Trong khi chờ đợi, tôi lấy chiếc nhẫn đang đeo của mình bỏ vào cái dĩa và búng qua búng lại cho... đỡ buồn. Tôi không ngờ hành động đó lại khiến anh giận dữ. Anh nghiêm trang nói:
- Em làm gì kỳ vậy? Có phải người đàn ông vừa đi qua là “người quen cũ” của em không? Em tháo chiếc nhẫn ra để ngầm cho hắn biết rằng em đang đi với chồng sắp cưới, xin đừng chào hỏi phải không?
Thời gian này có một khán giả nữ ái mộ tôi trên mức “bình thường”. Đương nhiên, chị không thể nào “chấp nhận” việc tôi sắp lấy chồng, nên đã tìm mọi cách để phá cho tan.
Chị thường xuyên gửi những bức thư nặc danh, gieo rắc vào anh đủ thứ nghi ngờ về tôi.
Phần anh tuy không hoàn toàn tin những bức thư “quái gở” như thế, nhưng do những thành kiến của xã hội lúc bấy giờ, lâu dần anh cũng không tránh khỏi bị nó tác động.
Thế là giữa chúng tôi có một bức tường ngăn cách.
Thêm một lần nữa anh khiến tôi ngỡ ngàng. Không ngờ trí tưởng tượng của anh dồi dào đến vậy. Một hành vi vô thưởng vô phạt của tôi cũng khiến cho anh nổi giận.
Và một hôm, tình cờ tôi nghe được trận cãi vã khá quyết liệt giữa anh và ông em trai bác sĩ của mình về sự có mặt của tôi trong gia đình.
Thì ra, anh cũng phải trải qua nhiều giằng co, trăn trở để đến với tôi. Thế là sự phân vân của tôi giữa hai con đường đã có lời đáp. Tôi quyết định rút lui.
Tôi rút lui một cách cũng rất là... “nghệ sĩ”, vẫn vui vẻ, lịch sự, vẫn “thưa” vẫn “dạ” mỗi lúc gặp anh. Nhưng những dịp như thế thưa dần.
Anh cũng bắt đầu thấy được thái độ đó của tôi. Một hôm, anh gọi tôi vào phòng, đóng cửa lại, bắt tôi ngồi xuống ghế đàng hoàng.
Và với tất cả sự nghiêm túc của một ông chánh án, anh bắt đầu “thẩm vấn” tôi.
- Tại sao hôm giỗ bác Tư ở Mỹ Tho em không về?
- Tại sao đầy tháng của cháu bác Tám em không có mặt?
- Tại sao em không nghe điện thoại của anh?
- Tại sao em nói em không có nhà khi anh biết chắc em đang ở trên lầu?
- Tại sao em gửi trả chai dầu thơm anh vừa mới mua cho em?
Tôi không nhớ hết còn bao nhiêu cái “tại sao” nữa... Và bằng tất cả sự dịu dàng của một cô “đào thương”, tôi trả lời:
- Dạ thưa anh, dạ... tại... em hết thương rồi...
Anh điên tiết vỗ bàn hét lớn:
- Tại sao lại hết thương?
- Dạ, hết thương vì tại... tại... hết thương... chớ ai biết tại sao?
Lẽ dĩ nhiên anh không thể chấp nhận được câu trả lời vô lý đó, phần tôi cũng không muốn phân trần hay cắt nghĩa nhiều thêm bởi chắc chắn nếu tôi có giải thích cặn kẽ tới đâu anh cũng sẽ không hiểu được.
Sau ngày hôm ấy tôi chánh thức tránh mặt, mặc cho sự giận dữ của anh và ngỡ ngàng của hai bên gia đình.
Anh tìm tôi nhiều lần nhưng không được nên đã viết cho tôi rất nhiều thơ, thái độ của anh có phần nhẹ nhàng hơn, tình cảm hơn, trên tiêu đề của mỗi bức thơ anh đều kèm theo một câu Kiều, chẳng hạn như:
“Sen lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”
“Chữ thương còn một chút này
Không cầm cho vững lại giày cho tan”...
Cuộc gặp sau nửa thế kỷ
Rồi 50 năm sau... Năm 2014, chúng tôi có dịp gặp lại nhau tại Pháp, cả hai đã không còn như xưa nữa.
Phần tôi, qua những trải nghiệm đớn đau của cuộc đời, lòng tôi giờ này đã thanh thản trước mọi chuyện, không còn nhớ đến những câu trách cứ hay những lần hờn dỗi của nhau mà chỉ nhớ lại những kỷ niệm đẹp, ngây thơ trong sáng của ngày xưa.
Phần anh, đã là ông già 90 tuổi, mắt đã mờ, bước đi không còn vững, nhìn tôi không còn rõ nữa, nhưng có thể do tâm anh chưa được bình lặng như tôi nên anh vẫn cứ thắc mắc không biết tại sao chuyện chúng tôi lại không thành.
Tại sao tôi lại từ chối anh, tôi đã không bằng lòng anh ở điểm nào, trong khi anh đã đối xử với tôi rất đúng mực? Trong khi nhiều thầy bói danh tiếng lúc đó đều bảo hai tuổi này hợp lắm, sẽ thương nhau tới chết, thế sao tôi lại bỏ anh?
Anh đổ thừa cho nhiều người ngày xưa đã vì ganh ghét hay đố kỵ mà tìm cách chia rẽ chúng tôi.
Tôi bình thản cười và nói với anh:
- Không ai chia rẽ mình hết, vì lúc đó anh là ngôi sao, em cũng là một ngôi sao, mà hai ngôi sao sáng như vậy thì khó có thể sống chung trên một bầu trời, thế thôi.
Anh nói:
- Sau 50 năm xa cách, nghe tên Kim Cương trong điện thoại, anh đã muốn xỉu, anh không tưởng tượng được còn có thể nghe lại tiếng nói của em.
Suốt thời gian qua anh vẫn dõi theo trên những bước đường em đi, anh buồn khi thấy em không hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng, nhưng vui mừng khi biết em đã thực hiện được những ước vọng của mình.
Tôi nói mình cũng rất vui khi biết anh đã thành công trên đường công danh sự nghiệp, anh đã trở thành một công chức có nhiều uy tín trong ngành tư pháp, đồng thời anh lại là một dân biểu có tiếng nói mạnh mẽ lúc bấy giờ.
Trong không khí giá buốt của Paris, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm áp khi cả hai đều cởi mở nhắc về những kỷ niệm vui buồn ngày xưa, những chuyện giận nhau không đáng gì.
Nhắc lại từng gương mặt của những người thân quen ngày cũ và chúng tôi đã cùng cười với nhau thật nhiều khi nhớ lại những lần cãi vã lẩm cẩm ngày xưa.
- Có lẽ cuộc tình nào không đến được với nhau mà vẫn còn thương nhớ cũng đều là cuộc tình lớn, phải không em?
Sách Hồi ký nghệ sĩ Kim Cương
Bình luận (0)