Kim Cương (hàng trước, bìa phải) chụp ảnh cùng bà ngoại, các dì, các cậu - Ảnh tư liệu gia đình
Sau ánh hào quang lấp lánh của một đời nghệ sĩ vang danh, không ít những nhọc nhằn, cay đắng sẽ lần đầu được NSND Kim Cương chia sẻ cùng bạn đọc.
Theo lời má tôi kể lại, năm 1937 má tôi mang thai tôi, lúc đó đoàn Đại Phước Cương đang là một “đại bang”, tiếng tăm lừng lẫy, quy tụ toàn đào kép có tên tuổi như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Tám Du...
Lúc đoàn đang diễn ở Đà Nẵng, trong một buổi tiệc, đang ăn tới món hàu, lúc trên đĩa chỉ còn một con thì mọi người đều nhường con hàu cuối cùng này cho má tôi ăn để “tẩm bổ” vì bà đang mang bầu, được ưu tiên.
Khi tách con hàu ra, bên trong có một viên ngọc tròn xoe, màu trắng, sáng lóng lánh. Ba má tôi cho đây là điềm may mắn nên bàn nhau khi nào sinh con đầu lòng, nếu gái thì đặt tên Kim Cương, nếu trai thì đặt tên là Ngọc Trai.
Do đó khi má sinh tôi ra thì cái tên Kim Cương đã chờ sẵn.
Vào ngày Huế treo đèn kết hoa
Tôi là người miền Nam nhưng lại sinh ở Cửa Thượng Tứ, thành phố Huế. Thuở đó gánh Đại Phước Cương của ba tôi đang còn lưu diễn tại Đà Lạt, má tôi phải đến Huế trước để đợi ngày sinh và chờ ba tôi đưa đoàn từ Đà Lạt ra tới. Má phải một mình xoay xở trong cơn vượt cạn.
Lúc ấy đoàn hát thất bát liên tục, má tôi chỉ dành dụm được có năm đồng bạc để lo cho việc sinh nở. Tuy số tiền ít ỏi nhưng má rất vui vì lần đầu tiên trong đời được làm mẹ.
Gia tài có năm đồng bạc nhưng má đã sắm sửa áo quần cho đứa con sắp ra đời hết ba đồng. Cà phê sữa sông Hương chỉ có năm xu một ly má cũng không dám uống, tất cả đều dồn hết cho sự ra đời của tôi.
Cho tới cái đêm phải đến nhà bảo sinh, má chỉ còn đúng một cắc để đi xe kéo. Hơn nửa ngày chờ đợi và cả khi trong cơn chuyển bụng đau điếng, má cứ đứng dựa người vào góc tường mà cười. Đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng mà đời má chưa từng trải qua.
Chiều hôm sau, lúc 3g, tôi ra đời ngay lúc kinh đô Huế treo đèn kết hoa mừng ngày đầy năm của hoàng tử Bảo Long, má tôi thường nói đùa ngày sinh Kim Cương được cả thành phố Huế treo cờ ăn mừng. Má tôi thích chí vì tôi được ăn ké ngày sinh với hoàng tử Bảo Long.
Má không có cái âu lo của một người mẹ mới sinh con so như thiên hạ thường nói. Má cười thích thú, nhìn mãi đứa con gái yêu thương của mình: trông chẳng khác gì con trai, nước da bánh mật, đôi mắt giống cha y hệt, không có nét đặc biệt nào hứa hẹn sẽ trở thành một đào hát lý tưởng.
Dường như ngoại hình của tôi làm má yên tâm. Tôi sẽ thoát kiếp đời “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, cái số phận mà những cô đào hương sắc thường mắc phải. Tôi sẽ sống cuộc đời bình dị, mạnh mẽ và hạnh phúc.
Sáu ngày sau, gánh hát của ba từ Đà Lạt ra Huế. Sáu ngày hồi hộp trông được thấy con, ba mừng đến không nói được thành câu. Ba bồng tôi, sung sướng như đang ôm trong tay kho báu.
Sau đó mấy hôm, đoàn hát đi xe lửa ra diễn ở Vinh. Chưa đầy mười ngày tuổi tôi đã hòa vào cuộc nổi trôi của đời nghệ sĩ. Má tôi non nớt sau kỳ vượt cạn lần đầu cũng không được tịnh dưỡng.
Mười tám ngày sau khi sinh tôi, má phải lên sân khấu vì vai diễn của má tôi không có người thay.
NSND Bảy Nam và con gái Kim Cương năm 1 tuổi - Ảnh tư liệu gia đình
18 ngày tuổi và vai diễn đầu đời
Thình lình có lịnh đoàn hát phải vào Huế, vào Duyệt Thị Đường (một nhà hát chỉ dành cho vua chúa trong cung đình có từ đời vua Minh Mạng, là nhà hát xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay). Đêm hát đó, nhân dịp mừng thất tuần của Đức Tiên Cung Dương Thị Thục - mẹ của vua Khải Định, nội tổ vua Bảo Đại, bà đề nghị diễn tuồng Quan Âm Thị Kính.
Và tôi mười tám ngày tuổi cũng đã vào vai diễn đầu đời. Má tôi kể, khi bế tôi lên sân khấu làm con Thị Mầu đến giao cho Thị Kính, phải có chai sữa cặp bên hông làm đạo cụ đề phòng khi tôi khóc. Và những đêm diễn thử trước đó, ba tôi nhất định không cho bồng tôi ra mà bắt phải thay bằng búp bê. Ông nói: “Đêm diễn đầu đời của con tôi là phải diễn cho vua chúa coi”.
Lần lên sân khấu đầu tiên ấy dường như là định mệnh của cả cuộc đời tôi. Tôi nghĩ rằng dù má có muốn tôi ăn học, muốn cho tôi không có những dằn vặt chua cay của cuộc đời nghệ sĩ thì cái nghiệp đó dường như đã chuẩn bị sẵn cho tôi từ đêm ấy.
Nếu có ai hỏi tôi thật sự vào nghề từ lúc nào, có lẽ tôi không thể trả lời dứt khoát được. Mọi thứ thật mơ hồ, tôi nhớ không đầu không đuôi, chỉ nhớ được rằng khi biết nói thì đã biết hát rồi. Chập chững biết đi tôi đã được bồng ra sân khấu với ánh đèn, với khán giả qua những vai “con”. Rõ ràng chưa biết nói chuyện tôi đã biết diễn.
Nhưng mãi đến năm lên 7 tuổi tôi mới thật sự nhận lãnh một vai trong vở tuồng Na Tra lóc thịt mà má tôi đã đặc biệt viết riêng cho tôi. Không biết khi đó tôi hát như thế nào mà mọi người trong đoàn đều khen tôi hát hay.
Hình như tôi được rất nhiều tiền thưởng của khán giả mỗi khi tôi “vô” vọng cổ hay xàng xê. Lẽ dĩ nhiên bao nhiêu tiền thưởng ấy má tôi đều cất hết và nói đùa là tiền đó để trừ vào tiền may tã lót cho tôi hồi nhỏ.
Sau này có lúc tôi thắc mắc hỏi má: “Hồi đó sao má may tã lót cho con nhiều vậy?”.
Chưa có nỗi buồn...
Tôi lúc đó chưa hề có sự say mê nghề nghiệp. Ban ngày tôi thường lén trốn đi chơi lò cò hay chơi bán hàng với các bạn nhỏ cùng trang lứa sống quanh rạp hát.
Sau những buổi trưa mải mê với những trò con nít thì y như rằng tối đến, khi chuông mở màn bắt đầu thì cơn buồn ngủ kéo tới. Hai mí mắt tôi nặng trĩu không làm sao giương lên được, tôi thường kiếm một góc nhỏ nào đó để ngủ tạm.
Có khi đằng sau một tấm phông cũ, cũng có lúc trong góc tủ đầy quần áo mũ mão, có khi tôi tự cuộn tròn trong bức màn nhung sát trên sân khấu.
Biết tánh đứa con gái cưng, ba tôi thường chờ gần tới giờ tôi ra tuồng mới sục sạo từng kẹt tủ, giở từng tấm phông cảnh hay bới tung những chiếc áo rộng của mấy bà công chúa để lôi tôi ra, cho uống nước, ăn bánh để tôi tỉnh ngủ rồi bồng tôi lại đốt nhang bàn thờ tổ.
Thế là tôi được liệng ra sân khấu. Chỉ chờ có thế, mọi buồn ngủ, mọi vui đùa trôi đâu mất. Tôi đi, chạy, nói, cười trong vai diễn như đó chính là tôi, như tôi đang sống chớ không phải đang hát. Mỗi phút sống hồn nhiên của tôi khán giả vỗ tay rào rào.
Tôi phấn khích ca hát tưng bừng càng làm cho sân khấu rộn rã với vô vàn màu sắc âm thanh.
Tuổi thơ tôi đi qua êm đềm trong một thế giới đầy âm thanh và màu sắc như vậy. Đoàn Đại Phước Cương lưu diễn khắp nơi từ Nam chí Bắc, từ các tỉnh thành đô hội đến các làng mạc xa xôi.
Tôi đã có những ngày dài mơ mộng giữa thiên nhiên sông nước, mây núi, đồng quê. Con đường sắt xuyên Việt vào những năm 1940 đã đưa gia đình chúng tôi qua không biết bao nhiêu xứ sở, từ những đồi cát trắng bao la của miền Trung đến những vùng biển xanh dẫn ra xứ Bắc.
Chúng tôi chợt đến chợt đi, cuộc hành trình cứ như thoi đưa và càng ngày tôi càng cảm thấy mình quen với cuộc sống nay đây mai đó. Tôi không quên được cảnh chuyền đồ xuống sân ga mỗi khi tới nơi, cảnh tiễn đưa lưu luyến của bằng hữu lúc lên đường, những ánh mắt xa vời, những nụ cười hẹn ngày gặp lại, tất cả những hình ảnh đó đã trở thành cuộc sống độc đáo của những người nghệ sĩ phiêu lưu.
Tôi dễ dàng bỏ qua những nhọc nhằn do chỗ ăn chỗ ở cứ thay đổi không ngừng. Tôi quen với mọi thay đổi của thời tiết. Nắng chang chang hay mưa tầm tã đều có cái để tôi hứng thú tung tăng. Chưa có một cơn bệnh nào nhớ đời, chưa có một nỗi buồn nào đủ sức chen vào tâm trí tôi. Bất cứ nơi nào tôi cũng có điều để háo hức.
Ban ngày tôi háo hức được chơi cùng các bạn, đêm xuống tôi háo hức được diễn. Lúc đoàn vừa dừng lại tôi vui niềm vui của sự bắt đầu, lúc đoàn dời chân tôi vui niềm vui của sự kết thúc một cái cũ để bắt đầu một cái mới, gặp gỡ những người bạn mới.
Thật lòng mà nói, nếu cuộc sống cứ trôi như thế cho tới lúc tôi lớn thành một cô đào tài danh, chắc chắn một điều tôi sẽ không bao giờ biết quý trọng những gì mình đang có. Vì mọi thứ cứ như chực chờ để dâng hiến cho tôi thụ hưởng.
Khi bọn bắt cóc bắt đứa con trai lên 5 tuổi của tôi, chúng kêu điện thoại đến hăm dọa đủ điều nhưng có một câu nói làm tôi suy nghĩ:
“Bà Kim Cương à, tôi với bà là hai con ốc trong hai bộ máy khác nhau. Cả hai chúng ta đều phải quay theo, không thể ngừng lại được”.
Như vậy, bộ máy của chúng là gì? Còn tôi, tôi là con ốc trong bộ máy nào vậy?
Hồi mới giải phóng, người ta đồn tôi là “thượng tá Việt cộng”. Trước giải phóng, một dân biểu ra trước Quốc hội tố rằng: Cộng sản bỏ ra 200 triệu để Kim Cương làm Lá sầu riêng, cũng như sau ngày giải phóng chồng tôi đi học tập và bị gán cho là người của CIA gài lại.
Rồi cũng có người lại cho rằng tôi sống rất buông thả, từng quan hệ tình cảm với nhiều tướng tá chế độ cũ. Những chuyện đó hư thực thế nào không thể nói vài lời mà hết được.
Cuộc đời của một con người nào phải đơn giản như thế. Chính vì vậy mà hôm nay tôi muốn thưa chuyện cùng các bạn...
__________
Đón xem Kỳ 2: Đêm trắng Thất Ngàn
Nhưng cuộc sống không êm ả trôi như thế. Biến cố cuộc đời, nghiệt ngã và bi thương, đã bất ngờ ập đến. Kim Cương lúc đó 9 tuổi.
Nghệ sĩ KIM CƯƠNG
Bình luận (0)