Nhật báo The Korea Times cho biết cuộc tiếp xúc với báo giới Hàn Quốc đã diễn ra tại một nhà hàng ở trung tâm thủ đô Seoul. Cùng đi với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có nhà thơ Chim Trắng và Thu Nguyệt, họa sĩ Trần Luân Tín, người trình bày cuốn tiểu thuyết của Ngọc Tư, ấn bản tiếng Hàn.
Sau khi giới thiệu tiểu sử tác giả, nội dung cuốn Cánh đồng bất tận và cuộc tranh luận ở Việt Nam về tác phẩm này, tờ báo trích dẫn một số phát biểu của nhà văn nữ 31 tuổi quê ở Cà Mau về tác phẩm gây tranh cãi của chị như: “Tôi không lo cuốn sách của tôi được độc giả tiếp nhận như thế nào. Tôi chỉ biết trút tất cả cảm xúc của mình vào tác phẩm”.
Tờ báo dẫn lời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho biết chị đang có kế hoạch viết một cuốn tiểu thuyết về hiện tượng phụ nữ trẻ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài. Chị nói: “Lấy chồng ngoại quốc nếu dựa trên tình yêu thật sự thì không có vấn đề gì. Nhưng khi nó được theo đuổi không phải vì tình yêu thì thật là đáng buồn. Tôi rất muốn viết về đề tài này”.
Nguyễn Ngọc Tư cho biết gần đây chị đã đọc một số tác phẩm văn học Hàn Quốc và chị cảm thấy rất vui khi khám phá ra rằng, với tư cách là một nhà văn châu Á, chị chia sẻ những suy nghĩ giống như các nhà văn Hàn Quốc. Chị rất thích những tác phẩm ra đời sau thập kỷ 1990, đặc biệt của tác giả Shin Kyung-sook và Eun Hee-kyung.
Nhật báo Korea Herald, dẫn lời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cho biết thêm: Theo chị, chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp tục là đề tài chủ yếu của văn học Việt Nam. Chị nói: “Cho dù không trực tiếp thấy chiến tranh trong tác phẩm văn học của tôi, nó vẫn hiện diện vì tất cả những vết thương của chiến tranh vẫn còn đó, chưa được hàn gắn”.
Theo nhận định của tờ Korea Herald, việc phát hành cuốn Cánh đồng bất tận tại Hàn Quốc qua bản dịch của Ha Jae-hong (NXB Asia Publishers, giá 9.000 won) đánh dấu một bước quan trọng giới thiệu một nhà văn hàng đầu của Việt Nam nổi tiếng về những đề tài gây sốc với một bút pháp độc đáo.
Tờ báo cũng trích lời nhà thơ Chim Trắng về cuốn Cánh đồng bất tận: “Một vài người đọc tác phẩm này thấy thích thú, một số người khác lại cho rằng có tính chất kích động. Bản thân tôi nghĩ rằng tác phẩm này xứng đáng nhận những phản ứng khác nhau vì nó là hiện thực”.
Bình luận (0)