Viết nhiều tác phẩm cho thiếu nhi nhất là anh, đoạt nhiều giải thưởng văn chương là anh, người có sách bán chạy nhất là anh, có sách chuyển thể thành phim là anh, sách được dịch sang nước ngoài cũng là anh. Hơn 30 năm cần mẫn trên từng trang sách như con ong chăm chỉ, với hơn 100 tác phẩm, không thể kể hết những đóng góp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho nền văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng.
Người đánh thức tuổi thơ
Nhà thơ Lê Minh Quốc từng nói: “Khi liệt kê tên tuổi và tác phẩm của một thế hệ nhà văn, hội đồng làm văn học sử có thể nhớ đến người này và quên béng người kia, có thể chọn người này và bỏ sót người kia nhưng với Nguyễn Nhật Ánh, người ta không thể, dù cố tình hoặc vô tâm”.
Chẳng riêng giới chuyên môn, hầu hết người đọc Việt Nam khi nói đến nhà văn cũng khó mà không nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh! Anh là nhà văn hiếm hoi “nhẵn” tên và “nhẵn” cả mặt với độc giả. Riêng trẻ em, nghe đâu để chứng tỏ ta đây là người sành đọc truyện thiếu nhi thì phải chứng minh được đã đọc ít nhất vài ba truyện của Nguyễn Nhật Ánh.
Ai bảo bạn đọc chỉ quan tâm tới nội dung sách mà mặc kệ chuyện tác giả là ai, bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu, có gia đình chưa, mấy con...? Riêng Nguyễn Nhật Ánh, họ quan tâm tất tần tật. Ở thời kỳ cực thịnh, để đáp ứng nhu cầu người đọc, báo chí gọi anh là “hiện tượng lạ” và thi nhau “giải mã”. Những bài viết đó nếu tập hợp in thành sách ít ra cũng được vài cuốn. Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng có hẳn hoi tập sách phác họa diện mạo đầy đủ về Nguyễn Nhật Ánh từ đầu đến chân.
Người ta thường hình dung về nhà văn không quá chói lọi, không quá ồn ào, chuyện fan (người hâm mộ) tưởng chỉ có ở ca sĩ, diễn viên nhưng với nhà văn, Nguyễn Nhật Ánh là cá biệt. Cứ nhìn cái cảnh hàng ngàn người xếp hàng, chờ đợi hàng giờ trong mưa hay giữa trời nắng gắt để có được chữ ký của anh trên sách, cam đoan bất cứ nghệ sĩ nào trong showbiz cũng thầm mơ ước, chứ nói gì đến nhà văn, nhà thơ!
Ai chẳng có tuổi thơ? Có người không muốn nhớ, có người cố tình quên, Nguyễn Nhật Ánh cho biết anh chẳng dại gì mà không nhớ hay lãng quên. Anh xem nó như một kho báu, cất giữ, nâng niu cẩn thận. Mỗi ngày lại thăm chừng, mang ra một ít để dùng từ năm này qua năm khác, ngót hơn 30 năm qua, những Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối, Thằng quỷ nhỏ, Bong bóng lên trời, Bàn có năm chỗ ngồi, Bắt đền hoa sứ, Những cô em gái, Những chàng trai xấu tính, Hoa hồng xứ khác, Còn chút gì để nhớ, Phòng trọ ba người, Mắt biếc, Hạ đỏ, Trại hoa vàng... mà kho báu ấy vẫn chưa hề vơi cạn.
Nhờ viết về tuổi thơ mà anh có tiền, thậm chí giàu. Đơn giản vì sách bán đắt như tôm tươi. Đã thế, nguyên liệu để viết lại cực kỳ dồi dào, đụng vào đâu cũng ra chữ, ra ý. Nguyễn Nhật Ánh bảo chưa bao giờ bế tắc đề tài, còn nhiều điều chưa viết khiến người nghe kinh ngạc. Anh được gọi là “nhà văn bạc tỉ” nên lắm kẻ tin rằng nghề viết văn dễ sống vô cùng. Nhưng để có được những trang viết đó, anh phải trả một đời mới có được.
Ai cũng biết tuổi thơ là vùng đất béo bở nhưng nếu khai thác không khéo sẽ giống như giả nai. Đối với Nguyễn Nhật Ánh, hay nói đúng hơn là với truyện Nguyễn Nhật Ánh, tuổi thơ là những hình ảnh, trò chơi gần gũi, quen thuộc đến không thể nào gần gũi, quen thuộc hơn được nữa. Anh viết, anh kể hồn nhiên, trong sáng như trăng rằm mùa thu; ca ngợi một cách chân thành, không chút bịa đặt, thêm bớt. Kỳ thay, anh viết tuổi thơ của mình và đôi khi của người khác (xen lẫn một ít thôi) nhưng cực kỳ chân thật. Toàn bộ bí quyết của anh là ở đây. Ai rồi cũng sẽ già, riêng Nguyễn Nhật Ánh cứ trẻ đến tận cùng. Dù anh tuyên bố viết truyện cho trẻ xem nhưng người lớn xem cũng là bình thường. Ai đọc cũng được, chẳng phụ thuộc vào trình độ, lứa tuổi, giới tính. Chỉ có đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh, “trẻ em tìm thấy tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình; còn người lớn thì nhận được những “tấm vé” về lại tuổi thơ” - nói như TS Thái Phan Vàng Anh.
Viết là nhu cầu
Hồi còn nhỏ, Nguyễn Nhật Ánh nghĩ nhà văn là thần thánh. Lúc trở thành nhà văn rồi, anh thấy đó cũng chẳng phải là thánh thần gì cho lắm! Chỉ đơn giản là ông trời cho mỗi người một năng khiếu. Người ta có khiếu hội họa, hát hò, thể thao..., còn anh được trời cho khiếu viết lách. Đơn giản vậy thôi!
Nếu như rồng không thể sống xa mây, cá không thể sống xa nước thì Nguyễn Nhật Ánh không thể xa văn chương. Viết lách với anh gần như là một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày. Nếu thiếu, anh sẽ... chết. Cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng có một câu nói rất hay rằng: Người yêu nghề văn phải “mót” viết. Nghĩa là không viết sẽ khó chịu, bứt rứt, cồn cào trong người; ngày nào không viết là ăn không ngon, ngủ không yên, thấy mình như chưa sống đầy đủ.
Mỗi sáng, Nguyễn Nhật Ánh thức dậy viết văn từ lúc mặt trời còn ngủ. Khi mặt trời thức, anh lại đọc báo, uống trà và viết tiếp. Anh viết văn đầy cảm hứng nhưng nghiêm túc, khoa học và khắt khe khủng khiếp.
Nhiều người đoán Nguyễn Nhật Ánh viết về tuổi thơ, vậy hẳn anh còn trẻ con lắm! Có người bảo anh sưu tập thú, tối ngủ không khéo còn ôm thú bông hay đặt chúng ở đầu giường. Quả thật, anh có sưu tầm thú, rất nhiều loại bằng nhiều chất liệu khác nhau, trừ... bông. Anh không ôm chúng ngủ, cũng không gối đầu giường mà chỉ chưng để ngắm. Ở phòng làm việc của anh, ngoài bi ve, banh, trống... (dành cho trẻ con), còn lại đa số là các con vật. Anh kể từ nhỏ đã ghiền mua những con thú nặn từ bột mì ở ngoài chợ về ngắm. Ngay cả khi 30 tuổi, một ngày đi giữa Sài Gòn, thấy người ta bán tò he đủ màu sắc, anh cũng dừng xe vào mua một cách hồn nhiên. Tưởng mua cho con, hóa ra anh mua cho mình.
Nếu Vũ Ngọc Đãng mê động vật như chuột, heo, thỏ, mèo và đưa chúng lên màn ảnh thì Nguyễn Nhật Ánh cũng mê chúng y vậy nhưng anh đưa vào từng trang văn (trong khi người bình thường chỉ mê đưa chúng vào nồi, lên đĩa). Đã có 11 con giáp được anh đưa vào truyện mà chưa đủ 12 vì trừ dê. Tiếc quá! Nhưng anh nói là năm nay sẽ viết truyện về dê, cũng là tuổi mình. Anh đã hứa và chúng ta có quyền chờ đợi.
Gọi Nguyễn Nhật Ánh là “hoàng tử bé” theo nghĩa nào cũng đúng. Anh “bé” từ trang sách đến ngoài đời. Nhìn xa anh bé, nhìn gần anh cũng bé. Nhìn xa anh trẻ, nhìn gần anh càng trẻ hơn. Có cảm giác mỗi lần muốn quay về tuổi thơ, anh chỉ việc cất cánh là bay thoải mái, chẳng cần đi tàu xe. Tiếp xúc với Nguyễn Nhật Ánh cực kỳ khó chịu nhưng cũng cực kỳ dễ chịu. Cái nhìn, tuy lắm lúc sắc sảo như đi vào tim gan người khác nhưng luôn tinh tường và công bằng, hàm ý xây dựng. Cái giọng tuy nặng trịch (giọng Quảng) khó nghe nhưng thẳng thắn, thật thà.
Ngồi với Nguyễn Nhật Ánh có khi làm người đối diện lúng túng bởi cái gì anh cũng biết tuốt. Nhà văn lại đi làm báo có khác, vốn kiến thức đã rộng, chữ nghĩa lại chính xác. Nhưng khi hỏi về đề tài nào Nguyễn Nhật Ánh không rành, có cạy miệng anh chẳng hé nửa lời hoặc có thể anh đã không muốn nói thì cứ giả vờ như mình... mù, thực chất là anh khiêm tốn một cách đầy kiêu hãnh.
Chất Quảng không phai
Đừng tưởng Nguyễn Nhật Ánh chỉ biết mỗi viết văn cho trẻ con. Anh viết truyện cho trẻ em xuất sắc mà làm thơ, viết báo, bình luận bóng đá cũng hay không kém. Nếu viết văn anh ngây thơ bao nhiêu thì làm những công việc khác anh sắc sảo bấy nhiêu. Sống giữa thành phố sôi động nhưng chất Quảng trong anh chưa bao giờ phai nhạt. Quán Đo Đo đậm chất văn hóa Quảng đến mức ai vào mà không nói tiếng Quảng cảm giác mắc cỡ vô cùng. Anh bán những món ăn Quảng, nào là mì Quảng, thịt luộc bánh tráng, cá nục cuốn rau muống, cá chuồn, mắm cá cơm... Đó là cách anh thỏa mãn nỗi nhớ quê canh cánh bên lòng ngoài việc viết văn.
Nhân ngày Sách Việt Nam (21-4) và ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4) năm nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ giao lưu và ký tặng sách cho các độc giả tại quê nhà. Cụ thể, tại thư viện tỉnh Quảng Nam (số 105 Phan Bội Châu, TP Tam Kỳ) lúc 20 giờ ngày 22-4; tại Hội sách Hải Châu ở bờ Tây sông Hàn, TP Đà Nẵng lúc 10 giờ ngày 23-4 và tại Trường THPT Tiểu La, thị xã Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lúc 15 giờ ngày 24-4.
Bình luận (0)