Ông tên thật Tạ Khắc Kế, sinh năm 1925 tại Hà Nội.- nguyên phó hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội – nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo VN đã
NGND Hoàng Kiều
Năm 1950, ông được cử đi học chuyên ngành âm nhạc, khoa sáng tác tại Văn nghệ Học viện khu Trung Nam Trung Quốc. Dù đó là thời gian ông gặp rất nhiều khó khăn khi phải tự trang bị vốn tiếng Trung Quốc để theo kịp các bạn học người bản địa. NSND Phạm Thị Thành kể: "Theo chủ trương đào tạo của Học viện nước bạn, các sinh viên thời đó bất kể học khoa gì, đều phải học một nhạc cụ truyền thống và học thanh nhạc Trung Quốc. Đây là cách bảo lưu vốn âm nhạc truyền thống mà nước này đã áp dụng nhằm giữ gìn bản sắc của họ. Trong suốt ba năm học ở nước ngoài, anh Hoàng Kiều đã luôn nỗ lực phấn đấu để đạt kết quả tốt nhất và đã học được nhạc cụ của nước bạn để áp dụng cho âm nhạc của ta, biến những thăng hoa của văn hóa thế giới thành những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc".
Nghệ thuật chèo đương đại đã có sự đóng góp to lớn của NGND Hoàng Kiều
Năm 1953, ông về nước, nhận nhiệm vụ công tác tại Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương. Khi gắn bó với sân khấu chèo, với cương vị phụ trách, được làm việc trực tiếp cùng các nghệ nhân, ông gắn bó rồi mê luôn thứ "đặc sản thuần Việt" này. Những kiến thức về âm nhạc chèo dần dần thu phục ông và biến niềm đam mê khám phá trở thành sự nghiệp.
Bên cạnh những nghệ nhân gạo cội của ngành chèo như: Năm Ngũ, Dịu Hương, Năm Hảo, Cả Tam…vốn là đội ngũ văn nghệ sĩ yêu nước thời đó đang có mặt trong Đoàn Văn công Trung ương. Ngay từ những hoạt động đầu tiên của ông ở sân khấu chèo ông đã có nhiều sáng tạo, phát huy tính đặc thù của chèo cộng thêm những kiến thức áp dụng được sau những năm tháng học tập, để tạo cho nghê thuật chèo sức sống mới.
Nhiều giáo trình giảng dạy vệ bộ môn Chèo đã được NGND Hoàng Kiều biên soạn
Năm 1956, Hoàng Kiều về công tác ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, rồi về trường âm nhạc làm phiên dịch tiếng Trung cho các chuyên gia thanh nhạc của Trung Quốc sang giảng dạy. Tháng 10 năm 1956, ông được điều về làm Trưởng Ban Nghiên cứu nhạc vũ nghệ thuật. Bốn cán bộ trong ban, dưới sự gợi ý nghiên cứu chuyên sâu do ông khởi xướng đã hoàn thành những công trình chuyên khảo có giá trị. Đó là hát Xoan của Tú Ngọc, hát Dậm Hà Nam của Sơn Tùng, hát Ghẹo của Đăng Hòe và hát chèo Tàu của Tân Huyền.
Dốc tâm huyết vào tìm hiểu ngôn ngữ âm nhạc chèo qua các làn điệu chèo cổ truyền, ông cùng với nhà nghiên cứu Bùi Đức Hạnh đã ghi âm các làn điệu chèo cổ. Ghi chép tỉ mỉ, phân tích cẩn trọng, cuối cùng, ông đã cùng nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ viết chung hai cuốn sách: Tìm hiểu tiếng cười trong chèo cổ và Tìm hiểu sân khấu chèo (1967).
Hề chèo - một trong những nét đặc trưng độc đáo của Nghệ thuật Chèo đã được NGND Hoàng Kiều nghiên cứu và biên soạn giáo trình giảng dạy
Năm 1971, ông về Trường nghệ thuật sân khấu Việt Nam, giữ chức Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng. Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội được thành lập; ông vừa dạy học vừa giữ chức Phó Hiệu trưởng từ năm 1978 cho đến lúc nghỉ hưu (1990).
Những bài học trên con đường đi tìm "chân lý nhạc chèo" của ông và đồng nghiệp đã trở thành kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ chèo trẻ noi theo.
Không thể liệt kê hết những huân, huy chương, những giải thưởng, bằng khen mà ông vinh dự được Đảng, Nhà nước, giới nghề trao tặng. Nhà giáo Nhân dân Hoàng Kiều thật xứng đáng được các thế hệ học trò, đồng nghiệp và khán giả mộ điệu nghệ thuật chèo yêu mến.
Tang lễ của NGND Hoàng Kiều sẽ được tổ chức lúc 7 giờ ngày 12-8 tại Nhà Tang lễ quận Cầu Giấy, phố Trần Vĩ (đường Lê Đức Thọ nối dài). Sau đó hỏa táng tại Nhà hóa thân Hoàn Vũ.
Bình luận (0)