Món nợ nước mắt với người nông dân
Phóng viên: Trong những tác phẩm của nhiều nhà văn, chuyện kể về cái Tết thường là buồn, quạnh vắng,“sợ hãi cái không khí Tết, khi mà sự gặp gỡ, sự trở về của mỗi người đều soi chiếu, nhắc nhớ tới sự cô đơn” hoặc: “Tết của má dài thăm thẳm…” Thế còn Tết trong văn chương của chị thì sao, thưa nhà văn?
Nhà văn Trầm Hương bên trang viết
Nhà văn Trầm Hương: - Tôi có một truyện ngắn về ông lão bán hoa vạn thọ. Tết, người nông dân dành toàn bộ hy vọng vào mấy luống hoa. Nhưng hoa bán ế. Ông lén ném hoa xuống sông, bơi xuồng về trong tiếng pháo giao thừa, trong nước mắt. Có gì đau hơn, tủi phận hơn khi hoa mình trồng mà mình phải tự tay hủy đi. Ông thật tội nghiệp, bởi phải len lén nhìn, thấy không ai để ý mới liệng mấy giỏ hoa. Niềm hy vọng mua áo tết cho cháu rơi theo những giỏ hoa héo, trôi lềnh bềnh trên sông. Chứng kiến những người bán hoa Tết, quan sát họ, tôi viết truyện ngắn này. Từ đó về sau, tôi đi mua hoa ngày tết, loại hoa quê kiểng, rẻ tiền, chẳng bao giờ tôi trả giá. Nước mắt của ngưới bán hoa nhắc ta món nợ với nông dân. Nông dân mình đời nào cũng khổ, cũng rất thiệt thòi!
* Ngược lại, có nhiều người thấy Tết chẳng buồn mà lại vui, nhưng trong cái không khí bồn chồn, nôn nao, ấm áp sum vầy đó, vẫn không thoát khỏi ám ảnh chung là mọi người tụm lại, không ăn uống đãi đằng thì cũng chẳng biết làm gì cho hết Tết? Vậy khái niệm về Tết của chị như thế nào?
- Tết là hạnh phúc được nằm phè ở nhà đọc sách. Nhiều quyển sách đã mua, được tặng không có thời gian đọc, giờ Tết là dịp để gặm nhấm. Tết cũng là dịp để thực hiện những công trình dồn ứ. Tôi dường như không có Tết, vì thời gian lắp đầy những công việc. Tôi vẫn hay đùa, ngày nào cũng là Tết. Tôi tâm đắc câu nói của nhà văn Nhật Bản, đại ý tôi bận rộn điều người khác không bận rộn và ngược lại. Chưa làm được gì thì Tết đã hết!
Nhà văn và con trai giờ đang du học Mỹ
* Chị có kỷ niệm đặc biệt nào về một cái Tết vui, ấm áp?
- Đó là cái Tết chuẩn bị cho con du học. Biết là con sẽ đi học năm sau, nên Tết năm đó, mấy mẹ con đi thăm bà con ở quê, đi tảo mộ… Tôi đưa con về thăm cánh đồng ông bà tổ tiên khai phá, giờ đây là ruộng đồng đông vui nhưng xưa kia đất này hoang vu, đầy thú dữ. Tôi nhắc con đã lớn lên từ rơm rạ, đồng đất quê nhà. Quê xưa giờ nghèo hơn vì hạn mặn xâm nhập, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đời sống bà con ven biển Tây Nam bộ rất rõ. “Dừa treo”, “lúa lép” là những từ mà con tôi rất thấm thía. Hành trang con đi du học có những bông lúa lép quê nghèo. Tôi không dặn con phải thế này thế kia khi đi xa nhưng con rất hiểu. Chúng nỗ lực học để có được bảng điểm A và tiết kiệm từng xu ở nước Mỹ giàu có.
Nuôi con tốn tiền tỉ nhưng không có Tết
*Cái Tết của một người mẹ giỏi giang xoay xở kiếm tiền tỉ cho con du học thường diễn ra như thế nào? Chị thường duy trì những cái Tết truyền thống hay là đóng cửa đi chơi để chống lại và xóa mờ ấn tượng về những cái Tết nhàm chán?
- Tôi canh giao thừa gọi điện cho con. Năm nay, hai đứa ở hai bang nước Mỹ. Tết với tôi chẳng bao giờ nhàm chán. Hồi chưa có nhà, ở nhà trọ, nhìn xung quanh nhà nhà sửa soạn tết tôi có chạnh lòng nhưng an ủi khi thấy những lá cờ Tổ quốc treo khắp phố phường. Mình không có nhà nhưng có Tổ quốc. Khi có nhà rồi, thật vui khi tự tay treo lá cờ Tổ quốc trước ban công nhà mình. Tôi đã từng viết bài thơ “Người không nhà dạy con hát quốc ca” nên tôi thấu hiểu Tết, ngôi nhà, lá cờ Tổ quốc có ý nghĩa với mỗi công dân như thế nào!
Trầm Hương tự sự Tết xa nhà sẽ lạnh lẽo vô cùng
*Chị có thể kể cho độc giả nghe về một cái Tết xa nhà?
- Có môt cái Tết tôi rời thành phố, không về quê, đi Đà Lạt xem sao. Ôi trời, buồn muốn chết! Đà Lạt quá lạnh lẽo. Cao nguyên càng khiến tôi nhớ đồng bằng da diết. Lên Đà Lạt ăn tết, nếu bạn là người miền Tây, tôi thề bạn thèm ăn canh chua cá kho, bánh phồng, bánh tráng biết bao. Không phải ở Đà Lạt không có canh chua cá kho nhưng hương vị canh chua cá kho, thịt heo kho tàu ở Bến Tre rất khác, cá kho ở Bến Tre ướp nước màu dừa, không bỏ nghệ vàng khè. Những món ngon ở Đà Lạt thì chẳng ngon với tôi, đứa con sinh ra ở Bến Tre. Từ năm đó, Tết là tôi quay về nhà, tôi không bao giờ đi đâu. Tết ở nhà để ngôi nhà mình ấm cúng cả năm. Nhưng nhờ trải nghiệm tết xa nhà năm ấy mà tôi viết được truyện ngắn Hoa so đũa, trong đó có nỗi thao thức số phận con người ở cao nguyên nối liền với đồng bằng.
*Những chiều cuối năm, chị có quét mạng nhện cho ngôi nhà của mình và và đem quăng bỏ những món cả năm vì tiếc mà dúi vào góc này góc nọ nhưng chẳng bao giờ dùng được nữa, hay chị có những việc khác nhằm dẹp bỏ những gì của năm cũ để đón nhận mùa xuân đang tới?
- Tôi rất ghét mạng nhện nên không đợi Tết mới quét mạng nhện. Dù phải tốn tiền thuê dàn giáo, thuê thợ, tôi rất quan tâm việc chùi sáng những ngọn đèn. Phải lau bụi, pha lê mới lấp lánh. Một năm để nâng niu những ngọn đèn, những chùm pha lê thật đáng làm. Tôi thèm ngôi nhà được quang đãng nên không đợi Tết mới quăng đi những thứ không cần thiết. Đúng là chúng ta phải can đảm buông bỏ nhiều thứ, để được thanh thản và hạnh phúc!
*Mùa xuân của phương Nam có đặc thù là luôn nắng nóng, khác hẳn với thời tiết lạnh của phía Bắc - dễ đượm màu hương vị Tết cổ truyền. Ấn tượng của chị về Tết phương Nam như thế nào?
- Là mai vàng rực rỡ, cứ nhìn thấy những cội mai vàng là lòng tôi xao xuyến, nôn nao. Đã qua đi rất lâu, cũng sẽ chẳng bao giờ trở lại là đống lửa mẹ tôi đốt để nướng bánh phồng, bánh tráng, Mẹ tôi giải thích, Tết nhà nào cũng làm bánh phồng bánh tráng vì hy vọng “huy hoàng tráng lệ”. Ngày mùng một Tết nướng cái bánh phồng nếp, nó chỉ bé bằng chiếc dĩa con nhưng nở ra bằng cái sàng là điềm cát tường, may mắn! Mẹ tôi rất khéo tay. Bà làm bánh phồng nếp nở khi nướng lên dày đến nỗi đâm cả cây kim không thấy xuyên qua! Giờ mẹ mất rồi, không ai làm bánh ấy nữa!
Trầm Hương - người đàn bà viết mạnh mẽ, cá tính
*Mùa xuân mới đang tới, đối với một nhà văn sống bằng ngòi bút, chị có giữ quan niệm coi trọng việc khai bút khởi đầu năm mới? Chị sẽ thực hiện công việc viết văn vào ngày nào đầu tiên trong năm?
- Viết cái gì không quan trọng bằng đọc cái gì. Mỗi năm, tôi chọn đọc một quyển sách. Quyển sách đọc đầu năm có ấn tượng rất mạnh mẽ. Khi nào rảnh tôi sẽ viết. Cái gì cần trước tôi sẽ viết trước. Hứng lên tôi làm thơ. Tôi có những bài thơ từ rung cảm về mùa xuân. Cũng thật vui khi bạn bè ghé lại, có những tiệc bất ngờ không hẹn trước mà thật vui, thật ấm áp.
CÂY TÂM HỒN TÔI
Trầm Hương
Tôi treo trên đỉnh cây tâm hồn tôi bó cỏ vô ưu
Hái từ khổ đau-hạnh phúc
Mùa xuân đến chăng, nào biết
Chim hót, hoa nở, bướm bay…
Theo tháng ngày tàn lụi
Tôi treo trên đỉnh cây tâm hồn tôi một trái tim
Bầu nhụy hoa tươi rói
Dâng tặng anh những gì tốt đẹp nhất
Tình yêu của tôi
Mơ ước của tôi
Tinh chất của tôi…
Chấp nhận đắng cay bất hạnh riêng mình
Tôi chôn dưới gốc rễ…
Tôi làm thế
Vì tin chắc một điều
Cây tâm hồn tôi sẽ tồn tại trên thế gian này
Bằng những nụ hoa
Tinh khiết
Bình luận (0)