Một nhà văn nói rằng nhiều khi trong những cuộc “trà dư tửu hậu”, giới nhà văn không còn nghe bàn về những sáng tác văn chương mà chỉ nói cho nhau nghe chuyện viết kịch bản, khai thác đề tài thế nào cho phim ảnh. “Đang viết theo đơn đặt hàng” là câu được nhiều nhà văn chia sẻ nhất ở thời điểm này nhưng không phải là sáng tác văn học mà là viết kịch bản cho phim.
Sau kịch bản phim truyền hình đầu tiên Mùa hè sôi động, nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh đã viết các kịch bản phim Tình ca phố, Xúc xắc mùa thu
và Con đường màu xanh.Trong ảnh: Cảnh trong phim Mùa hè sôi động của đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc
Trăm hoa đua nở
Thật vậy, phim truyền hình phát triển ồ ạt, các nhóm viết kịch bản dù mọc lên như nấm sau mưa vẫn không đủ sức cung cấp đủ nguồn kịch bản trước nhu cầu quá lớn. Các nhà sản xuất đã tìm đến “cứu tinh” là những nhà văn tên tuổi, những cây bút trẻ. Và chỉ cần có một, hai phim được lên sóng thì nhà văn sẽ liên tục nhận được những lời mời gọi viết kịch bản của các nhà sản xuất, với nhuận bút “trong mơ” so với việc viết một tác phẩm văn học.
Nhà văn Bùi Anh Tấn cho biết anh đã viết kịch bản Câu chuyện một dòng sông (dài 30 tập) cho hãng phim FPT, sau hợp đồng đầu tiên với bộ phim Bước chân hoàn vũ cho đơn vị này. Bùi Anh Tấn nhìn nhận, việc nhà văn viết kịch bản hiện nay có thể so sánh như “trăm hoa đua nở”.
Đi đâu cũng nghe nhà văn này đang viết cho hãng phim này, nhà văn kia đang có hợp đồng với hãng phim kia mà điểm lại trong những tên đứng vai trò “nhà biên kịch” trong các phim truyền hình có đủ mặt từ những nhà văn tên tuổi cho đến những cây bút mới vào nghề.
Bị cuốn nhiều nhất vào vòng xoáy viết kịch bản phim truyền hình là lực lượng các cây bút trẻ. Chưa đủ sức khẳng định mình trên văn đàn, nhưng phim truyền hình với họ như một cơ hội để có thể vừa kiếm tiền chính đáng bằng ngòi bút vừa có danh.
Một cây bút trẻ nói rằng viết kịch bản vài ba tháng có thể sống được một năm, trong khi đầu tư vài ba năm cho một cuốn tiểu thuyết cũng chưa chắc sống đủ trong vòng một tháng. Cũng chính điều đó làm cho cán cân gần như lệch hẳn về phim truyền hình, còn phía văn học vẫn còn những khoảng trống chông chênh.
Thời khan hiếm kịch bản phim truyền hình không chỉ nhà văn mà các tác giả viết kịch bản sân khấu, nhà lý luận phê bình, đạo diễn... cũng đồng loạt nhảy vào viết, hoặc góp tay chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình.
Xoay xở tận nguồn vẫn không đủ kịch bản, các nhà làm sân khấu cũng đưa kịch bản sân khấu lên phim như là một giải pháp tình thế trong cuộc chạy đua làm phim truyền hình ráo riết như hiện nay.
Nhà văn- tác giả kịch bản Trần Thị Hồng Hạnh nhìn nhận: “Với nghị định mới của Chính phủ về việc bảo đảm tỉ lệ 30% phim Việt phát sóng trên truyền hình thì việc các nhà văn chuyển sang viết kịch bản phim và có ý định “ở lại” lâu dài với phim ảnh cũng là sự lựa chọn hợp lý”. Nhưng đường văn chương thì đang bỏ ngỏ!
Con dao hai lưỡi
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói: “Có những đề tài viết được cho văn học nhưng cũng có những đề tài chỉ có thể khai thác cho phim ảnh. Nhà văn viết được mảng nào thì cứ phát huy”. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cũng cho rằng khi đời sống văn học không thể nuôi sống được nhà văn thì hãy cho họ viết kịch bản như một nghề tay trái.
Tuy nhiên, hệ lụy của việc chỉ chăm chăm viết kịch bản phim chính là sự mài mòn ngòi bút của nhà văn, bởi ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ điện ảnh có một sự cách biệt rất xa. Nhà văn Bùi Anh Tấn cho biết bạn bè anh nhiều người chia sẻ rằng sau một thời gian tập trung viết kịch bản phim truyền hình, họ không còn viết văn được nữa. Bởi kịch bản phim hoàn toàn khác với sáng tác văn học.
Thật vậy, một nhà văn lớn tuổi sau nhiều năm làm biên kịch, ông viết truyện ngắn đọc cứ như một kịch bản phim diễn giải thành văn xuôi. Hành động, thoại của nhân vật đơn giản, thiếu những diễn biến nội tâm sâu sắc để người đọc có thể thẩm thấu được giá trị tác phẩm.
Một khi đã dấn bước sang lĩnh vực biên kịch thì sự tỏa sáng của những tên tuổi nhà văn trên văn đàn văn học cũng khó còn nữa. Những nhà văn tiên phong trong việc bước sang lĩnh vực biên kịch, để lại những dấu ấn và còn trụ lại với phim cho đến giờ có thể kể đến nhà văn Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Mạnh Tuấn, Chu Lai, Phạm Ngọc Tiến, Đặng Minh Châu... Đứng mũi chịu sào trách nhiệm biên tập kịch bản cho các nhóm viết trẻ hiện nay có thể kể đến các nhà văn từng ghi dấu trên văn đàn, như: Sâm Thương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Châu Thổ, Nguyễn Thu Phương... Tuy nhiên, bao nhiêu năm làm biên kịch thì cũng ngần ấy thời gian những tên tuổi này được gắn với danh xưng nhà biên kịch, ít người còn lưu dấu với văn chương.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ góc nhìn: “Phim truyền hình phát triển ồ ạt cũng giống như một cánh cửa mở toang, mọi người đều ra sức lao vào để lấp đầy những khoảng trống và hỗ trợ sự phát triển này. Đó là một xu hướng phát triển tất yếu của xã hội, có cưỡng lại cũng không được. Đó cũng là cơ hội để những ngòi bút trẻ có đất dụng võ, nhưng với người viết văn thì kịch bản phim cũng giống như một con dao hai lưỡi. Nó có thể cho người viết trẻ đóng góp tài sức của mình vào nghệ thuật này nhưng cũng có thể khiến cho họ không còn có thể viết văn sâu sắc.
Điều đáng lo ngại là nếu những cây bút chạy theo sự dễ dãi của phim truyền hình, viết tình tiết lăng nhăng, nhân vật hời hợt theo yêu cầu của nhà sản xuất thì đó mới chính là nguyên nhân giết chết nhà văn”.
“Máy gia công chữ”
Một nhà văn không ngần ngại nói rằng viết kịch bản phim truyền hình chỉ là để kiếm tiền, chứ không thể nói đó là những cống hiến tận tụy cho nghệ thuật. Bởi kịch bản đòi hỏi phải viết nhanh, viết gấp cho kịp với tốc độ làm phim, người viết chỉ như một “máy gia công chữ”, không thể có kiểu “thời gian cho cảm xúc, cho tư duy sáng tạo” như viết văn được. Nhưng bù lại thì nhuận bút kịch bản cũng có thể lên đến gấp trăm lần so với một cuốn tiểu thuyết.
“Vậy thì chọn đi! Nhà văn viết kịch bản còn được sống đúng với ngòi bút, còn nếu chỉ viết văn mà không làm gì khác thì cũng... chết!” – nhà văn này thẳng thắn bày tỏ. |
Kỳ tới: Đua nhau làm nhạc phim
Bình luận (0)