Sau hàng loạt các vở nhạc kịch của nhóm nhạc kịch Buffalo ra đời tại các điểm diễn như: Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, Nhà hát Thế giới trẻ, rạp Công Nhân - Nhà hát kịch TP HCM… đã có thêm đạo diễn trẻ Trần Bình An, liên hệ với ca sĩ Châu Kiệt Luân (Đài Loan), mua bản quyền dàn dựng vở nhạc kịch “Thiên Đài”. Bước khởi đầu của việc nhập khẩu kịch bản đã nhận được sự hỗ trợ đáng quý từ các đối tác nước ngoài.
Gần như cho
Khác với đối tác sở hữu bản quyền vở nhạc kịch “Chicago”, đòi hỏi việc dàn dựng và công diễn tác phẩm này phải hội đủ các yếu tố về dàn dựng, âm nhạc phải có dàn nhạc đệm, đồng thời việc chuyển ngữ tiếng Việt cũng phải có sự giám định của họ, đạo diễn Trần Bình An đã nhận được sự ủng hộ đầy nhiệt tình của ca sĩ Châu Kiệt Luân khi biết anh dàn dựng vở nhạc kịch với mục đích báo cáo tốt nghiệp khóa đạo diễn sân khấu trước khi đem tác phẩm này đến với công chúng.
Phía đối tác vở kịch hoan nghênh việc chuyển ngữ lời Việt và sáng tạo việc sáng tác thêm phần nhạc kịch cho những đối thoại từ câu chuyện “Tình yêu trên gác mái” - hay còn gọi là “Thiên Đài”, dựa theo tác phẩm điện ảnh nổi tiếng mà ca sĩ Châu Kiệt Luân sáng tác kịch bản phim và thủ vai chính.
“Tôi thông qua câu lạc bộ người hâm mộ (fan club) của ca sĩ Châu Kiệt Luân trên các diễn đàn tại TP HCM (FC JVN), từ đó nhờ họ tìm cách liên hệ với anh và đồng thời các bạn cũng là những thành viên hỗ trợ thực hiện quá trình chuyển ngữ và viết lời Việt cho các ca khúc trong vở kịch. Rất vui khi anh ấy đồng ý cho phép chuyển thể tác phẩm này và dàn dựng tại Việt Nam” - đạo diễn Trần Bình An cho biết. Về tiền tác quyền, hai bên sẽ thương lượng trên cơ sở vở diễn khai thác doanh thu khi đưa vào kinh doanh. Đạo diễn Trần Bình An cho biết rất khao khát được mời Châu Kiệt Luân sang Việt Nam để xem vở kịch công diễn.
“Với tôi, đó là một khởi đầu rất may, để đưa kịch bản nước ngoài đến với sân khấu Việt. Còn nếu đặt vấn đề trả tiền tác quyền đúng như hợp đồng thương mại quốc tế, chắc khó mà thực hiện được vì không cách nào thu hồi vốn” - đạo diễn trẻ Trần Bình An giãi bày.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, người đã từng liên hệ mua bản quyền một số tác phẩm nhạc kịch Broadway, cho biết: “Khó khăn của việc mua bản quyền các vở của nước ngoài là thu hồi vốn. Bởi chi phí cao mà khả năng thu hồi vốn thấp. Nhất là trong thời buổi kinh tế eo hẹp hiện nay càng khó khăn. Chưa kể những khó khăn về trang thiết bị, nhân lực để làm đúng theo yêu cầu chất lượng của phía đối tác” . Tuy nhiên, theo anh, về lâu dài, khi đời sống tinh thần của người dân nâng cao, khán giả có nhu cầu được thưởng thức những vở nhạc kịch của thế giới bằng ngôn ngữ bản xứ như ở Thái Lan, Hàn Quốc… thì việc mua bản quyền nhạc kịch nước ngoài sẽ trở nên phổ biến hơn.
Cần tính đường dài
Với giá vé bán hiện nay từ 120.000 đến 250.000 đồng/vé, toàn bộ doanh thu suất diễn khó có thể dư để chi trả tiền tác quyền đúng như phía đối tác yêu cầu, dao động từ 10.000 đến 12.000 USD/kịch bản và phần âm nhạc. “Chưa tính đến chi phí hòa âm, phối khí, chuyển ngữ và dàn nhạc đã thấy số tiền phải chi cho một tác phẩm nhạc kịch rất lớn” - đạo diễn Nguyễn Khắc Duy chia sẻ.
Trước những khó khăn từ kinh phí đầu tư, việc mua bản quyền kịch bản nhạc kịch nước ngoài đã không được xem là giải pháp tối ưu. Sự hỗ trợ của đối tác trong lần đầu chỉ mang tính tạm thời. “Chúng ta phải có hiệp hội sân khấu nhạc kịch Việt, liên kết với các sân khấu nhạc kịch quốc tế, đề nghị hỗ trợ. Bởi họ có muốn đem nhạc kịch với những tác phẩm đỉnh cao đến Việt Nam biểu diễn cũng khó, vì giá vé quá cao, khán giả lại chưa quen, trong khi đó phương thức chuyển giao công nghệ với giá rẻ khi có hiệp hội hỗ trợ là giải pháp hữu hiệu” - đạo diễn Chánh Trực phân tích.
Với cách làm liệu sức, đạo diễn Trần Bình An đã có một tác phẩm nhạc kịch mang tên “Thiên Đài”, được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhưng điều mà hiện nay đạo diễn Trần Bình An băn khoăn là không tìm được “bà đỡ” cho vở nhạc kịch của anh ra thị trường. “Các đơn vị sân khấu đối tác trong nước đặt ra nhiều yêu cầu, thay đổi diễn viên, chêm vào danh hài, để tăng yếu tố thị trường, điều đó cũng có lý nhưng sẽ phá vỡ cấu trúc nhạc kịch, vì ê-kíp đã tập nhảy, múa, hát và việc dàn dựng lại rất mất thời gian nhất là khi lịch chạy sô của diễn viên ngày nay chóng mặt với quá nhiều game show, phim truyền hình…” - anh cho biết.
Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc: “Từ sau vở nhạc kịch “Chicago”, “Vũ nữ”, “Tuyết đỏ”… các đạo diễn trẻ của Việt Nam đã bắt đầu đầu tư cho việc sáng tác nhạc kịch ngôn ngữ Việt. Chúng ta còn nghèo nên việc học của người làm mới của ta sẽ là giải pháp lâu dài, nhất là khi nhạc kịch chưa thành “món ăn” phổ biến tại nước mình”.
Sáng tác nhạc kịch đang là thách thức
Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy cho biết hiện tại nhóm Buffalo lên kế hoạch cho một vở nhạc kịch cổ tích Việt Nam đang trong quá trình dàn dựng dự định sẽ ra mắt vào mùa hè tại sân khấu mới. Theo anh, để tự sáng tác nhạc kịch Việt, đòi hỏi sự hỗ trợ lớn từ các nhạc sĩ sáng tác và hòa âm phối khí, vì nhạc kịch vô cùng quan trọng phần nhạc. Nhưng việc sáng tác nhạc kịch vẫn là thách thức với giới nhạc sĩ trong nước, chưa kể chi phí cho phần sáng tác nhạc trong một vở nhạc kịch nếu mời những nhạc sĩ tên tuổi sẽ là rất lớn. Bởi vậy, để làm được nhạc kịch, hiện tại không chỉ đòi hỏi niềm đam mê mà còn phải cần sự hỗ trợ đầu tư về lâu dài của các tổ chức, cá nhân có chức năng hỗ trợ cho các hoạt động nghệ thuật mới tại Việt Nam như ở Hàn Quốc, nhạc kịch được nhà nước quan tâm đầu tư và “nuôi” một cách bài bản, có định hướng.
Bình luận (0)