Sàn kịch tại TP HCM có 6 nam nghệ sĩ luôn để mặt mộc mỗi khi bước ra sân khấu nhưng vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với công chúng, gồm: Việt Anh, Công Ninh, Thanh Hoàng, Mai Trần, Hoàng Sơn và Mạnh Tràng. Hình như phấn son đối với họ là thứ xa lạ. Quan sát cách họ thâm nhập đời sống nhân vật từ hậu trường ra đến sàn diễn, chúng ta dễ dàng phát hiện gần như hiếm khi họ dùng đến son phấn cho các vai diễn.
Sống thật nhất với nhân vật
Trong vở Tuyết đỏ của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, NSƯT Việt Anh vào vai ông đạo diễn, vẫn với gương mặt mộc mạc, thân quen nhưng tính cách nhân vật do anh thể hiện khiến khán giả phải tin đó là một con người khác. Hàng trăm vai diễn cứ thế làm đầy hành trang nghệ thuật của NSƯT Việt Anh. Bởi với anh, “phấn son có khi giết chết nhân vật”. Anh tâm sự: “Tôi cho rằng mình may mắn vì không phải tốn nhiều chi phí cho việc mua son phấn, đồ dùng hóa trang. Tổ nghiệp cho tôi cái duyên đóng các vai già, gương mặt lại có sẵn góc cạnh để thích ứng với những tầng suy tư mà nhân vật phải trải nghiệm. Và thế là tôi áp dụng cách để mộc gương mặt của mình mỗi khi bước vào không gian kịch thể nghiệm của sân khấu nhỏ, ông Năm trong vở Dạ cổ hoài lang là một vai tôi vẫn giữ mặt mộc để diễn cho đến bây giờ. Tôi thích để gương mặt thật như thế mỗi khi lên sân khấu nhằm sống trọn vẹn với nhân vật”.
Còn với NSƯT Công Ninh, anh cũng không sử dụng nhiều son phấn để hóa trang. Anh cho biết: “Tôi ít khi diễn vai nhà giàu nên chẳng cần son phấn để tô điểm. Phần lớn đều là vai nhà nghèo, có gương mặt khắc khổ. Trời sinh cho gương mặt sở hữu nhiều nếp nhăn, đôi mắt cũng đã quá buồn, nói chung từ phim cho đến kịch, cầm kịch bản lướt qua là biết số phận của tôi đã “chết” với dạng vai như thế. Cái lợi của son phấn trong việc hóa trang chính là làm cho vai diễn sáng hơn, nhất là 2 thời kỳ trong một vở diễn: lúc trẻ, lúc già. Trường hợp đó thì bắt buộc phải sử dụng; còn lại, phần nhiều vẫn ít khi lạm dụng việc phải hóa trang cho các nhân vật khắc khổ. Cụ thể như trong vở Cõi tình, tôi đóng vai ông lão quét rác trong đêm 30 Tết bị một thanh niên đi ô tô đâm phải. Vai diễn người từ cõi chết quay về mà son phấn lòe loẹt thì chẳng thật chút nào, nhất là trong không gian sân khấu nhỏ”.
Những vai diễn “mặt mộc” huyền thoại
Theo lời kể của nhiều nhà chuyên môn đã có thời được xem các nghệ sĩ mà báo giới nhận định họ là quái kiệt thì miền Nam có NSND Ba Vân, miền Bắc có NSND Đào Mộng Long. Hai ông dường như chẳng bao giờ tốn son phấn cho một vai tuồng. Cứ thế, hằng đêm, với gương mặt khắc khổ, những nét nhăn hằn sâu suy nghĩ của cả một quãng đời nhọc nhằn, gian khó với nghề, với cuộc sống mưu sinh đã là thứ gia sản sinh động hơn bất kỳ nét cọ và màu sắc trang điểm nào. NSND Đào Mộng Long từng đóng một vai rất nhỏ là ông lão trông coi nhà thờ trong vở kịch Lu-bốp Ia-ra-vai-a của Nga. Ông vốn có dáng vóc nhỏ nhắn, gầy còm nên khi diễn, ông để gương mặt mộc, không tô son, trát phấn. Ông đã sáng tạo vai diễn với những bước đi nhẹ như không, lượn lờ, ngoắt ngoéo như con rắn độc đang bò. Miệng ông lẩm nhẩm những lời nói không đâu trong kinh thánh, cặp mắt vờ lơ láo nhưng thực ra đang ranh mãnh dò xét những người xung quanh. “Vai diễn với gương mặt xám bệt đó tự khắc gây ấn tượng lớn đối với đạo diễn người nước ngoài, tới mức đạo diễn đó phải thốt lên: “Ông đã tìm ra cách diễn khiến tôi vô cùng khâm phục, hơn hẳn nghệ sĩ đóng vai này ở nước chúng tôi” - NSND Phạm Thị Thành kể lại trong niềm tự hào khi kể về những vai diễn không son phấn của NSND Đào Mộng Long.
Còn với NSND Ba Vân, ông có vai diễn để đời trong vở cải lương Người ven đô. Tác giả Minh Khoa, người viết kịch bản nổi tiếng này, kể: “Anh Ba Vân để gương mặt không trang điểm, mái tóc bạc bồng bềnh, những nép nhăn và cơ mặt biểu hiện sinh động dưới ánh sáng lờ mờ đặc tả khung cảnh ảm đạm của những ấp chiến lược mà quân giặc tạo ra để truy lùng các chiến sĩ cách mạng. Vai ông Tám Khỏe đau đớn nhìn lũ sói lang giày xéo con gái mình. Lúc đó, nước mắt, mồ hôi tuôn đầm đìa trên gương mặt của anh. Nếu dùng son phấn thì khó mà diễn tả được tâm trạng nhân vật. Cứ thế, hàng trăm suất diễn của anh khiến khán giả bật khóc, nhất là lúc anh dùng hai bàn tay nắm chặt hai mảng tóc trên thái dương, rồi khi buông tay ra, những sợi tóc rụng dần bay trong ánh sáng. Anh diễn xuất thần vai ông Tám Khỏe không cần hóa trang trên sân khấu cải lương”.
Đối với thế hệ nữ nghệ sĩ ít dùng son phấn, NSND Bảy Nam là một điển hình cho những vai diễn bà mẹ trên sân khấu kịch Kim Cương. NSND Kim Cương kể: “Má tôi ít dùng đến son phấn khi diễn các vai bà mẹ, có chăng là một lớp phấn sậm mỏng để không bị quá tái xám khi ánh đèn sân khấu rọi vào. Còn lại, vai bà Tư của vở Lá sầu riêng, bà ít khi sử dụng đến mỹ phẩm. Trước hết vì gương mặt của má tôi là sự biểu cảm chân thật nhất của những thân phận người mẹ đau khổ, kế đến bà muốn vai diễn của mình gần gũi, hòa mình vào khán giả như chính từ cuộc đời bước vào kịch. Sau này, xem một số diễn viên diễn trên sân khấu, bà thường trách vì sao lạm dụng son phấn đến lòe loẹt khiến vai diễn xa rời thực tế. Má tôi kỵ nhất là cách hóa trang “lạc đội hình” với tất cả anh em trong đoàn. Nếu thấy diễn viên cố tình làm đậm hơn hoặc sáng hơn so với những tính cách trong vở, ngay lập tức, bà yêu cầu diễn viên đó bôi mặt làm lại”.
Thế đấy, người nghệ sĩ tài năng áp dụng việc hóa trang trên sân khấu với ý thức sáng tạo dựa vào thực tế của quá trình nghiên cứu. Họ đâu cần học điều này từ một trường lớp đào tạo nào. Và chính những sáng tạo bất ngờ đó khiến khán giả tán thưởng nồng nhiệt.
Chẳng cần tốn phấn son Trong khi các đồng nghiệp mỗi tuần phải rảo quanh các chợ mua son phấn để hóa trang thì một số nữ nghệ sĩ chẳng cần hao phí cho khoản này, như các nghệ sĩ: Ánh Hoa, Hồng Sáp, Kim Phương, Bo Bo Hoàng, Dạ Lan, Uyên Trinh, Diễm Kiều… Các chị đã chinh phục khán giả bằng chính những gương mặt mộc ấn tượng. Nói nôm na, nghệ sĩ khi trình diễn sẽ diễn tả phần hồn, còn nghệ thuật hóa trang sẽ đảm nhiệm việc thể hiện phần xác của nhân vật. Thế nhưng, với các chị, việc thể hiện phần xác đó không có gì chân thật bằng chính những biểu cảm trên khuôn mặt . |
Bình luận (0)