Nhiều thập niên trước, khi nghề hát bắt đầu hình thành từ gánh hát do thầy Năm Tú ở Mỹ Tho sáng lập ra cách ca ra bộ thì hóa trang, làm đẹp cho nghệ sĩ (NS) trên sân khấu đã manh nha hình thành với những nét vẽ tươi tắn trên khuôn mặt NS tham gia biểu diễn. Từ đó về sau, các đại ban cải lương xem trọng việc làm đẹp với 2 mục đích: Sáng sân khấu và sáng tính cách vai diễn.
Không được diễn dở, chai lì
Bà bầu Kim Chưởng bỏ lửng không giải thích từ “mốc” mà bà thường ám chỉ khi nói về diễn xuất. Bởi trong thế giới màn nhung, những từ lóng của giới chuyên môn ẩn ý cách đánh giá, thẩm định của người nhà nghề. “Mốc” được hiểu theo 2 nghĩa: diễn dở và chai lì nhân vật. NSƯT Phương Quang nhắc lại một kỷ niệm không quên trong cuộc đời đi diễn: “Tôi diễn vở Nắng chiều trên sông Dịch cùng NSƯT Ngọc Hương, khi đang ngồi hóa trang lớp diễn phụ của nhân vật ở tuổi về chiều, nhớ lại quá khứ hào hùng, bà bầu Kim Chưởng đi ngang thấy tôi lo giặm phấn, tô hồng đôi má, bà nói vai này cần “mộc” chứ không cần “mốc”. Trong suy nghĩ của một chàng trai mới vào nghề, tôi thật sự bị đánh đố để rồi sau đó tìm gặp cậu Mười Út Trà Ôn, kể rõ nỗi niềm, ông cười nói chị Bảy Kim Chưởng không muốn cậu tốn tiền son phấn cho vai này. Tôi gật gù cảm thấy cái ngu của mình lớn quá, lời giải thích của đệ nhất danh ca làm tôi sáng ra”.
Và từ đó, cách diễn với gương mặt mộc trong vở tuồng ấn tượng này, vai diễn đã góp phần mang về cho NSƯT Phương Quang HCV Giải Thanh Tâm năm 1966.
Những bài học nhớ đời
NS Ánh Hoa kể bà vào nghề từ những vai diễn phụ. Bài học đầu tiên chính là cách hóa trang cho vai diễn trên sân khấu. Bà kể: “Thường thì các cô, các dì đi trước vẽ cho tôi một nửa mặt, nửa còn lại tự tôi phải làm. Nhớ nhất lời khuyên của cố NSND Phùng Há khi bà xem tôi diễn vai bà lão trong vở Kiều Nguyệt Nga. Bà khuyên tôi vốn có gương mặt khổ hạnh, nhân từ nên ít trang điểm lại để lộ cái đẹp sẵn có cho vai diễn thêm sáng. Lời khuyên của cô Bảy cho tôi nhiều bài học nhưng quan trọng hơn là ít dùng đến mỹ phẩm thì da mặt không bị hư. Bởi thời bao cấp chưa có nhiều sản phẩm kem lót dưỡng da, chống bị các hóa chất làm tổn hại tế bào da. Thời đó còn nghèo, NS xài phấn hiệu “con én” là oách lắm rồi, phần nhiều phải mua bột trộn với màu để thay cho phấn má hồng. Còn bút chì là những viên than chứ làm gì có những cây cọ và phấn đủ màu để vẽ chân mày như ngày nay”.
Ưu điểm không phải ai cũng có Với những NS không tốn tiền son phấn, họ đã trải qua nhiều thời kỳ, gần như mặc định thành nguyên tắc, thành quy định mà bản thân họ muốn mỗi nhân vật trong vở tuồng được sống thật. Nói như thế không có nghĩa sân khấu triệt tiêu dần nghệ thuật hóa trang nhưng cái hay của họ chính là biết vận dụng ưu điểm của khuôn mặt và hiểu rõ số phận nhân vật họ sẽ hóa thân. NSND Đinh Bằng Phi nói: “Trong nghề hát, từ hát bội cho đến cải lương, kịch nói đều phải tuân thủ nghiêm ngặt việc hóa trang cho nhân vật. Từ đó mới tạo nên nét đặc trưng khiến người ta chỉ cần nhắc tới nhân vật nào đó thì mọi người có thể biết nhân vật đó vận trang phục gì, mang đạo cụ gì và động tác diễn ra sao... Nghệ thuật hóa trang trong tuồng Việt mang những nét mềm mại dựa trên cơ mặt của các diễn viên. Điều này giúp các diễn viên có thể tăng hiệu quả nghệ thuật khi thể hiện tính cách hay bộc lộ nội tâm nhân vật. Tuy vậy, những NS không sử dụng son phấn đã có nhiều ưu thế để sống trọn vẹn với đời sống nhân vật. Ưu điểm này không phải ai cũng có. Chính vốn sống, chính những suy nghĩ chín chắn về cuộc đời đã tô điểm dung nhan cho họ”. |
Kỳ tới: Chẳng sợ xấu, già
Bình luận (0)