Khác với các loại “tuồng tiên”, “kiếm hiệp kỳ tình” một thời khiến khán giả cải lương chán ngán, sự xuất hiện của cặp liên danh soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng đã làm nên những kiệt tác để đời.
Cho dù 2 ông đều đã “về trời” nhưng bút pháp tài hoa trong những tác phẩm mà 2 ông để lại cho sân khấu cải lương như: Khi hoa anh đào nở, Thái hậu Dương Vân Nga, Con gái chị Hằng, Mưa rừng, Tấm lòng của biển, Sông dài, Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca, Mùa xuân trên non cao, Tần nương thất, Cô gái Đồ Long… không bao giờ phai mờ trong lòng khán giả mộ điệu và nghệ sĩ cải lương.
Kỳ phùng hội tụ
NSND Lệ Thủy nhận xét: “Chất văn học đậm đà trong từng lời ca, từng câu thoại mà 2 ông viết ra đã rót vào tim nghệ sĩ chúng tôi niềm cảm xúc mãnh liệt”. Bút pháp của Hà Triều - Hoa Phượng, theo nhận định của giới chuyên môn, luôn giữ vững phương pháp tả thực tâm lý xã hội sâu sắc. Tên tuổi của 2 ông gắn liền nhau như một thể thống nhất.
Là người xuất thân từ gia đình lao động, 2 soạn giả đến với sân khấu cải lương không vì ham danh vọng mà vì yêu quý nghệ thuật cải lương. Họ là đại diện trong số những soạn giả hiếm hoi không chịu uốn cong ngòi bút trước cường quyền hay sự cám dỗ của tiền bạc để tác phẩm không bị hoen ố. Hai ông theo đuổi sân khấu cải lương với ý thức xây dựng và phát triển nó ngày càng tốt đẹp hơn, trong nền nghệ thuật dân tộc Việt, đúng với tinh thần: “Cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.
Soạn giả - NSND Viễn Châu nói: “Hai ngòi bút này khẳng định nguồn gốc lành mạnh của cải lương để phát triển theo xu hướng xây dựng chứ không đả phá. Được xem là kỳ phùng hội tụ, họ bổ sung cho nhau. Nếu Hoa Phượng phóng khoáng, đẩy mạnh cao trào, tung hứng với những lời thoại, câu ca xoáy sâu vào đời sống thực tế thì Hà Triều có những niêm luật chỉn chu, sắp xếp, điều chỉnh rất hài hòa, nhẹ nhàng mà tinh tế. Họ hợp soạn ăn ý, chỉ cần đọc qua màn đầu Hoa Phượng viết thì màn sau Hà Triều đã phát triển thành một mạch kịch liền lạc, súc tích. Cứ thế, họ cho ra đời hàng trăm tác phẩm được xem là kiệt tác của sân khấu cải lương đương đại”.
Theo soạn giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hà Triều - Hoa Phượng luôn nắm vững nguyên tắc phát triển hình thức là để thể hiện tốt nội dung. Hai ông chú trọng nội dung, đồng thời cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức thể hiện bởi hai mặt này có quan hệ hữu cơ và tác động lẫn nhau.
Nhân cách lớn
“Lịch sử sân khấu cải lương hơn 90 năm đã cho thấy khi sàn diễn phồn vinh, các soạn giả đua nhau chạy theo hình thức phô trương với đủ chiêu thức; ngược lại, khi sàn diễn lâm vào cảnh khó khăn thì nhiều soạn giả tìm phương cứu vãn bằng cách tăng cường tính thị hiếu, đôi lúc rẻ tiền. Theo Hà Triều - Hoa Phượng, những việc làm này gây tác hại lớn cho sự nghiệp sân khấu cải lương nói chung và ý thức sáng tác kịch bản nói riêng” - ông Lê Duy Hạnh nhận định.
Nhân cách lớn của 2 soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng còn nằm ở cuộc sống giản dị, luôn làm gương cho nghệ sĩ. Hai ông đã “đo ni đóng giày” vai diễn cho nhiều nghệ sĩ. NSƯT Thanh Sang kể: “Hai ông đã cho tôi vai Tạ Tốn (vở Cô gái Đồ Long) để tôi nhận HCV giải Thanh Tâm năm 1964”. Còn với nghệ sĩ Hồng Nga: “17 tuổi, tôi đã đóng vai mẹ nên buồn lắm nhưng 2 ông khuyên hãy ráng diễn vai này rồi sẽ nổi tiếng. Và vai cô giáo Lan trong vở Tuyệt tình ca đã mang lại cho tôi rất nhiều tình cảm của công chúng. Tôi mang ơn 2 ông”.
Thật vậy, nếu lời ca, nét nhạc là những yếu tố căn bản của cải lương thì 2 soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng đã hiểu sâu hàm ý đó và nắm vững nghệ thuật ca diễn để nghiên cứu từng bài bản, đặt vừa mức cho mỗi trường hợp cụ thể. Chính vì thế, tính chất nghệ thuật cải lương trong tác phẩm của 2 ông vừa mang truyền thống vừa hiện đại. Cho đến ngày nay, những kịch bản của 2 ông vẫn được xem là khuôn mẫu cho thế hệ soạn giả trẻ nghiên cứu, học hỏi.
NSƯT Út Bạch Lan tâm sự: “Những tác phẩm như: Đêm vĩnh biệt, Nửa đời hương phấn, Sông dài, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Mưa rừng, Rồi 30 năm sau… đã là những kiệt tác tự hào cho sân khấu cải lương”.
Như Bá Nha - Tử Kỳ
Soạn giả Hà Triều tên thật là Đặng Ngươn Chúc, sinh năm 1931, tại làng Vĩnh Uy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Năm 1955, Hà Triều gặp lại một người bạn cũ là Hoa Phượng - tên thật là Lương Kế Nghiệp (sinh năm 1933 tại Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) - lúc này cũng đang lưu lạc lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Hai ông gặp nhà thơ Kiên Giang và được gợi ý hợp tác với nhau viết kịch bản cải lương. Năm 1957, nhà thơ Kiên Giang đặt Hà Triều - Hoa Phượng viết vở Khi hoa anh đào nở khai trương cho Đoàn Cải lương Thúy Nga trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo (tức rạp Công Nhân ngày nay). Đây cũng chính là vở hát đã đưa tên tuổi nghệ sĩ Thành Được lên hàng “ngôi sao” cải lương với vai Tô Điền Sơn.
Năm 1965, Đoàn Dạ Lý Hương diễn vở xã hội Nỗi buồn con gái (hay Tần nương thất) của 2 ông được ban tuyển chọn giải Thanh Tâm bình chọn và trao giải Vở cải lương hay nhất trong năm. Qua 10 năm (1955-1965), “liên danh” Hà Triều - Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 vở diễn. Từ những kịch bản đó, nhiều nghệ sĩ đã thành danh và đoạt các giải thưởng cao quý của giải Thanh Tâm như: Thành Được, cố NSƯT Thanh Nga, nghệ sĩ Văn Chung, cố nghệ sĩ Tấn Tài, NSƯT Thanh Sang, NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Tuấn, NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, nghệ sĩ Hồng Nga, NSƯT Thanh Nguyệt, cố nghệ sĩ Kim Ngọc, nghệ sĩ Mộng Tuyền...
Soạn giả Hoa Phượng mất năm 1984, còn Hà Triều mất năm 2003 nhưng nghệ sĩ và người thân của 2 ông đã quyết định chọn ngày 22-10 hằng năm làm ngày giỗ chung cho đôi bạn tri kỷ, gắn bó nhất của sân khấu cải lương như Bá Nha - Tử Kỳ này.
Kỳ tới: Nhị Kiều - “Nữ tướng không già”
Bình luận (0)