Ngày làm việc đầu tiên, 5-8, tại hội trường Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, không khí Đại hội Hội Nhà văn VN khóa VIII “sôi sục” ngay từ những phút đầu tiên với hàng chục ý kiến phát biểu của các nhà văn trẻ, già.
Tranh nhau phát biểu
Vấn đề nóng nhất của đại hội lần này là làm thế nào bầu ra được một Ban Chấp hành (BCH) đủ tâm, tài, sẵn sàng cống hiến cho hội.
Trước đại hội lần này, chưa lần nào đại hội của Hội Nhà văn VN sử dụng hết quyền bầu đủ số lượng thành viên của BCH, phần lớn các kỳ đại hội phải tiến hành bầu đến lần thứ 2 mà chưa lần nào thành viên BCH đạt đến con số 10, thậm chí BCH khóa VII chỉ có 6 người.
Chính vì nhân sự ít nên các thành viên BCH phải kiêm nhiệm nhiều việc, dẫn đến không thể bao quát hết mọi công việc của hội.
Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Thành Phong, Thu Huệ và Vũ Duy Thông tranh luận ngoài hội trường
Ở Đại hội lần VIII, các ủy viên BCH Hội Nhà văn VN phải đạt tối thiểu là 15, số dư để bầu là 30, tức là chọn từ 30 lấy 15 người. Việc bầu chọn các ủy viên BCH Hội Nhà văn VN đã trở thành một cuộc tranh luận nảy lửa giữa những người cầm bút, hội trường đại hội luôn thường trực tới bốn, năm cánh tay xin phát biểu cùng lúc.
Có đại biểu trẻ bức xúc vì không được chuyển micro, đã tự đến lấy để phát biểu sớm vì cô là hội viên trẻ, “và trẻ thì cần được ưu tiên”. Có nhà thơ dù không được mời vẫn lên hẳn sân khấu phát biểu, không cần micro, ai nghe được tiếng nào thì nghe...
Người ngồi trên tầng hai xin mãi không được đoàn chủ tịch mời phát biểu đâm ra bực mình la lên: “Các anh không để ý đến người ngồi tầng hai à?”. Bầu không khí đại hội nóng đến nỗi nhà văn Y Ban bị tăng huyết áp, mặt đỏ bừng phải nhờ đến các nhân viên y tế chăm sóc.
Không nên ép nhau làm lãnh đạo hội
Nhà thơ Vi Thùy Linh, người trẻ nhất đại hội lần này, bày tỏ mong muốn sẽ có một BCH “cấp tiến, làm việc vì nghệ thuật, vì anh em”. Cô mong muốn đó phải là những người sung sức nhất đang ở độ tuổi... 50 vì đây là “cơ hội cuối cùng của một thế hệ vàng”.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ lên tiếng cần khuyến khích các nhà văn có tâm, tài, có sức khỏe vào hội. Những người đang “ngập ngừng” thì không nên ép, bởi ép miếng bánh, cốc bia thì còn cố được chứ ép người làm lãnh đạo Hội Nhà văn thì không nên.
Nhà văn Y Ban bị tăng huyết áp phải nhờ nhân viên y tế chăm sóc
Cũng theo nhà văn này, BCH khóa VIII phải giúp các nhà văn đi thực tế nhiều hơn, nếu cần thì lập ra một ban thuyết trình thuyết phục các nhà xuất bản in sách của nhiều hội viên mà nhiều nhà xuất bản vì lý do nào đó không chịu in.
Nhà văn Triệu Văn Châu đề nghị đối với những người tự ứng cử vào BCH, cần phải lên diễn đàn nói về chương trình hành động của mình chứ việc ứng cử bằng giấy không thể hiện được tinh thần trách nhiệm.
Đánh giá về tiêu đề báo cáo, nhà văn Cao Xuân Thảo cho rằng đại hội nhà văn thì phải nói về tác phẩm, còn chủ đề của đại hội “Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người” nghe không thích hợp với đại hội này.
Ít tác phẩm bứt phá
Đánh giá về những hạn chế trong sáng tác 5 năm vừa qua, lãnh đạo Hội Nhà văn cho rằng còn ít những tác phẩm có sự bứt phá mạnh mẽ, có tính chất ghi dấu của từng tác giả. Nhà văn Phạm Thị Minh Thư, biên tập viên của Báo Văn Nghệ, tờ báo từng “vang bóng một thời” của Hội Nhà văn VN, thừa nhận tờ báo đã xuống cấp nghiêm trọng.
Rất nhiều đại biểu thẳng thắn cho biết lâu rồi không đọc Báo Văn Nghệ vì việc xuất bản quá “dễ dãi và bình dân”.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ khẳng định chị không đọc báo hay tạp chí của hội vì quá lạc hậu với những thông tin hằng ngày mà chị tiếp cận. Rất nhiều tờ báo, thậm chí có những tờ tưởng không liên quan đến văn chương lại luôn đăng những tác phẩm hay, mới, lạ và rất trang trọng. Cách làm của hội quá cổ hủ, lạc hậu, tư duy của những người làm tờ báo đó cũng rất cũ. Tạp chí Nhà Văn một thời rất hay, phát hiện ra Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài nhưng bây giờ thì xuống cấp, chất lượng quá kém.
Đánh giá về hiệu quả của những cuộc thi viết mà Hội Nhà văn phát động đến đời sống sáng tác hiện nay, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ khẳng định: Rất mờ nhạt. Hội Nhà văn hiện nay làm rất tốt việc của cán bộ Công đoàn, như chăm lo đời sống vật chất hội viên, thăm người ốm, hỗ trợ sáng tác bằng tiền, nhưng việc quan trọng nhất là làm sao tạo được một không khí sáng tác trong đông đảo hội viên thì hội lại không làm được, không có một bầu không khí sáng tác thoải mái.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, gương mặt sáng được kỳ vọng có mặt trong BCH kỳ này, cũng cho rằng các cuộc vận động của hội không nhiều tác động đến sự phát triển của văn học và thực tế là các cuộc xét giải hằng năm cũng không định giá đúng những tác phẩm xuất sắc nhất.
Hôm nay, 6-8, đại hội chính thức diễn ra.
Nhà phê bình Lê Thành Nghị:
Tác phẩm được trao giải không ai nhớ
Những tác phẩm được giải cần được tuyên truyền rộng rãi, nhất là trên các cơ quan báo chí của hội như Báo Văn Nghệ, tạp chí Nhà Văn, tạp chí Thơ cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Hiện nay, việc trao giải ở Hội Nhà văn VN được tiến hành khá sơ sài, số người tham dự buổi trao giải thưởng rất ít, khoảng dăm ba chục người, buổi lễ diễn ra tẻ nhạt, không để lại ấn tượng gì.
Tác giả được trao giải, tác phẩm được trao giải sau đó không ai nhớ. Tôi đề nghị hội nên thay đổi cách trao giải sao cho vừa tiết kiệm vừa trang trọng lại vừa có ấn tượng, bởi giải thưởng văn học của hội ai cũng biết là rất khó đạt đến.
Không nên tự làm xoàng xĩnh nó. Mặt khác, hội nên bỏ kinh phí in lại những tác phẩm đoạt giải ít ra từ thời kỳ đổi mới đến nay. Đó cũng là một hình thức khẳng định công lao của hội, cũng là nơi hội tỏ rõ thái độ tôn trọng hội viên bằng những cử chỉ văn hóa. Đấy là cách chúng ta hướng tới văn học đỉnh cao bằng những việc làm cụ thể.
GS Phong Lê:
“Thế hệ thứ 4” chưa làm nên dòng chảy mới
Nhìn lại sự đồng hành của bốn (hoặc hơn bốn) thế hệ viết hôm nay, tôi không khỏi băn khoăn về “thế hệ thứ 4”, thế hệ đối ứng và đáp ứng trực tiếp sâu xa nhất trước hiện thực hôm nay, thế hệ không ai thay thế được họ, trong tư cách người đại diện.
Đi tìm thành tựu của một giai đoạn mới qua đóng góp của một thế hệ trẻ trên văn đàn 15 năm nay (tính từ sau năm 1995), chúng ta chưa thấy một phong trào, không nói đến cao trào. Nếu làm một bảng kê tên tuổi những người viết ở tuổi 20 đến 30 ở thời điểm hôm nay thì có một danh sách dài.
Nhưng trong tổng hợp một gương mặt chung của họ thì những khát vọng sáng tạo đích thực quả thực chưa có dấu ấn rõ rệt để có thể làm mới chứ không phải gây lạ nền văn chương đương đại.
Trở lại 15 năm qua, đời sống văn học của chúng ta vẫn có sự xuất hiện đều và càng về sau càng nhiều tên tuổi mới của các thế hệ sinh sau 1975, rồi 1985 và 1990. Dường như tất cả họ vẫn chưa hình thành được một đội ngũ trong một cuộc hành trình không lẫn vào nhau nhưng cũng không quay lưng lại với nhau.
Để có đủ tiềm lực và hành trang cho một chuyển đổi mang tính cách mạng, văn học cần đến những lực lượng trẻ, mà nói đến trẻ là nói đến những thế hệ trên dưới 30, thậm chí trong ngoài 20 chứ không thể là 60, 50 hoặc 40.
Thế nhưng, nhìn trên tổng thể, dường như sự tiếp tục này, trong tư thế một đội ngũ, còn rất mờ nhạt. Họ có thể rất đông đúc và gây nhiều ồn ào, có thể xuất hiện hằng ngày trên báo, đài, có thể gợi lạ hoặc gây sốc cho người đọc nhưng để làm nên một dòng chảy mới thì chưa hẳn đã có.
Đó là điều làm cho gương mặt văn học nửa sau đổi mới chưa gây được một ấn tượng mạnh mẽ, vượt trội và ngoạn mục khi so sánh với những mùa gặt đã qua trong hành trình một thế kỷ và trong tương quan thời cuộc. |
Bình luận (0)