Phóng viên: Anh có suy nghĩ gì về sự bão hòa của dòng kịch kinh dị khi mà sàn diễn xã hội hóa rộ lên một thời với hàng chục vở kịch ma, nhưng nay thì khán phòng vắng hoe, không bán được vé?
NS Thái Hòa: Trước khi trả lời câu hỏi này cho tôi đính chính một điều mà lâu nay báo chí và những đồng nghiệp đã nhầm cho rằng tôi là người làm kịch ma đầu tiên. Trên thực tế, đó là nghệ sĩ hài Quốc Nam, anh ấy đã đưa yếu tố kinh dị vào một tiểu phẩm tấu hài, tôi nhận thấy hiệu ứng khán giả rất tốt nên đã nghĩ đến việc phát triển thể loại này và vở kịch “Người vợ ma” – tác giả: Xuyên Lâm, là phát pháo đầu tiên ở kịch Phú Nhuận, gây hiệu ứng rất tốt, thu hút hàng ngàn khán giả đến xem, sau đó phát triển thành “Người vợ ma” phần 2, rồi “Quả tim máu” 1 và 2, sau này còn phát triển thành kịch bản phim. Phải nói đó là một kỳ công của chúng tôi khi nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để gầy dựng dòng kịch này. Thật ra đề tài kinh dị xoay quanh ma quỷ, chính là xoay quanh cái tâm của con người, sự vượt qua cái ác hiện hữu trong mỗi tâm hồn, chứ không phải là hù dọa khán giả bằng ma. Khi đi chệch hướng, lạm dụng sự hù dọa, khiến khán giả ngao ngán, quay lưng và bằng chứng kịch ma hiện nay “hết ăn”. Bán không được vé, khán phòng không còn sự hồi hộp của số đông người xem về câu chuyện kịch mà là sự đùa cợt, la hú để mua vui.
* Anh có đặt mình vào vị trí khán giả để phán đoán tuổi thọ của nó khi “Người vợ ma” ra đời?
- Tất nhiên. Vở diễn được tôi thêm da đắp thịt rất nhiều. Tôi đã đặt mình ở ghế khán giả trong nhiều suất diễn, không chỉ ở TPHCM mà ở các tỉnh khi phân khúc khán giả của từng khu vực khác nhau. Trình độ dân trí cùng với những mối quan tâm hằng ngày của họ cũng là một kênh thông tin để áp dụng vào kịch. Phải nói hiệu ứng đạt được thời đó chính là đi sâu vào tâm lý nhân vật, khiến người xem có sự đồng cảm ở nhận thức lỗi lầm gây nên tội ác của nhân vật, chứ không phải là sự hù dọa vô cớ như một số vở kịch hiện nay vấp phải. Ngay cả vấn đề kịch đồng tính cũng thế, chính vì không xác định được hình thức thể hiện, đã có nhiều vở lệch hướng, xây dựng trên mô- típ thương hại nhiều hơn là đồng hành. Thực tế, người đồng tính có sự đóng góp thiết thực ở nhiều lãnh vực, họ giỏi gấp nhiều lần người dị tính, chỉ có sở thích tình dục thì khác biệt nhưng đó là quyền cá nhân của mỗi con người. Tôi nghĩ người làm kịch khi bắt tay thực hiện một đề tài nào đó cần có tính phản biện của xã hội thì phải am hiểu và có sự cảm thông, chia sẻ, chứ không chỉ làm bừa, làm vội và hậu quả khán giả sẽ không đến xem.
* Rất nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp cùng thời ở vị trí ngôi sao như anh đều làm live show, vì sao đến nay vẫn chưa có một live show của Thái Hòa?
- Ở thời điểm này tôi chưa nghĩ đến việc đó. Từng giai đoạn của người nghệ sĩ có những thích ứng rất riêng. Hệ giá trị của người làm nghệ thuật chính là sản phẩm của mình và những dấu ấn mới. Còn tôi, hiện nay đang nghĩ đến việc quay hình lại những vở kịch ma ăn khách của mình để đưa lên YouTube cho số đông khán giả trong và ngoài nước cùng xem, đó là việc làm tôi nghĩ trong tầm tay mình. Còn live show thì có thể chưa thích hợp với cái tạng của tôi hiện nay.
* Vừa qua, bảo tàng tượng sáp Việt đã đúc bức tượng của anh. Trong số 100 nghệ sĩ dường như anh trẻ nhất? anh có suy nghĩ gì?
- Tôi hơi phân vân khi nhận thư mời. Rồi sẽ có người đến bảo tàng và chau mày hỏi, tên này có cống hiến gì cho cam mà cũng có bức tượng. Nhưng rồi nếu tôi từ chối thì phụ lòng những nghệ nhân yêu mến mình. Họ làm bảo tàng tư nhân, mỗi bức tượng vài ba trăm triệu đồng họ không tiếc, thì mình tiếc gì khi ngại những lời dèm pha. Thôi thì tôi cũng có thể đứng đó và tin rằng sự nghiệp của mình đã có thêm một áp lực mới, để làm gì cũng phải nghĩ đừng để một ngày người ta cất bức tượng của mình đi, hoặc lấy dây xích lại thì coi như thanh bại danh liệt.
* Miệt mài với những dự án làm phim điện ảnh, sau sự thất bại của bộ phim “Fan cuồng”, anh có nghĩ sẽ quay lại sàn diễn?
- Thất bại là điều tất yếu phải có trong đời diễn viên. Hơn nữa tôi còn là nhà đầu tư bằng cát-sê của mình vào khâu sản xuất. Bài học từ bộ phim đó rất đắt. Nhưng lãi suất tôi có được chính là mình làm phim, làm nghệ thuật là cho khán giả thấy thích, "đã" chứ không phải chỉ làm cho mình "đã". Do đó tôi phải đặt mình vào vị trí của khán giả cho những dự án mới. Còn việc quay về với kịch thì chưa có kịch bản nào làm tôi cảm thấy sung sướng, do vậy cần phải có thời gian để ấp ủ, nuôi nấng. Nhưng nếu có quay lại làm kịch ma, đề tài này phải được khai thác mới hơn. Tôi đã không làm thì thôi, còn lặp lại mình tôi không chơi!
Bình luận (0)