Đó là gầy dựng quỹ mang tên NSND Viễn Châu nhằm chăm lo cho trẻ em nghèo, con em nghệ sĩ hiếu học.
“Khi Thầy qua đời, số tiền phúng điếu được gia đình gầy dựng quỹ chỉ nhằm tặng cho những em đang theo học nhạc cụ dân tộc. Trong đó, có việc trao học bổng để con em nghệ sĩ, công nhân sân khấu đang gặp hoàn cảnh khó khăn có thể cắp sách đến trường. Số quỹ đó sẽ vơi dần nếu tính đến chuyện nhân rộng, để có thể giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia biểu diễn, tổ chức nhiều suất hát mà nghệ sĩ không nhận thù lao để nhân rộng hiệu quả của quỹ từ thiện mang tên Thầy” – NSND Lệ Thủy đã chia sẻ.
Đến thắp hương tưởng nhớ NSND Viễn Châu trong ngày cúng giáp năm, có NSND Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Trọng Hữu, NSƯT Cẩm Tiên, NS Bảo Chung, các nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca của nhiều CLB ĐCTT tại TP HCM.
NSND Trọng Hữu đã ca bài vọng cổ “Hàn Mạc Tử” do soạn giả Viễn Châu sáng tác. “Bài ca này theo tôi đi tứ xứ, đến đâu cũng được bà con khán giả yêu cầu ca. Vai Hàn Mạc Tử khi thu âm là anh nghệ sĩ Hùng Cường thể hiện, nhưng khi diễn trên sân khấu thì vai Hàn Mạc Tử gắn liền với tôi suốt mấy thập niên qua. Nhắc đến Thầy rất nhiều kỷ niệm” – NSND Trọng Hữu chia sẻ và cho biết thêm sẽ đứng ra thực hiện chương trình vinh danh NSND Viễn Châu trong năm 2017 tại Cần Thơ. Qua đó, giới thiệu những diễn viên trẻ của giải Chuông vàng vọng cổ và giải Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền khi họ tiếp nối thế hệ của anh, thể hiện những bài ca cổ và trích đoạn cải lương của “Vua vọng cổ”.
NSND Bạch Tuyết nhắc đến một ký ức khó quên với “Vua vọng cổ” - đó là bà được biết ông làm giám đốc kỹ thuật cho nhiều hãng đĩa tại Sài Gòn, những bài ca cổ dẫu không phải do ông sáng tác thì vẫn có bàn tay biên tập, chăm sóc để thành phẩm đến với khán thính giả đạt hiệu quả và chất lượng nghệ thuật.
Với NSND Ngọc Giàu, bà luôn nhớ những cái Tết nồng ấm, ghé đến thăm ông và được ông đờn cho bà ca. “Bác bảy là người hiểu tâm lý nghệ sĩ, hễ đến thăm thì ông lấy cây đờn tranh ra và đờn, tôi ngồi bên ông ca “Mẹ vẫn đợi con về”. Khi ông lâm bệnh, tôi vào thăm, ông cũng yêu cầu ca cho ông nghe. Nằm trên giường bệnh nhưng trí nhớ ông rất tốt, hễ nghệ sĩ ca sai một chữ là ông nhắc ngay. Tết đến nhớ ông vô cùng, nếu không có ông thì tôi không thể tồn tại với nghề hát, vì nhờ những bài ca cổ ông viết, được các hãng đĩa phát hành, tôi được bà con cô bác khán thính giả khắp nơi biết đến và cái tên em bé Ngọc Giàu được giới thiệu từ đó với các bài ca cổ “Gió biển Hà Tiên”, “Lan và Điệp”, “Dương Quí Phi”… Bác bảy đã mang đến mùa xuân cho nghệ thuật cải lương, cho chúng tôi nhiều bậc thang để vững tiến” – NSND Ngọc Giàu xúc động nói.
NSND Lệ Thủy cho biết thêm sau Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, các nghệ sĩ sẽ cùng với gia đình tổ chức các suất hát tại rạp Hưng Đạo để quảng bá cho quỹ học bổng mang tên NSND Viễn Châu. Các vở diễn của ông như: “Tình mẫu tử”, “Vụ án Huỳnh Thổ Cang”, “Hoa Mộc Lan”, “Khoai lang dương ngọc”, “Nát cánh hoa rừng”, “Hàn Mạc Tử”… sẽ được tái dựng với sự tham gia của ba thế hệ nghệ sĩ. “Tôi và anh Minh Vương sẽ đồng hành với các em diễn viên trẻ, thực hiện việc gây quỹ để những suất hát có thêm nhiều phần học bổng trao đến các em, tạo thêm động lực để con em nghệ sĩ hiếu học có thể an tâm đến trường và đạt thành tích tốt trong học tập” – NSND Lệ Thủy chia sẻ.
Nhạc sĩ Trương Minh Châu – con trai của NSND Viễn Châu đã cảm ơn tấm lòng các nghệ sĩ, nghệ nhân đờn ca tài tử và đông đảo khán giả đã luôn nhớ đến cha của mình.
“Những sáng tác của ông vẫn còn được công chúng yêu thích đó là một vinh hạnh to lớn của gia đình tôi. Mùa xuân năm nay vắng bóng cha tôi trong ngày sum họp gia đình thường tổ chức sáng mùng 1 Tết nhưng tình cảm của các nghệ sĩ đến với ngày cúng giáp năm của cha tôi, thật ấm lòng. Tại Nghĩa trang Bình Dương, rất đông khán giả đã đến viếng mộ cha tôi, đặt lên mộ những đóa hoa, làm gia đình tôi xúc động lắm. Xin tri ân tất cả tình cảm to lớn đó”, nhạc sĩ Trương Minh Châu xúc động chia sẻ.
Bình luận (0)