xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSND Viễn Châu: “Tới chết tôi còn viết vọng cổ”

Thanh Hiệp

NSND Viễn Châu nói những gì không vui, làm đắng cuộc đời mình thì hãy cho qua như nhánh lục bình trôi trên sông rồi ra biển lớn

Ở tuổi 90 mới nhận được danh hiệu NSND đối với nghệ sĩ đàn tranh Bảy Bá - soạn giả Viễn Châu là quá muộn nhưng dẫu sao ông vẫn là người may mắn vì chưa phải rơi vào trường hợp truy tặng khi đã qua đời. Ai biết tin cũng gọi điện chúc mừng ông. Có người ngỡ ngàng vì cứ tưởng ông đã được tặng danh hiệu này từ lâu rồi. Nhưng sự đời là vậy. Tài năng của ông thì ai ai cũng biết, là một trong ba danh cầm nổi tiếng của sân khấu cải lương Nam Bộ và là “ông vua” sáng tác bài hát vọng cổ của Việt Nam nhưng khi xét tặng giải thưởng, danh hiệu nghệ sĩ của Nhà nước, ông lại không đủ chuẩn nào cả. May mà đợt này hội đồng xét tặng cấp TP đã đề nghị đặc cách ông.
img
NSND Bảy Bá - Viễn Châu. Ảnh: TƯ LIỆU

Một trong ba “tam hùng” danh cầm

Thạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng Khoa Nhạc cụ dân tộc Nhạc viện TPHCM, cho biết: “Danh tiếng “tam hùng”: Năm Cơ -  Bảy Bá - Văn Vỹ đã ăn sâu trong tiềm thức của những thế hệ nhạc sĩ cổ nhạc từ thập niên 1960. Bởi đó là 3 danh cầm có thể nói là có công khai phá nhiều lối chơi, tạo thêm nhiều bài học kinh nghiệm cho dàn nhạc cổ trong sinh hoạt đờn ca tài tử và sân khấu cải lương chuyên nghiệp của Nam Bộ. Riêng ngón đờn tranh của NSND Bảy Bá - Viễn Châu, dù chủ yếu là đơn âm, không phức tạp theo cấu trúc hợp âm, nhưng sâu sắc, ôm liền với lời ca của từng khung nhạc, khiến cho người ca dễ tiếp nhận và thể hiện trọn vẹn cảm xúc của mình. Lợi thế của NSND Bảy Bá là  sáng tác bài ca vọng cổ và đờn, do đó ông quyện chặt thêm và nâng lên nữa ý tứ, nội dung của bài ca vọng cổ. Thế hệ nhiều nhạc sĩ sau này đã có sự ảnh hưởng bởi ngón đờn của NSND Bảy Bá, như NSND Thanh Hải, Duy Kim, Minh Hòa… Ông xứng đáng là bậc thầy để các nhạc sĩ học hỏi, nghiên cứu, góp phần làm phong phú thêm cho dàn cổ nhạc cải lương và đờn ca tài tử”.

Theo soạn giả Kiên Giang: “Trong sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương Nam Bộ, ba danh cầm được gọi là “tam hùng” đó có nhiều đóng góp cho nền cổ nhạc cải lương. Ngón đờn tranh điêu luyện của anh Bảy Bá như rót vào hồn bài vọng cổ những rung động con tim của người nghệ sĩ đã có nhiều vốn sống. Theo tôi, danh hiệu NSND phải được trao cho NSƯT Bảy Bá từ nhiều đợt trước nếu xét về khía cạnh đóng góp to lớn của ông cho loại hình này. Vì từ những sáng tạo căn bản trong việc ứng dụng cây đờn tranh vào dàn cổ nhạc của sân khấu cải lương của ông mà các nhạc sĩ sau này đã có nền tảng để phát triển. Quy chế xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT dành cho khối biểu diễn đòi hỏi phải có HCV, HCB các kỳ liên hoan, hội diễn, còn với nghệ sĩ đàn tranh Bảy Bá, ông không có điều kiện và thời gian để tham gia hội diễn nên thiếu những tấm huy chương. Nếu không có sự đặc cách thì ông không thể nhận được danh hiệu cao quý này”.

“Ông vua” sáng tác bài vọng cổ

Trong lễ đón nhận danh hiệu NSND vào sáng 29-4, cánh báo chí được xếp ngồi sát hàng ghế đại biểu, khi soạn giả Viễn Châu được NSND Ngọc Giàu và NSND Kim Cương dìu lên sân khấu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc ngay bài ca cổ Tình anh bán chiếu của ông. Phía sau hàng ghế, nguyên chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo liền tiếp lời: Lan và Điệp nữa. Soạn giả Viễn Châu đã có hơn 2.000 bài vọng cổ phổ biến trong nhân dân mà tiếng vang tên tuổi của ông đã kéo dài hơn 6 thập kỷ qua, kể từ khi ông sáng tác bài ca cổ Biệt kinh kỳ theo thể loại tân cổ giao duyên để nghệ sĩ Thành Được ca lúc mới 18 tuổi. 

Nhận danh hiệu NSND về đến nhà, ông kể: “Nghệ sĩ Phượng Liên điện thoại về khoe rằng chương trình vinh danh bài tân cổ giao duyên của tôi mang tên Huyền sử nửa thế kỷ bài tân cổ giao duyên sẽ được tổ chức tại Mỹ gồm 2 suất ở TP San Jose (ngày 11-5) và Nhà hát La Mirada bang California (ngày 13-5), cả 2 suất đã bán gần hết vé. Tiếc là tôi không đủ sức khỏe để sang dự.

Nhớ cách đây không lâu, trong ngày sinh nhật 89 tuổi của ông, GS-TS Trần Văn Khê khi nghe ông nói tuổi này sắp đi gặp Diêm Vương thì ông Khê bảo: “Anh Bảy đâu có xuống địa ngục mà lên thiên đàng. Hổng chừng anh sẽ ghé ngang qua thăm chị Hằng Nga để viết tặng chị ấy một bài vọng cổ”. Ông hớn hở: “Tôi chịu quá! Dẫu tới chết vẫn viết vọng cổ, đó là cái tánh của tôi”.

“Như nhánh lục bình trôi”...

Trao cho Báo Người Lao Động quyển hồi ký Một đời tay viết, tay đờn, NSND Bảy Bá - Viễn Châu nói vui: “Đăng cho kịp kẻo tui đi theo anh Mười Út Trà Ôn”. Những năm qua, ông dành nhiều thời gian để hoàn tất cuốn hồi ký của đời mình. “Chỉ có điều đôi mắt hơi mờ, giờ đọc và viết phải nhờ đến con cháu” - ông cho biết.

Cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Bảy Bá - soạn giả Viễn Châu đã được nhiều báo khai thác, thậm chí có cả những chuyên trang được viết để tôn vinh công lao đóng góp của ông cho nền âm nhạc dân tộc và sân khấu cải lương. Chính vì thế những trang bản thảo cuốn hồi ký này ông đã không nhắc nhiều về bản thân mình, mà thông qua cái nhìn về tình bạn, tình đồng nghiệp, tình nghệ sĩ và trên hết là ý thức của người công dân để người đọc cảm nhận theo cách của riêng mình.

Ông viết về “Đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn, phân tích ưu thế về giọng ca, cố tật ở đời thường và trên hết là con người rất thật của ông ấy. Trong hồi ký ông viết có đoạn: “Anh Mười khi đã chơi thì ngông lắm, nhưng hễ làm nghề thì hết mình. Vẽ cặp chân mày 2 giờ đến nỗi kép Thành Được gần đến giờ mở màn không cần nhìn đồng hồ, cứ thoải mái chơi bida bên ngoài rạp Quốc Thanh. Thấy người làm hậu đài chạy ra ngoài cửa rạp giục, Thành Được hỏi: “Cậu Mười vẽ chân mày xong chưa?”. Người làm hậu đài đáp: “Dạ được một bên, còn một bên”. Vậy là Thành Được yên tâm chơi tiếp…”.

Ở đó, còn thấy được tấm lòng của ông dành cho các cô đào cải lương hồi còn trẻ như Thanh Nga, Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Kim Ngọc, Thanh Nguyệt… và ngay cả thế hệ sau này cũng với cái nhìn đầy tính khích lệ để họ trưởng thành, như với: Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, Thanh Ngân…

Khi trao quyển hồi ký, ông xúc động nói: “Có những điều tôi muốn viết nhưng rồi cất đi. Vì dẫu gì phía sau hậu trường nghề nào cũng có nhiều chuyện buồn. Những gì không vui, làm đắng cuộc đời mình thì hãy cho qua như nhánh lục bình trôi trên sông rồi ra biển lớn. 

Công vợ

Nhìn tấm bằng công nhận danh hiệu NSND treo trang trọng trên tường, ông xúc động nói: “Thương cho bà nhà tôi giờ đã lẫn mất rồi… Sự nghiệp của tôi có được đều nhờ vào công sức đóng góp âm thầm, lặng lẽ của bà ấy. Vợ tôi cũng là thính giả đầu tiên của những bài ca cổ mà tôi đã sáng tác. Có khi tôi viết rồi để thất lạc, chính bà ấy là người tìm lại, sắp xếp, cần mẫn như một người thư ký đầy trách nhiệm. Tôi đã sáng tác bài vọng cổ Anh không chết đâu em để tặng cho bà xã. Bả nghe tôi ca cười chảy nước mắt…”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo