Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghệ thuật, nhiều người thường kể hoàn cảnh và lấy thời gian làm cột mốc. Lúc 10, 15, 18 tuổi..., thậm chí muộn mằn hơn, đến 30, 35 tuổi nhưng cũng có người không theo cột mốc nào cả. Đơn giản vì lúc đó họ còn nằm trong bụng mẹ nên... chưa có tuổi. Hữu Châu là trường hợp như vậy. “Từ lúc ở trong bụng má, tôi đã được đu dây cùng Kim Hoa bà bà trong tuồng chưởng Ỷ Thiên Đồ Long ký. Tôi làm nghệ thuật từ lúc chưa sinh ra mà” - NSƯT Hữu Châu cho biết.
Nghệ sĩ “cá biệt”
Trong cuộc “trà dư tửu hậu” mới đây, Hữu Châu kể rằng anh được phóng viên hỏi: “Mắc mớ gì theo cái nghề này?”. Hữu Châu nghe dứt, trợn mắt hỏi ngay lại: “Vậy mắc mớ gì phỏng vấn tui?”. Nhiều bạn bè thân hữu cười rôm rả.
Nói vậy để thấy rằng với Hữu Châu, làm nghệ thuật là lẽ đương nhiên, không lý do, không duyên cớ, không phải vì sao, tại ai cả. Dòng họ 4 đời làm nghệ thuật, những tên tuổi: nghệ sĩ Hữu Thìn, nghệ sĩ Thanh Lệ, bầu Thơ (chủ đoàn hát Thanh Minh), nghệ sĩ Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc, nghệ sĩ Hữu Lộc... đã “sừng sững” trong nghề.
NSƯT Hữu Châu. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Hữu Châu đưa tay phải lên, chỉ dòng máu đang chảy dọc cánh tay, ngụ ý muốn nói rằng: “Nghệ thuật là máu đã chảy trong người tôi”. Trong khi nhiều người đến với nghệ thuật là một phát hiện bất ngờ, do năng khiếu hay cái duyên đưa đẩy thì Hữu Châu làm nghệ thuật như một chân lý. Anh không làm nghệ thuật nên mới thắc mắc, mới có chuyện để bàn cãi.
Trong “gia tài” vai diễn của Hữu Châu 30 năm, hầu như không có dạng vai nào là thế mạnh vượt trội. Anh vượt trội ở tất cả các vai. Nhiều người bảo đóng kịch phải có “sở trường” thì mới tạo nên sự “khác biệt” nhưng Hữu Châu đóng được và đóng hay tất cả các vai. Anh là “cá biệt”. Dù số lượng vai già, vai lão của anh nhiều hơn đi nữa thì đó là cái duyên chứ chưa hẳn những vai trẻ là sở đoản.
Trước đây, cùng với Quang Minh, Hồng Đào, Hữu Nghĩa..., Hữu Châu được đào tạo phải hóa thân vào tất cả các vai, tức phải đa sắc thái. Vì thế, không có vai nào làm khó được anh. Cứ nhìn Hữu Châu mà xem! Ông già thì duyên, vua quan thì uy, người giàu thì sang, người nghèo thì thảm, kể cả con gái cũng “ngọt”. Hỏi cả làng kịch TP HCM này được mấy người như anh?
Hữu Châu có nét diễn tỉnh, không khoa tay múa chân, không nhăn nhó mặt mày mà nhẹ nhàng, từ tốn, thấm thía, có sức hút kỳ lạ. Nhưng anh cũng có 2 trường hợp phải “ngoại lệ”: đó là vai đẹp, trẻ trung kiểu hoàng tử Romeo và vai yêu đương nồng nhiệt. Hữu Châu chỉ đóng ái tình khi già, kiểu vợ chồng tưng tửng hay thủ thỉ sớm hôm.
Riêng các vai giả gái, nghệ sĩ đóng đâu có hiếm nhưng ít ai kỳ lạ như Hữu Châu. Có nhiều giai thoại kể lại sự ngạc nhiên của mọi người khi xem vai diễn của anh. Người không tin vào mắt mình, kẻ há hốc miệng, người lăn đùng ra xỉu, kẻ choáng váng nhưng tất cả đều ngất ngây bởi quá nghịch lý.
Ai nấy đều đinh ninh rằng để đóng được vai gái phải là những đàn ông dáng người nhỏ bé, mỏng manh, hơi yểu điệu, ăn nói nhỏ nhẹ, nói chi Hữu Châu cao lớn lực lưỡng, uy nghi, giọng nói sang sảng. Cho nên, khi xem vai bà mẹ độc ác của cô Cám trong vở Tấm Cám hay vai Linh “xinh” trong vở Nụ cười của biển, khán giả đều kinh ngạc. Từ đó, nhiều người không còn tin vào những “mặc định” xưa cũ nữa. Cũng từ đó, họ mới thấy rằng nghệ sĩ nam phong độ, cao lớn như Hữu Châu giả gái mới đáng mê!
Làm nghề nhưng không khoe nghề
Hiện nay, người ta tới Sân khấu IDECAF chẳng cần quan tâm vở đó tên gì, nội dung ra sao, chỉ cần biết có Thành Lộc hay Hữu Châu không. Nếu có, họ mua vé không đắn đo.
Với khán giả, vị trí của Hữu Châu là vậy nhưng đừng bao giờ hỏi anh những câu như: “Anh thấy vị trí của mình ở đâu trong nền nghệ thuật hiện nay?”. Đơn giản vì anh làm nghề nhưng không khoe nghề. Như anh đã nói nhiều lần, nghệ thuật là máu, thiếu ắt sẽ không sống được. Chỉ vậy thôi cũng đủ biết anh say mê sân khấu, ăn ngủ với sân khấu, nguyện sống chết vì sân khấu đến mức độ nào. “Yêu nghệ thuật trong mình chứ không yêu bản thân mình trong nghệ thuật”, 30 năm nay trên sân khấu, tên tuổi anh chưa bao giờ bị lu mờ cũng nhờ vậy.
Hữu Châu không mong cầu nổi tiếng. Cách đây mấy năm, khi được phong NSƯT, anh chẳng hớn hở khoe với ai, trừ mẹ. Anh còn hài hước bảo băng-rôn viết tên mình sẽ hao mực và hao vải hơn. Sống lâu với nghề, anh hiểu cuộc đời này còn tình còn nghĩa, còn anh còn em chứ không phải toàn danh tiếng, bon chen, chà đạp. Do đó, kiến thức sâu sắc, thái độ nghiêm túc, lòng đam mê cháy bỏng chính là điều mà anh luôn tâm niệm không được đánh rơi và còn phải truyền lại cho thế hệ học trò. Học trò anh ai cũng đều khâm phục, kính cẩn và sợ hãi “ông thầy” Hữu Châu - “người-khó-chịu-cực-kỳ-dễ-chịu (nhận xét của nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc).
Được và mất, vinh quang và hụt hẫng là những thứ chưa ai trải nghiệm nhiều bằng Hữu Châu. Sự ra đi lần lượt của những người thân trong gia đình anh nhanh như cơn gió tạt qua, rồi mây đen kéo đến, giông bão nổi lên và tàn phá tất cả. “Nỗi đau chứng kiến người thân ra đi còn khủng khiếp hơn gấp trăm ngàn lần những nỗi đau khác trên đời. Giờ còn nỗi đau nào làm tôi sợ nữa?” - anh bày tỏ.
Bình tâm lại, Hữu Châu nhận ra bài học phải suy ngẫm. Anh bảo đó là cái nợ phải trả. “Nghề này không phải dễ dàng, phải trả bằng máu, nước mắt và đôi khi là cả mạng sống của mình” - anh chiêm nghiệm. Và thật, Hữu Châu đang sống để trả cái nghiệt trái (món nợ nghiệt ngã) của đời mình. Không cay đắng, không oán trách, anh đã biết nhìn nó với thái độ bình tâm hơn. Âu cũng là cái nghiệp chướng đã bám rịt lấy gia đình anh.
Sống thản nhiên, hồn nhiên
Hữu Châu hồi trẻ sống tung tẩy, rong chơi không biết mệt mỏi. Anh nhậu thâu đêm làm nhiều người khiếp vía. Trông anh giờ lại loáng thoáng vẻ từ bi. Anh không nhậu nhẹt nữa, có thì cũng ngồi âm thầm, rót vào đêm một hơi thở buồn.
“Đi diễn về, mâm cơm nóng với một ly bia nhâm nhi là ấm áp rồi. Tắm rửa xong, ra đứng trước nhà cho đứa cháu ôm hôn một cái. Vậy là ngon giấc” - anh cười. Gia đình với mọi người luôn quan trọng, với Hữu Châu lại quan trọng tới mức sống còn. Ngày xưa “Châu ngang” (biệt danh, ý nói ngang như cua) nóng nảy, khó khăn bao nhiêu thì nay lại nhẹ nhàng, bao dung, mở lòng bấy nhiêu.
Lúc gia đình Hữu Châu gặp biến cố, nhiều người sợ anh sẽ gục ngã nhưng anh đã đứng vững. Bằng chứng là giờ đây anh vẫn sống bản lĩnh, mạnh mẽ, đầy hồn nhiên. “Năm nào cũng vậy, tôi cũng dành 1 ngày để đi nói chuyện, thăm hỏi, đối diện với 6 hũ cốt” - anh nói.
Có 2 điều Hữu Châu cực kỳ ghét. Đó là đừng tay bắt mặt mừng anh khi vừa mới gặp lần đầu, chưa thân quen và đừng vặn hỏi lúc anh đang mệt - kể cả mẹ, anh cũng không buồn trả lời. Nhưng cái máu “quậy” trong anh thì vẫn còn nguyên vẹn. Coi vậy chứ tâm hồn anh còn trẻ chán! Anh đi đóng phim nhẹ nhàng như đi nghỉ mát, cười nói, pha trò, chọc phá hết người này tới người kia.
“Tôi không muốn hoài phí cuộc đời, không muốn đánh rơi bất kỳ một niềm vui nào có thể”. Đó là cách Hữu Châu sống bình yên sau những phập phồng lo sợ, ám ảnh lảng vảng, lẽo đẽo trong từng giấc ngủ, chực chờ khi mở mắt nhìn trời sáng.
Giải Mai Vàng công nhận sự nỗ lực
NSƯT Hữu Châu từng 2 lần đoạt Giải Mai Vàng ở hạng mục Nam nghệ sĩ sân khấu được yêu thích nhất. Năm 2000, anh đoạt giải với vai ông Cả trong vở Cái tráp vàng (đạo diễn Hùng Lâm, Sân khấu Kịch IDECAF). Năm 2007, với vai Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi (đạo diễn: NSƯT Thành Lộc, Sân khấu Kịch IDECAF), anh một lần nữa được vinh danh. Ngoài ra, vở Quyền lực và tình yêu của IDECAF do anh làm đạo diễn cũng đoạt giải Vở diễn sân khấu được yêu thích nhất năm 2011.
“Mai Vàng với nhiều người là sự khích lệ để nỗ lực, phấn đấu hơn trong nghề nhưng với tôi, đó lại là sự ghi nhận, công nhận những nỗ lực của mình. Bởi lẽ, tôi có phấn đấu trong nghề rất nhiều thì khán giả mới yêu mến và bình chọn cho tôi đoạt giải. Mai Vàng đã góp phần khẳng định tên tuổi, nghề nghiệp của tôi không chỉ ở lĩnh vực diễn xuất mà còn là đạo diễn” - NSƯT Hữu Châu tâm sự.
TÀI TRỢ CHÍNH
TÀI TRỢ PHỤ
Bình luận (0)