NSƯT Quế Trân và đạo diễn Nguyễn Thanh Bình được khán giả tặng hoa chúc mừng sau đêm diễn vở "Chân mệnh"
Lê Ngọc Bình - còn được gọi là Lê Đức phi - vốn là công chúa nhà Hậu Lê, sau trở thành hoàng hậu nhà Tây Sơn và sau đó là phi tần của vua Gia Long. Câu chuyện đặc tả sâu sắc tâm trạng của Ngọc Bình trước cảnh đất nước loạn lạc, Nguyễn Ánh tiêu diệt anh em nhà Tây Sơn, bà vẫn bình thản chọn cái chết chứ không khai báo nơi vua Cảnh Thịnh lánh nạn. Chính sự khẳng khái, lòng chung thủy và nghĩa cử của bà đối với người dân, đặt dân lên hàng đầu, đã khiến Nguyễn Ánh yêu thương, phong làm phi.
NS Nguyễn Minh Trường và Nhã Thi trong vở "Chân mệnh"
Điều ấn tượng là phong cách ca diễn của NSƯT Quế Trân ngày càng bản lĩnh, tạo được vị thế một cô đào chánh giỏi khai thác tầng sâu bên trong nhân vật đầy trăn trở, ưu tư. Nỗi đau của sự tồn vong trước vai trò lịch sử được cô khắc họa đậm nét. Cách dàn dựng của đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Bình đã tạc cho nhân vật những khoảng lặng khá đẹp, để người xem lắp vào đó sự đồng cảm giận, thương đối với chân mệnh một phụ nữ làm vợ của 2 vua ở 2 triều đại thù nghịch nhau.
Lâu nay, NSƯT Quế Trân ít nhận vai diễn mới. Từ sau Út Vân trong vở "Chiến binh" (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), Ngọc Bình là vai diễn hiếm hoi cô đổ hết tâm sức cho nhân vật trên sàn diễn nghệ thuật cải lương.
Vai Ngọc Bình là một dấu ấn mới của NSƯT Quế Trân
Lợi thế của NSƯT Quế Trân là trong sự nghiệp nghệ thuật của một diễn viên sân khấu tuồng cổ (thế hệ thứ 5 gia tộc Bầu Thắng, Minh Tơ, Thanh Tòng), cô đã diễn vai Ngọc Hân công chúa trong tác phẩm "Tâm sự Ngọc Hân" (Lê Duy Hạnh sáng tác, được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của sân khấu cải lương thập niên 1980) - vai diễn nổi tiếng của NSƯT Mỹ Châu. Nay, NSƯT Quế Trân vào vai Ngọc Bình, nàng công chúa nhà Lê đứng trước lối rẽ khoác lên mình chiếc áo hoàng phi để được công nhận là con dân nước Việt hay tôn thờ vua cũ, chọn cái chết để lưu danh ngàn đời.
Thiết kế của nữ họa sĩ Lê Thị Nhật Hân đã làm cho sân khấu cải lương thêm sang, đẹp
Câu thoại hay nhất trong kịch bản của tác giả Trân Trân (chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt): "Tận trung thì được gọi là không thức thời, còn thức thời thì được gọi là phản trắc" đã toát lên tinh thần của nhân vật Ngọc Bình trước một ước mơ nhỏ nhoi, bình dị, đó là cuộc sống thanh bình cho người dân nước Việt.
Cảnh trong vở "Chân mệnh"
"Tôi nghiên cứu rất kỹ lịch sử khi nhận vai diễn này, Ngọc Bình là con gái út của Lê Hiển Tông, mẹ là Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều, em gái của công chúa Lê Ngọc Hân. Còn bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều là người cùng làng với bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ của Lê Ngọc Hân. Chị em Ngọc Hân và Ngọc Bình có nhiều điểm tương đồng: Hai bà đều là công chúa con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, đều sinh trưởng ở ngoài Bắc. Lớn lên, 2 bà đều lấy chồng là hoàng đế nhà Tây Sơn, đều là Hoàng hậu tại Phú Xuân. Do những điểm tương đồng căn bản đó mà những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà gây ra sự lầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình".
NS Lê Thanh bản lĩnh, yểm trợ cho diễn viên trẻ tỏa sáng trong vở "Chân mệnh"
"Có người từng cho rằng người lấy Nguyễn Ánh là Ngọc Hân nhưng thực tế, Ngọc Hân đã mất từ năm 1799. Tôi mừng vì đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Bình đã chọn tác phẩm này làm bài thi tốt nghiệp đại học đạo diễn sân khấu khóa 2 của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Mừng hơn khi sân khấu thành phố có thêm một nhà thiết kế sân khấu nữ, đó là bạn Lê Thị Nhật Hân, đã thiết kế một không gian vở "Chân mệnh" sang trọng, quý phái và cũng là tác phẩm tốt nghiệp lớp đại học mỹ thuật dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Lê Hồng Phong" - NSƯT Quế Trân chia sẻ.
Họa sĩ Lê Văn Định, Lê Hồng Phong chúc mừng học trò Lê Thị Nhật Hân - người thiết kế mỹ thuật cho vở "Chân mệnh"
Vở diễn thu hút đông đảo khán giả đến xem. Tất cả đều cổ vũ nồng nhiệt khi NSƯT Quế Trân xuất hiện. Cô yểm trợ thật đắc lực cho nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường (Chuông vàng vọng cổ 2014), giúp anh tỏa sáng trong vai diễn nặng ký của sự nghiệp, đó là nhân vật Nguyễn Ánh. Nghệ sĩ Lê Thanh xuất hiện thật bản lĩnh, khẳng khái, uy nghi, tạo cho vai diễn Quốc Công tận lực phò vua Gia Long dấu ấn tuyệt đẹp. Nhã Thi - cô đào trẻ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - vào vai Mai Thị đằm thắm, duyên dáng, chất giọng ngọt ngào, truyền cảm, cuốn hút người xem.
Một vở cải lương sang trọng nâng tầm vóc cho việc đào tạo bài bản của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, để từ đây kỳ vọng vào một thế hệ trẻ có tâm, có tài vực dậy sàn diễn cải lương.
NSƯT Hữu Quốc chúc mừng thành công của NS Nguyễn Minh Trường (vai Nguyễn Ánh)
Điều xúc động mà khán phòng đọng lại sau đêm diễn, đó là đạo diễn Nguyễn Thanh Bình đã nhắc đến thầy mình - cố NSƯT Đoàn Bá - trong niềm tự hào. "Chúng tôi được dạy đến năm thứ hai thì thầy đột ngột qua đời. Cô NSƯT Ca Lê Hồng được mời về thay thế, đào tạo chúng tôi gồm 11 đạo diễn trẻ. Khi dàn dựng tác phẩm tốt nghiệp, tôi nhớ đến thầy Đoàn Bá, nhớ những bài học, lời khuyên của thầy, cố gắng bằng mọi cách để sân khấu cải lương xuất hiện sang trọng, nền nã và trên hết là tạo được sự đồng cảm đối với giới trẻ. Tôi chọn tác phẩm lịch sử cũng nhắm vào mục đích góp phần nâng ý thức hiểu biết cội nguồn dân tộc đối với khán giả trẻ hôm nay. Cảm ơn các thầy cô, các nghệ sĩ đã tạo mọi điều kiện để tác phẩm ra đời như một món quà tri ân mà tôi kính gửi đến các thầy cô: Đoàn Bá, Ca Lê Hồng, Trần Ngọc Giàu, Lê Văn Định…" - đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Bình tâm sự.
Đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu góp ý cho học trò - đạo diễn Nguyễn Thanh Bình trên sàn tập cùng với các diễn viên tham gia vở "Chân mệnh"
Bình luận (0)