xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NSƯT Thành Hội: Chuyện tử tế...

Theo TNO

Không đẹp trai, thậm chí còn mang dáng dấp một ông... chủ tịch xã (!), nhưng cũng chính với vai diễn chủ tịch xã trong Chuyện bây giờ mới kể (kịch bản Lâm Quang Tèo, đạo diễn Nguyễn Minh Hải, Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần), Thành Hội đã ghi một dấu ấn rất đậm vào lòng người xem lúc ấy thông qua cái vẻ ngoài "công chức" của mình...

Tuần này, TNCN mời các bạn gặp một Thành Hội khác, hơi xa với việc biểu diễn mà lại gần hơn với gương mặt công chức của anh, một Thành Hội - ông thầy của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh...

* Được xem là diễn viên khó tính trong công việc diễn xuất, anh có cho rằng phẩm chất này là cần thiết khi "truyền nghề" cho các học trò của mình?

- Không biết là tôi khó tính hay là người quá khó chịu ? Nhưng chắc chắn tôi là loại người xưa, xưa lắm. Còn sự khó tính trong diễn xuất thật ra chỉ là tử tế trong nghệ thuật, tử tế ở đây được hiểu theo đúng nghĩa là cẩn thận từ những chuyện nhỏ nhất. Trong giảng dạy, tôi luôn nhắc đi nhắc lại và buộc các sinh viên phải tử tế với nghề mình đang học, tử tế trong lúc học tập diễn xuất. Sự sáng tạo nghệ thuật chỉ xuất hiện với một thái độ học tập tử tế. Bạn có muốn biết kết quả không ? Hình như sinh viên không hiểu lắm về sự cần thiết của tử tế, nhưng các sinh viên ấy vì thương thầy nên cũng cố làm ra vẻ tử tế cho thầy vui. Thấy thương không?! Tôi thương tương lai của các em hơn vì nó thiếu vắng sự tử tế... Buồn hay vui ?

* Ý anh là sự tử tế nào sẽ thiếu vắng trong tương lai các học trò của anh ? Sự tử tế trong phong cách làm nghệ thuật của chính họ hay sự tử tế mà chính xu hướng của loại sân khấu thành công dễ dãi đang thịnh hành có phần thiếu vắng?

- Đừng nói đến phong cách lúc này, điều này còn xa với các em lắm. Rồi đây các em ấy sẽ không thể nào có đủ sức để sáng tạo nghệ thuật đúng nghĩa. Sự tử tế đã không được rèn luyện thành kỹ năng, tất cả mọi thứ sẽ được thực hiện phiên phiến và có ai chết đâu mà lo. Vậy có gì mà phải lo? Các bạn trẻ theo nghệ thuật vì ảo tưởng, vì mơ mộng nên khi va chạm với một chương trình đào tạo đòi hỏi nhiều mồ hôi, nhiều công phu khổ luyện thì tàn một giấc mơ. Các em muốn trở thành nghệ sĩ nhưng ngại khổ luyện. Thực ra có ai muốn mình không có danh gì với núi sông đâu, nên cứ đi tìm kiếm mãi, vì vậy khi thành công được thì mừng lắm dù nó là sự thành công dễ dãi... Phải chi đũa thần có bán ngoài chợ...

* Với một cây đũa thần thì ai cũng có thể thành công mà không cần đến một ông thầy Thành Hội, hay thử xem xét lại chính ông thầy và ngôi trường vì như kinh nghiệm đã biết, một chương trình đào tạo đòi hỏi sự khổ luyện mà người thầy không truyền được chí say nghề cho học trò thì trách nhiệm thuộc về ai?

- Nếu đúng như vậy thì trách nhiệm thuộc về tôi chứ không ai khác, "lỗi tại tôi mọi đàng". Bây giờ thử đem ông thầy ra mổ coi sao (thầy là tôi đó, tự mổ mình chứ không dám mổ ai). Trước tiên, xin khẳng định tôi đi dạy vì tôi yêu nghề dạy, không vì mục đích nào khác. Tôi không bao giờ nhận bất cứ một thứ quà cáp nào của sinh viên, không bao giờ. Tôi vẫn thường nói với sinh viên trước các ngày lễ rằng các em hãy tặng cho tôi những món quà mà tôi có tiền cũng không mua được, đó chính là sự chăm chỉ, sự hết lòng với nghề mình đã chọn. Tôi là người “máu lửa” với nghề, quá máu lửa nữa là đằng khác... Vậy thì trong 3 năm dạy dỗ với cả ngàn giờ học, tôi không truyền sự máu lửa ấy đến cho sinh viên thì làm gì ? Kể chuyện tiếu lâm à ??? Cho một thí dụ nhé, con chim mẹ nuôi con đến một lúc nào đó thì dạy cho chim con bay và chim con phải bay được để bắt đầu một cuộc sinh tồn mới. Vấn đề là chim con phải có cánh để tập bay, còn sau đó như thế nào thì lại là chuyện khác. Với sinh viên cũng vậy, muốn theo nghề sân khấu thì bản thân các em phải được trời cho chút gì đó chứ, chúng tôi chấm cho trúng tuyển cũng vì thấy chút gì trời cho ở các em. Trên nền tảng ấy các em phải ra sức "tập bay", phải bay với cả một sự say mê chứ vì sau lưng các em đã có những chiếc máy bay "đầm già" nâng đỡ rồi. Vấn đề là bản thân các em phải có lòng say mê để học nghề và thầy là người châm thêm vào. Nếu thầy có thể làm được mọi chuyện thì ai cũng thành nghệ sĩ hết rồi. Hình như con nai hay con gì đó, luôn sinh con trước lúc hoàng hôn vài tiếng đồng hồ, tức là vài giờ trước khi thú săn mồi ban đêm hoạt động để khi con mẹ bắt đầu chạy trốn thì con con đã đủ sức đứng lên được để bôn tẩu theo mẹ... Thật dễ sợ phải không?

* Như tôi biết, anh là người có thời trải qua giai đoạn "sinh ra trước lúc hoàng hôn" khi vừa ra trường, anh có tìm thấy bài học nào cho học trò của mình trước một khả năng tương tự ? Và một câu hỏi cuối, sau giải thưởng Mai Vàng vừa rồi, anh có muốn nói gì với các học trò của mình ?

- Ngày mới ra trường tôi thật là thê thảm, tài hèn sức mọn, mặt thì ngu người thì teo vì thiếu ăn và ăn mặc lôi thôi thấy rầu ghê lắm. Trên sân khấu là chuyên gia đóng vai "quần chúng đêm mưa", mỗi khi đoàn kịch chuẩn bị dựng kịch mới thì biết chắc chắn mình sẽ là quần chúng. Đã có khi muốn bỏ nghề cho rồi, nhất là những lúc đi xem Đoàn kịch Trung ương vào biểu diễn ở Nhà hát Thành phố về là lòng nát như cám. Trong đầu luôn bị dày vò bởi một điều, vì sao người ta diễn hay quá, bao giờ thì mình mới được như vậy? Sau câu hỏi "bao giờ ?" là sự im lặng, tôi đã ngậm câm suốt quãng đường về và cảm thấy mình như nai con mới sinh lạc mẹ lúc hoàng hôn. Từ ngày ấy đến hôm nay là một chặng đường dài nhiều mồ hôi và nước mắt, phải ngồi bên nhau nhâm nhi ly cà phê kể mới sướng và phải cùng nhau phá lên cười để những nhọc nhằn đã qua trở thành kỷ niệm nhẹ nhàng. Cười khì một tiếng để mọi việc hết nghiêm trang mà. Bài học gì cho sinh viên à? Có chứ ! Thà là để tôi nhăn nhó la mắng khi các em không tử tế, còn hơn là sau này người ta cười cười nói với các em rằng: "Ủa ? Bộ các em có học hành tử tế trong trường hả??? Vậy sao?". Thà là chấp nhận vùng vẫy trong trong đêm đen để có ngày thấy được bình minh, còn hơn là để sự sàng lọc tự nhiên của nghề nói với các em rằng: "Này nai con ơi, hãy quay lại rừng lúc hoàng hôn để tìm mẹ mà bú đi. Ở đây đã có cọp, beo và sư tử rồi".

Năm nào cũng có những giải thưởng dành cho nghệ sĩ và năm nào cũng có những lời ra tiếng vào về chuyện ai xứng và ai không xứng. Nhưng trên hết những điều đó là người nghệ sĩ đã được quốc gia tôn vinh một cách chính thức bằng văn bản đàng hoàng, đó là điều mà các nghệ sĩ thời xa xưa có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Những tác phẩm nghệ thuật có giá trị và những giải thưởng có uy tín, những danh hiệu phong tặng đã nâng cao vị trí của người nghệ sĩ trong xã hội và làm thay đổi cách đánh giá của công chúng. Giải Mai Vàng cũng đã và đang góp công rất lớn về việc tôn vinh người nghệ sĩ. Bao nhiêu giải thưởng đang chờ những người tử tế trong nghệ thuật. Nói với các sinh viên như vậy chắc cũng đủ, hay là nói thêm một tí nữa nhé: Các bạn thân mến, có thể rồi đây bạn sẽ thành một người rất tử tế trong nghệ thuật, có chút danh gì với núi sông, nhưng cũng có thể bạn sẽ không được một giải thưởng nào hết. Đến đây thì bạn phải học thêm một bài học cuối với tôi nữa là cuộc đời này không nên đòi hỏi một sự công bằng tuyệt đối, đó là quy luật của cuộc sống và người nghệ sĩ phải tiếp tục cuộc hành trình của mình với hành trang là tình yêu của công chúng dành cho mình.

* Rất cảm ơn cuộc nói chuyện tử tế của anh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo