Ngoài hệ thống rạp chiếu, các trang phim trực tuyến là kênh phát hành lớn nhất dành cho khán giả không đến rạp. Đặc biệt, thời công nghệ phát triển, thiết bị kỹ thuật giá thấp, mọi người dễ dàng thưởng thức nhạc, phim không chỉ bằng máy tính mà còn điện thoại, máy tính bảng... thì thị trường phim trực tuyến luôn được xem là mảnh đất màu mỡ để khai thác lợi nhuận.
Thị trường giàu tiềm năng
Việt Nam có 90 triệu dân và đa phần đều có nhu cầu giải trí từ mạng. Lẽ ra, đây là lực lượng mang đến nguồn thu không nhỏ cho nhà làm phim, bổ sung doanh thu sau giai đoạn chiếu rạp. Trên thế giới, tỉ lệ doanh thu bản quyền phim từ các trang trực tuyến hoặc dịch vụ xem phim theo yêu cầu (Video on demand - VOD) thông qua các hộp giải mã chiếm khoảng 20% - 30%, thậm chí 50% tổng doanh thu phim. Nhưng ở Việt Nam, lâu nay, thị trường này do các trang phim lậu chiếm lĩnh. Vì vấn nạn phim lậu phát triển mạnh nên phần doanh thu bổ sung này hầu hết chảy vào túi của những kẻ điều hành trang mạng vi phạm bản quyền.
Trước thực trạng các trang phim lậu hoành hành, một số nhà sản xuất phim lớn thành lập các trang phim trực tuyến có bản quyền nhằm cạnh tranh và đi đến triệt tiêu các trang phim vi phạm. Ngoài các trang Film+ (thuộc Galaxy - Thiên Ngân), Danet (thuộc BHD), thị trường phim trực tuyến Việt Nam có bản quyền còn có thêm trang Netflix (Mỹ) và Ifflix (Malaysia) cùng khai thác. Đây là những trang phim cho phép người dùng xem phim qua nhiều thiết bị với mức phí cố định hằng tháng. Khán giả cũng có thể sử dụng dịch vụ xem phim theo yêu cầu thông qua các hộp giải mã. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình mạng như FPT (FPT Play HD), Viettel (NextTV), VNPT - Media (MyTV) cũng có cung cấp VOD kèm theo các kênh giải trí. Sự nở rộ dịch vụ phim trực tuyến có bản quyền phá thế độc quyền của trang phim lậu tồn tại lâu nay, mang đến nhiều sự lựa chọn cho người dùng.
Tại buổi tọa đàm về quyền sở hữu trí tuệ trong điện ảnh do Lãnh sự quán Mỹ tổ chức mới đây, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD), cho biết: “Sau khoảng 5 tháng giới thiệu dịch vụ Danet, chúng tôi thấy có những chuyển biến đáng mừng, nhiều đối tác quan tâm hơn những nội dung có bản quyền. Với những khởi sắc này, tôi hy vọng sau một năm, chúng tôi có những sản phẩm sản xuất riêng cho Danet”. Theo bà, khán giả bắt đầu ý thức được những tiện ích của các dịch vụ xem phim có trả phí. Hiện doanh thu chưa đủ để bù vào chi phí mua bản quyền các phim nhưng đây vẫn là thị trường giàu tiềm năng và 1-2 năm tới sẽ có thay đổi. Trước đây, nhiều khán giả muốn trả tiền để xem phim có bản quyền nhưng không có cơ hội. Mọi người cứ nghĩ không ai thích trả phí nhưng không phải. Với một số người có tuổi, họ có nhu cầu xem phim nghệ thuật và không ngại bỏ chi phí để được xem. Vì vậy, dịch vụ VOD không chỉ giúp nhà làm phim Việt thêm doanh thu mà còn giúp phim nghệ thuật có đầu ra.
Nhiều cam go
Các trang phim lậu bị phá thế độc quyền nhưng vẫn chiếm số lượng lớn so với các trang có bản quyền. Bà Phan Cẩm Tú, đại diện của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam có 60 trang web phim lậu được xác định. Danh sách này, chúng tôi đã cung cấp cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý”. Các trang phim lậu tồn tại được đa phần nhờ quảng cáo. Tại Việt Nam, 39% quảng cáo trên các trang phim lậu là sản phẩm quảng cáo hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp, 61% còn lại là từ các nhãn hàng chính hãng. Sống nhờ quảng cáo, các trang lậu tìm mọi cách để có phim sớm nhất, kể cả quay lén để thu hút người dùng. Khi lượng truy cập cao, họ có thể lọt vào danh sách các trang web được các nhà quảng cáo tìm kiếm. Việc các nhãn hàng chọn trang phim lậu quảng cáo ngoài giá rẻ, lượng truy cập nhiều còn vì số lượng dày đặc. Ngoài lợi nhuận quảng cáo, một số trang phim lậu còn thu phí người dùng thông qua hình thức thanh toán trực tuyến. Những người trả phí hưởng lợi như không bị chen quảng cáo, độ nét cao, được lựa chọn thuyết minh hay phụ đề. Cơ quan chức năng từng xử lý các trang: phim47.com, v1vn.com và pub.vn. Nhưng sau đó, trang phim47.com đổi thành phimhh.com, pub.vn chuyển thành pubvn.tv và tiếp tục hoạt động.
Sự tồn tại dai dẳng theo kiểu “đánh mãi không chết” của trang phim lậu là mối đe dọa lớn cho nhà làm phim cũng như công ty phát hành. “Thời đại công nghệ số phát triển nhanh nên nguy cơ có một số cá nhân hay nhóm người sử dụng những tiện ích này để thực hiện những hành vi vi phạm bản quyền ngày càng tăng. Theo tôi, tình trạng này đang ở mức “báo động đỏ”, ai cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh giá rẻ” - ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành Công ty CJ CGV Việt Nam, nhận định. Trang phim lậu gây hại nhiều cho nhà sản xuất nhưng ngoài việc chủ động yêu cầu tháo gỡ, các cá nhân, đơn vị bị hại không thể làm gì khác vì muốn kiện cũng không biết kiện ở đâu. Các trang phim lậu có đặc điểm là nay còn, mai mất, chen nhiều quảng cáo nhạy cảm, kể cả trong phim hoạt hình. Nó khiến phụ huynh lo lắng khi con mình xem phim trên các trang này và buộc họ phải tìm kiếm giải pháp an toàn hơn để bảo vệ con em mình...
Nếu so độ cập nhật phim nhanh chóng nhất, phim bản quyền không thể bằng phim lậu. Thêm vào đó, người Việt có thói quen thích miễn phí, dù có sự tác động và thay đổi gần đây nhưng để thay đổi triệt để thói quen này cần thời gian dài. Với ưu và nhược điểm riêng, trang phim có bản quyền và trang lậu luôn ở thế cạnh tranh từng thị phần. Hiện tại, trang phim lậu vẫn thắng thế nhưng về lâu dài sẽ có sự đổi chiều vì hợp pháp bao giờ cũng được ủng hộ hơn và ngược lại, như nhận định của giới chuyên môn.
Cắt nguồn sống phim lậu
Trong hội thảo “Môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn” cuối năm 2016, ông John Medeiros - Chủ tịch phụ trách mảng chính sách của Hiệp hội Truyền hình trả tiền châu Á Thái Bình Dương (CASBAA) - thông tin tại Mỹ, ước tính doanh thu quảng cáo của các website lậu lên đến 227 triệu USD/năm. Trong đó, 30 website lớn nhất kiếm được trung bình 4,4 triệu USD/năm (số liệu năm 2013). Ngay cả những website nhỏ cũng dễ dàng thu 100.000 USD, biên lợi nhuận từ 80%-94%. Đây là nguyên nhân khiến gia tăng tỉ lệ ăn cắp bản quyền.
Luật sư Trần Mạnh Hùng, Giám đốc BMVN International LLC, nhận định việc xử lý vi phạm bản quyền nói chung và thị trường phim nói riêng rất khó. Các nhà sản xuất cũng hiếm khi tìm đến luật sư để kiện một trang web vi phạm bản quyền vì xử lý khó khăn, cơ quan chức năng không đủ các điều luật để giải quyết rốt ráo vấn đề.
“Hiệp hội Điện ảnh Mỹ tại Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam để nhờ kêu gọi, khuyến khích các nhãn hàng ngừng quảng cáo trên trang phim lậu. Việc này đang thực hiện tốt. Chúng tôi cũng tiến hành làm việc cùng các kênh thanh toán để chặn thanh toán trên trang lậu. Khán giả cũng dần nhận thức hơn việc sử dụng trang phim có bản quyền” - bà Phan Cẩm Tú thông tin.
Bình luận (0)