Cũng như mọi năm, sau mùa phim Tết, phim Việt lại bắt đầu ồ ạt ra rạp. Trong gần 2 tháng đã có 5 phim được công chiếu: Sơn đẹp trai, Cầu vồng không sắc, Dịu dàng, Tình + tình, Thám tử Hênry nhưng chưa có phim nào tạo được hiệu ứng tốt, thu hút khán giả. Trong đó, có 2 phim được liệt vào hàng “thảm họa”.
Chẳng thể ngờ dở tệ vậy
Còn nhớ năm 2014, Quả tim máu của đạo diễn Victor Vũ đã mở màn ấn tượng cho mùa phim sau Tết. Vậy mà năm nay, Sơn đẹp trai lại mở màn khiến người xem vô cùng thất vọng. Mặc dù trước khi xem chẳng ai kỳ vọng nhiều nhưng cũng chẳng thể ngờ được lại “dở tệ” như vậy. Với chủ đích là hài hước, giải trí nên kịch bản được xây dựng quá cẩu thả, tình tiết lộn xộn, thiếu logic tới mức xem hết 2/3 phim khán giả vẫn không hiểu gì. Những màn tấu hài không đến nỗi phản cảm nhưng lại thiếu gia vị, không cười nổi. Sự có mặt của Bằng Kiều chỉ mang yếu tố câu khách không hơn không kém, đến cả Trường Giang cũng trở nên mờ nhạt.
Mới đây, Tình + tình (Hãng Phước Sang sản xuất) ra rạp cũng khiến khán giả lắc đầu ngao ngán dù “đánh động” truyền thông mạng bằng trailer đầy rẫy cảnh nóng nhức mắt. Khai thác chuyện ngoại tình với kịch bản đơn giản, tình huống khiên cưỡng, rời rạc; góc quay, ánh sáng xấu…, nói thẳng ra đây là phim truyền hình được “gắn mác” điện ảnh, thậm chí còn tệ hơn. Một nhà báo đã thốt lên: “Tại sao có thể làm một phim…khủng khiếp như vậy? Tôi đã không thể ngồi xem cho đến hết phim”.
Kinh dị và đồng tính là 2 đề tài chưa bao giờ hết hấp dẫn với các nhà làm phim. Cầu vồng không sắc của đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến thu hút được một lượng khán giả nhất định. Song với nội dung và thông điệp có phần cũ: “Đồng tính không phải là một loại bệnh”, phim được đánh giá ở mức trung bình, chưa tạo được sự đột phá. Thám tử Hênry do nghệ sĩ hài Tấn Beo đầu tư sản xuất dù được đánh giá là tương đối “ổn” nhưng ra rạp im ắng do khâu truyền thông quá yếu. Hơn nữa, phim chỉ dừng lại ở mức giải trí thông thường. Dịu dàng là phim nghệ thuật có chất lượng song “màu” phim khó thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ có gu thưởng thức đa dạng như hiện nay.
Ai cũng có thể làm nhà sản xuất
Sau Thám tử Hênry do nghệ sĩ hài Tấn Beo bỏ tiền sản xuất vừa mới ra rạp thì mới đây, ca sĩ Lý Hải tiếp tục công bố dự án mới là Lật mặt do anh đầu tư sản xuất, dự kiến ra rạp vào ngày 15-5 (năm ngoái, Lý Hải đã từng làm phim Bí mật lại bị mất). Vợ chồng đạo diễn Đức Thịnh - Thanh Thúy cũng sắp trình làng tác phẩm điện ảnh đầu tiên do họ đầu tư sản xuất là Ma Dai vào dịp 30-4. Diễn viên Trần Bảo Sơn vừa khai máy phim điện ảnh đầu tay Hy sinh đời trai, do anh đứng tên nhà sản xuất, dự kiến công chiếu vào tháng 9. Diễn viên Lương Mạnh Hải và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bắt tay nhau cùng sản xuất phim Con ma nhà họ Vương, dự kiến ra rạp vào tháng 10.
Chuyện nghệ sĩ bỏ tiền sản xuất phim không mới, trước đây từng có Phước Sang, Hoàng Mập, Nguyễn Chánh Tín, Hồng Ánh, Mai Thu Huyền, Ngô Thanh Vân… nhưng thời gian gần đây lại rộ lên. Theo nhà báo Thanh Lộc: “Ai cũng đua nhau làm nhà sản xuất phim, giống như một trào lưu”. Có cảm giác, sản xuất phim chưa bao giờ… dễ dàng như bây giờ. Chỉ cần có tiền là vô tư đứng tên nhà sản xuất (tất nhiên cũng có những trường hợp đứng tên cho “oách” chứ chưa chắc đã bỏ tiền túi làm phim thật). Một đạo diễn bày tỏ: “Ngày trước nghe chuyện đầu tư sản xuất phim giống như một điều gì ghê gớm, to tát nhưng hiện nay nó dễ như trở bàn tay. Chỉ cần có chút tên tuổi trong nghề, hoặc không có cũng chẳng sao, bỏ ít tiền, một kịch bản và gom ít nghệ sĩ là có thể quay một phim, cứ thế ra rạp”.
Hầu hết những phim này do những đạo diễn ít tên tuổi làm với kinh phí thấp, diễn viên không chuyên nghiệp, kịch bản không hay. Đầu tư sơ sài, đơn giản từ đội ngũ đạo diễn, quay phim đến kịch bản, diễn viên…, tất cả đều làm theo tiêu chí tiết kiệm chi phí tối đa. Có người vừa là nhà sản xuất vừa tác giả kịch bản vừa đạo diễn, thậm chí vừa là diễn viên. Đua nhau sản xuất phim nhưng sản phẩm làm ra kém chất lượng, xem nhẹ tính vấn đề, xem nặng tính giải trí, điện ảnh Việt Nam đang có nguy cơ đẩy đến thảm cảnh như phim “mì ăn liền” những năm 1990.
Nghe tên nhà sản xuất là biết chất lượng phim
Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, cho rằng: “Chuyện ai đầu tư sản xuất không quan trọng, quan trọng là chất lượng phim như thế nào”. Song, khi chất lượng phim quá kém thì phải quay ngược đặt vấn đề ở nhà sản xuất. Dễ dàng nhận thấy ngày càng có nhiều phim do các nhà sản xuất không chuyên, thiếu kinh nghiệm bỏ tiền ra làm. Bởi vậy, phim do ca sĩ làm chẳng khác nào MV ca nhạc, phim do nghệ sĩ hài làm giống như tiểu phẩm tấu hài. Một nhà chuyên môn đã không ngại ngần nói rằng: “Chỉ cần nghe tên nhà sản xuất đủ biết chất lượng phim như thế nào nên không cần đi xem mất thời gian”.
Thời gian vừa qua, hàng loạt phim bom tấn như Fast & Furious 7, Lọ Lem, Điệp vụ Kingsman... đã càn quét tất cả phòng vé, đè bẹp phim Việt. Số lượng các suất chiếu của phim bom tấn ngoại nhiều hơn, được ưu tiên giờ đẹp và luôn chật kín khán giả. Trong khi các suất chiếu của phim Việt rất hạn chế, giờ khó xem và vắng vẻ khách.
Bình luận (0)