Tết Đinh Dậu, khán giả có đủ phim nội lẫn ngoại để chọn lựa. Trong đó, phim nội gồm: “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Nàng Tiên có 5 nhà”, “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” và “Chạy đi rồi tính” - được nhà phát hành BHD chiếu từ Tết dương lịch kéo dài đến mùng 6 Tết nguyên đán. Phim ngoại có: “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2”, “XXX: Return of Xander Cage” và “Kungfu Yoga”. Ngoài ra, một số phim ra mắt đã lâu như “Why him” vẫn được nhà phát hành chiếu xen kẽ trong Tết.
Vin Diesel, Châu Tinh Trì gây sốt
Không khác so với Tết năm trước, năm nay phim ngoại vẫn lấn át phim nội. Khán giả đến rạp chủ yếu chọn lựa “XXX: Return of Xander Cage” hoặc phim của Châu Tinh Trì khiến các phim này luôn trong tình trạng cháy vé. Suất chiếu dành cho các phim này vẫn đầy ắp trong khi phim Việt chỉ còn “Nàng Tiên có 5 nhà” trụ vững ở nhiều rạp.
Đại diện Công ty CJ CGV Việt Nam (chiếm 40% tổng số rạp chiếu phim cả nước) cho biết: “Theo thống kê sơ bộ thị trường cả nước, “XXX: Return of Xander Cage” đạt doanh thu cao nhất, kế tiếp là “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2”. Phim Việt dẫn đầu về doanh thu là “Nàng Tiên có 5 nhà”. Đây cũng là phim nằm trong tốp 3 doanh thu cả nước”.
Đại diện Công ty TNHH Lottecinema Việt Nam cũng xác nhận “XXX: Return of Xander Cage” có doanh thu cao nhất, kế đến là “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2”. Đây là một bất ngờ vì nhiều người nghĩ phim của Châu Tinh Trì sẽ dẫn đầu doanh thu phòng vé. Phim Việt “Nàng Tiên có 5 nhà” cũng được xem nhiều nhất tại hệ thống rạp chiếu này.
Việc khán giả chọn phim ngoại hơn phim Việt có nhiều lý do. Một số người thích Vin Diesel, số khác thích Châu Tinh Trì và vấn đề dán nhãn. Khán giả Ella Nguyễn (22 tuổi, ngụ ở TP HCM) nhận xét: “Tôi xem phim của Châu Tinh Trì, thấy diễn viên diễn xuất ổn, kỹ xảo hình ảnh đẹp mắt nhưng nội dung làm hơi quá, giải trí thì được chứ không đọng lại nhiều. Phim này nhạt hơn phần 1 rất nhiều, tiếng cười cũng không đậm bằng. Sắp tới, tôi xem thêm “XXX: Return of Xander Cage” là kết thúc mùa phim Tết. Tôi không dự định xem phim Việt vì ít chuộng kiểu tình cảm hài hước của các phim mùa Tết”.
Với khán giả Tâm Phúc (50 tuổi; nhà ở quận Tân Bình, TP HCM), do tình cờ vào rạp nên chọn xem phim “Why him” có suất chiếu gần nhất. Bà vẫn còn định kiến với phim Việt kể từ lần xem “Hello cô Ba” rất lâu trước đây và thấy mình không hợp với hài nhảm.
Dù không bằng các năm trước nhưng Hoài Linh vẫn là cái tên chủ yếu lôi kéo khán giả xem “Nàng Tiên có 5 nhà”. Chị Ngọc Quyên (27 tuổi; nhà ở quận 3, TP HCM) cho biết đã xem “XXX: Return of Xander Cage” và dự định xem tiếp “Nàng Tiên có 5 nhà” vì rất thích nghệ sĩ Hoài Linh. Ngọc Quyên nhận định phim Việt Tết năm nay ít hơn mọi năm nhưng nhìn tổng thể có cái hay riêng, không một màu, nhàm chán. Một số khán giả khác cũng chia sẻ xem phim vì thích nghệ sĩ Hoài Linh và đó là thói quen hằng năm.
Khổ vì “dán nhãn”
Ba phim Việt ra rạp Tết Đinh Dậu đều được dán nhãn từ C13 trở lên nhưng “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” lại được dán nhãn P (dành cho mọi đối tượng, kể cả trẻ em).
Việc dán nhãn cùng với chất lượng của các phim là chủ đề được bàn tán nhiều. Ngoài “Nàng Tiên có 5 nhà” dán nhãn C16, 2 phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” và “Rừng xanh kỳ lạ truyện” đồng dán nhãn C13. Các phim này mất lượng lớn khán giả, nhất là với những đại gia đình ba thế hệ cùng đi xem.
Hai phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” và “Rừng xanh kỳ lạ truyện” sớm bị rút suất chiếu tại các cụm rạp không thuộc đơn vị chịu trách nhiệm phát hành hoặc góp vốn sản xuất quản lý. Việc thua lỗ của 2 phim này là chắc chắn dù chất lượng được giới chuyên môn nhận định hơn hẳn “Nàng Tiên có 5 nhà” do CJ CGV phát hành.
Ông Phi Long - Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Poly, đại diện truyền thông của “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” - cho biết khi ra rạp, phim này bị hệ thống phát hành khác tự dán nhãn C16 dù được cấp phép C13. Việc chuyển từ C13 lên C16 khiến phim mất thêm một lượng khán giả vì cứ ngỡ bị giới hạn độ tuổi. Nhà sản xuất lập tức phản ánh, các rạp mới điều chỉnh nhưng khá chậm, mất 2-3 ngày sau khi phim chiếu.
Nhiều khán giả sau khi xem “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” đã phản ứng trên mạng xã hội rằng phim này cần dán nhãn C13 vì có cảnh bạo lực, tạo hình yêu quái ghê rợn, chi tiết phản cảm... “Tôi thích phần 1 của phim này nên quyết định xem tiếp phần 2. Khi vào rạp, tôi thấy có nhiều đại gia đình đưa con nhỏ cùng xem. Phim có một số cảnh không phù hợp với trẻ em như sư phụ dạy học trò mà đánh bằng roi đến rách da thịt, móc họng, kéo lưỡi, chặt bay đầu, yêu nhền nhện trang phục hở hang... Một số người mẹ vội vã bịt mắt con lại khi xem các cảnh Trư Bát Giới quấy rối tình dục từ thường dân đến yêu quái” - khán giả Nguyễn Thị Nguyên (quận 8, TP HCM) cho biết.
Một khán giả khác chia sẻ trên mạng: “Tôi xem “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” xong, về nhà phải xem lại trên mạng có dán nhãn gì không và ngạc nhiên khi thấy cơ quan quản lý kiểm duyệt “thoáng” vậy. Nhiều cảnh, em tôi phải che mắt”.
Thế giới cấm trẻ em, Việt Nam chiếu xả láng
Theo nhiều nhà sản xuất, phim Việt Tết Đinh Dậu tự làm khó mình bằng việc nhãn dán và khiến cho cán cân vốn chênh lệch giữa phim nội và phim ngoại tăng thêm. Các tiêu chí dán nhãn khiến mọi người hoang mang, không hiểu thế nào mới là phim C13, C16 hay P, trong khi “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” vẫn có những yếu tố không thích hợp với trẻ em.
Ở Mỹ cũng như một số nước khác trên thế giới, “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” được dán nhãn PG 13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi) khi công chiếu. Ông Phi Long thắc mắc: “Vì sao một bộ phim bị dán nhãn PG 13 trên thế giới khi phát hành ở Việt Nam lại được ưu ái dán nhãn P - dành cho mọi lứa tuổi khán giả?”.
Bình luận (0)