Phim truyền hình đang ngắc ngoải. Không có tài trợ, không quảng cáo và những cuộc tháo chạy của những đơn vị làm phim kiểu thời vụ càng đẩy phim truyền hình Việt đến bên bờ vực. Đổi mới cách làm hay chịu chết là câu hỏi mà các nhà làm phim truyền hình tâm huyết phải tìm ra lời đáp.
Tự “giết” mình và “giết hại” lẫn nhau
Phim truyền hình Việt bắt đầu khởi sắc từ cuối năm 2006 khi nhiều nhà sản xuất tư nhân xuất hiện. Năm 2007, xã hội hóa phim truyền hình được thực hiện diện rộng, các hãng sản xuất đẩy mạnh phát hành, đáp ứng nhu cầu khán giả. Những phim tạo được sự chú ý thời điểm đó gồm: “Vòng xoáy tình yêu”, “Ảo ảnh”, “Mùi ngò gai”,... Hàng loạt giờ vàng phim Việt được mở trên các kênh truyền hình khiến nhu cầu có phim để phát sóng tăng cao. Nhưng cũng vì nhu cầu này, phim Việt chỉ chú trọng chạy theo số lượng, sản xuất chụp giật kiểu “mì ăn liền”, chất lượng phim ngày càng giảm. Sau 10 năm, phim truyền hình Việt rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” khi khán giả quay lưng, lượng sản xuất sụt, nguồn quảng cáo giảm. Nhiều người trong giới nhận định tuy có giai đoạn bùng nổ nhưng phim truyền hình Việt vẫn tồn tại nhiều yếu kém, tập trung ở khâu kịch bản, dàn dựng, diễn xuất... Nội dung phim na ná nhau về chủ đề tình yêu tay ba dài lê thê mà khán giả đã xem nhiều ở các bộ phim của Hàn Quốc, Đài Loan trước đó. Đội ngũ diễn viên phần đông từ người mẫu, ca sĩ chỉ có sắc vóc còn khả năng diễn xuất hạn chế.
“Phim truyền hình Việt chỉ loay hoay chủ đề tình cảm, nhà, xe... quá chán khiến khán giả ít xem. Người xem ít nên quảng cáo sụt giảm, từ đó lượng tiền đầu tư cho các phim sau giảm theo, chất lượng phim lại tiếp tục giảm” - đạo diễn Nguyễn Minh Chung phân tích nguyên nhân.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, cho biết người làm nghề đang tự “giết” mình và “giết hại” lẫn nhau. Nhiều người làm phim nhưng thực tế chỉ có một nhóm nhỏ chuyên nghiệp. Chính chất lượng thấp của nhiều phim Việt ở giai đoạn bùng nổ khiến khán giả quay lưng, mất niềm tin. Điều này góp phần giết chết các phim được đầu tư bài bản khác trong giai đoạn thau nhiều hơn vàng, các giá trị lẫn lộn. Đạo diễn Minh Chung nói thêm: “Tại sao phim Việt chỉ loay hoay các đề tài tình cảm xã hội? Vấn đề là do kinh phí thấp, không đủ tiền để làm những phim cổ trang chỉn chu, không thể sáng tạo khi chưa bảo đảm sẽ chinh phục khán giả. Vì thế, nhà làm phim chỉ có thể chọn những chủ đề đơn giản, bối cảnh không cần xây dựng nhiều”.
Đổi mới lẻ tẻ
Đạo diễn Nguyễn Minh Chung cho rằng hiện phim truyền hình Việt chỉ có thể so sánh với Lào, Campuchia.
Theo đạo diễn Lê Cung Bắc, phim truyền hình Việt cần yếu tố mới lạ, xua đi cái cũ kỹ, nhàm chán nhưng xem ra vẫn khó với tình hình hiện nay. “Tôi nghĩ sự đổi mới là cần thiết, đổi mới từ nhận thức của người làm phim và cả tư duy của khán giả!” - đạo diễn Lê Cung Bắc nói. Ngay khi thấy thị trường không tốt, các nhà sản xuất tìm cách đổi mới để “tự cứu lấy mình”. Họ tập trung nhiều vào phần kịch bản, chuyển hướng sang làm phim sit-com (hài tình huống). Một số đẩy mạnh các dự án hợp tác nước ngoài như phim “Tuổi thanh xuân”, chọn kịch bản “màu” Hàn Quốc như “Zippo, mù tạt và em”. Một số khác tạo nhân vật nội tâm đa dạng như “Nước mắt chảy ngược”, đầu tư phim hơn 1.000 tập: “Hồ sơ lửa”... Bà Bích Thủy, một trong những nhà sản xuất của dự án phim ngàn tập này, cho biết: “Phim “Hồ sơ lửa” không phải dạng phim “Cô dâu 8 tuổi” của Ấn Độ. Có lẽ, khán giả nghe con số 1.100 tập cứ nghĩ đến phim Ấn Độ. Thực tế, phim này là một chuỗi các vụ án liên tiếp nhau, nối liền chứ không phải một câu chuyện kéo dài suốt nhiều tập. Khi hoàn tất 100 tập, chúng tôi sẽ bắt đầu phát sóng dần dần, mỗi ngày 1 tập. Phim lấy cảm hứng từ các câu chuyện, vụ án có thật chứ không phải phim tài liệu nên cũng có đầy đủ các yếu tố hấp dẫn khác”. Theo bà Bích Thủy, việc hãng phim của bà chấp nhận tham gia dự án dài 3 năm với kinh phí khoảng 300 tỉ đồng chỉ vì muốn tạo sự khác biệt, mới lạ cho phim truyền hình Việt. Việc tạo khác biệt, đổi mới để thu hút người xem cũng là cách tự cứu mình.
Phim “Nước mắt chảy ngược” của hãng M&T Pictures cũng tìm cách đổi mới thông qua việc tạo cho vai nữ chính sự chuyển hóa tính cách, từ hiền lành trở nên mưu mô. Nhân vật khiến người xem lúc thương, lúc ghét, không một chiều. Đạo diễn Nguyễn Quang Minh cho biết: “Phim mà nhân vật nữ chính tính cách một chiều kiểu truyền thống khó được đón nhận, sự thay đổi sẽ giúp lôi cuốn và hấp dẫn hơn. Khán giả ngày càng khó tính, họ thích sự gần gũi, đời thường và sự chuyển biến tính cách của nhân vật cũng đời thường như thế”.
Nỗ lực đổi mới nhưng rõ ràng đây chỉ là những dự án nhỏ lẻ của các nhà sản xuất. Họ buộc phải tìm giải pháp để tự cứu bản thân, chứ chưa có chiến lược chung nào.
Cần chiến lược phát triển
Đạo diễn Minh Trương nhìn nhận chỉ có cơ quan quản lý mới đủ sức quy hoạch thị trường chứ một vài cá nhân, hãng sản xuất phim có lòng cũng chẳng thể giúp được. Như Hàn Quốc, khi nhận định văn hóa mà cụ thể là phim, âm nhạc... là ngành công nghiệp mũi nhọn, họ có cả một kế hoạch dài hơi để thúc đẩy bài bản. Họ xây phim trường, cung cấp vốn để các nhà làm phim thực hiện những tác phẩm tạo sức hút, quản lý mọi khâu một cách khoa học. Các phim tập trung quảng bá hình ảnh, văn hóa, ẩm thực của đất nước với mục tiêu chính là thúc đẩy du lịch. Họ thành công khi ngày càng nhiều du khách đến thăm nước này sau khi bị chinh phục qua phim truyền hình. Trong khi đó ở nước ta, các hãng sản xuất “tự bơi”, mỗi nơi một kiểu, nếu thắng làm tiếp còn thua lỗ là phá sản, lượng người làm phim “ăn xổi” nhiều hơn người tâm huyết.
Bình luận (0)