Hiếm khi nào phim truyền hình Việt lại trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn, trang mạng xã hội như hiện nay. Nhiều tác phẩm của các đạo diễn trẻ: "Người phán xử", "Đi qua mùa hạ", "Giao mùa"…; trước đó là "Sống chung với mẹ chồng", "Tuổi thanh xuân", "Zippo, mù tạt và em"… đang mang đến sức sống mới cho phim truyền hình Việt.
Mang cái nhìn trẻ lên phim
Cơn sốt "Sống chung với mẹ chồng" tạm lắng xuống sau 34 tập phim nhưng "Người phán xử" thì vẫn giữ nguyên độ "nóng" trên sóng VTV. Nhiều người, vì quá yêu thích phim này, thậm chí đã gọi "Người phán xử" là "Bố già phiên bản Việt Nam" và dành nhiều lời khen ngợi cho các đạo diễn Khải Anh, Mai Hiền, Danh Dũng.
Nổi tiếng với những bộ phim tâm lý dành cho giới trẻ như "Hoa nở trái mùa", "Ba đám cưới một đời chồng", "Bà nội không ăn pizza", "Những ngọn nến trong đêm 2", "Tuổi thanh xuân"…, lần đầu làm phim về đề tài tâm lý tội phạm, Khải Anh đã đem đến cho khán giả một cái nhìn trẻ trung, mới mẻ cho dòng phim này. Đạo diễn Mai Hiền, đồng đạo diễn của "Người phán xử", nhận xét Khải Anh đã làm nhiều phim tâm lý về giới trẻ nên có nhiều ý tưởng mới lạ và phù hợp với lứa tuổi này. Đây chính là một trong nhiều điểm mạnh mà đạo diễn Khải Anh có thể hỗ trợ 2 đồng nghiệp của mình khi làm phim này.
Đạo diễn Trần Hoài Sơn (giữa) trong buổi ra mắt phim “Giao mùa” Ảnh: DƯƠNG NGUYỄN
Dù thừa nhận phim tình yêu lãng mạn là sở trường còn dòng phim hình sự là sở đoản nhưng Khải Anh cho biết khi bắt tay thực hiện "Người phán xử", cảm giác của anh là rất sung sướng vì được làm một thể loại mới, không bị gò bó bởi mô tuýp tình yêu lãng mạn, được tư duy khác. "Đây là sự trải nghiệm và trau dồi thêm phong cách làm nghề của mình. Nếu khán giả thích, tương lai tôi cũng sẽ cố gắng khai thác dạng đề tài này nhiều hơn nữa" - anh hứa hẹn.
Xuất thân từ một quay phim, đạo diễn Mai Hiền có điểm mạnh là nắm bắt rất nhanh cách kể câu chuyện bằng hình ảnh một cách cụ thể, không bị bó buộc trong những câu chữ. Chính cách làm việc chắc tay, chuyên nghiệp của các đạo diễn trẻ này khiến dàn diễn viên gạo cội như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh… "tâm phục, khẩu phục". Họ được thỏa sức vẫy vùng trong sáng tạo để có được điều quan trọng nhất là một bộ phim hấp dẫn người xem.
Dù tuổi đời còn trẻ (SN 1983) nhưng Bùi Tiến Huy đã có thâm niên đạo diễn một loạt phim về giới trẻ như "Tình yêu không hẹn trước", "Hoa nở trái mùa", "Trái tim có nắng"… Cùng với các đồng nghiệp của mình, Bùi Tiến Huy, đồng đạo diễn của hai bộ phim rất ăn khách là "Tuổi thanh xuân 2" và "Zippo, mù tạt và em", luôn nỗ lực để có được những tác phẩm hấp dẫn nhất.
Thừa nhận là làm phim về tuổi trẻ thường được nhiều bạn trẻ quan tâm, thậm chí soi và so sánh với phim Hàn Quốc nhưng Bùi Tiến Huy không xem đó là áp lực. Đạo diễn này thẳng thắn cho hay anh rất may mắn khi được cộng tác làm phim với Hàn Quốc, Nhật Bản để qua đó học hỏi rất nhiều kinh nghiệm về phong cách làm phim đúng nghĩa.
Cha - con và phim truyền hình
Điều khá thú vị trên màn ảnh là khán giả yêu phim Việt bắt gặp không ít cặp cha - con trên truyền hình. Trong số này có thể kể đến đạo diễn Khải Hưng - Khải Anh, nhà biên kịch Trần Thanh Hiệp - Trần Hoài Sơn, đạo diễn Trần Quốc Trọng - Trần Trọng Khôi, đạo diễn Bùi Huy Thuần - Bùi Quốc Việt…
Thoát khỏi cái bóng lớn của NSND Khải Hưng - người được coi là đặt nền móng cho phim truyền hình Việt Nam, Khải Anh cho hay đến giờ, anh đã không còn bị áp lực gì trước tên tuổi của cha mình. Anh đã lựa chọn con đường đi riêng với phong cách khác biệt để hợp với xu thế hiện tại, dành cho những người trẻ.
Trong khi đó, đạo diễn Trần Hoài Sơn - người nổi tiếng ngay từ khi mới ra trường với các bộ phim thuộc đề tài cảnh sát hình sự: "Cổ cồn trắng", "Vệt nắng cuối trời" - lại chọn cho mình lối đi nhẹ nhàng, tinh tế. Với "Giao mùa", bộ phim đang phát trên sóng VTV1 sau "Sống chung với mẹ chồng", Trần Hoài Sơn chọn lối kể chuyện đúng chất Hà Nội. Những cách nghĩ, nếp sống của các thế hệ, thậm chí là những mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ với nhau ngay trong mỗi gia đình…, được anh đưa lên màn ảnh bằng cảm xúc gắn liền với tuổi thơ của mình nơi phố cổ với các dãy phố Quán Thánh, Hàng Than, cầu Long Biên….
Đi theo con đường của bố, thậm chí hai bố con từng đồng đạo diễn bộ phim "Chủ tịch tỉnh" gây tiếng vang năm 2011, Bùi Quốc Việt là đạo diễn trẻ thích chọn những đề tài khó như phim hình sự "Giọt nước rơi", "Câu hỏi số 5", "Đầm lầy bạc". Thế nhưng, cũng giống các đồng nghiệp ở VFC, Việt không "đóng đinh" mình vào những đề tài quen thuộc như chính luận, hình sự mà thử sức cả ở những đề tài gần gũi với lứa tuổi. Lần đầu thử sức với đề tài sinh viên, "Đi qua mùa hạ" (đang phát trên sóng VTV3) thực sự là một thách thức đối với Việt. Thừa nhận khó khăn nhưng đạo diễn này cũng thẳng thắn cho hay đây cũng là cơ hội để anh làm mới chính mình. Những tập đầu phát sóng của bộ phim đã cho thấy Việt đã thực sự mới mẻ, ít nhất là với các khán giả sinh viên.
Với chất trẻ, lòng yêu nghề, cộng thêm kinh nghiệm được truyền đạt từ thế hệ giỏi nghề đi trước, các đạo diễn trẻ của phim truyền hình phía Bắc đang hứa hẹn làm nên nhiều thành tích đáng nể trong tương lai.
Bình luận (0)