xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phim Việt bây giờ không tạo được ngôi sao

Ngô Thu

Không tạo ra được diễn viên ngôi sao là biểu hiện sự yếu kém của nền điện ảnh

Người đẹp - diễn viên Dương Yến Ngọc viết trên Facebook của mình rằng: “Phụ nữ Việt Nam thuộc hàng đẹp nhất châu Á, tính tình được nhất, thân hình cũng thuộc hàng nóng bỏng nhất, thông minh nhất (không cần đào tạo bài bản về chuyên môn vẫn xuất sắc như thường) nhưng tại sao phụ nữ Việt Nam luôn đứng hạng bét, không tạo nên những thương hiệu trên thế giới như: Phạm Băng Băng, Phạm Văn Phương, Củng Lợi, Chương Tử Di, Thư Kỳ, Kim Sun Young...?”. Câu hỏi của Dương Yến Ngọc ít nhiều nhận được sự đồng cảm của người trong giới. Nhưng để trả lời thấu đáo câu hỏi này, có người cho rằng nên đặt giả thiết nếu Phạm Băng Băng, Phạm Văn Phương, Củng Lợi, Chương Tử Di, Thư Kỳ, Kim Sun Young… sống ở Việt Nam thì sẽ thế nào?

“Ngôi sao”: Khó kể tên

Điện ảnh Việt Nam phát triển qua nhiều giai đoạn với những thăng trầm khác nhau nhưng ở giai đoạn nào cũng sản sinh ra những ngôi sao màn bạc, ít nhất là với công chúng trong nước. Ở thời kỳ đầu, chúng ta có những tên tuổi đáng kính, luôn được công chúng nhắc nhớ, như: Lâm Tới, Trà Giang, Thế Anh… Thời kỳ sau năm 1975, điện ảnh Việt Nam sản sinh ra những minh tinh màn bạc mới: Lý Huỳnh, Chánh Tín, Phương Thanh, Thanh Quý, Thương Tín, Thúy An, Thanh Lan… Thậm chí thời kỳ phim thương mại lên ngôi, vào những năm thập niên 1990, điện ảnh Việt vẫn có những tên tuổi ngôi sao như: Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương, Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, Mỹ Duyên… Còn bây giờ, ngôi sao điện ảnh là ai, quả thật khó kể tên. Những tên tuổi thuộc hàng ăn khách nhất của phim Việt hiện nay là các diễn viên hài kịch, đóng phim như diễn tấu hài. Những gương mặt điện ảnh thật sự không phải là những cái tên ăn khách.

 

Xinh đẹp và diễn giỏi như Ngọc Lan vẫn chưa thể vụt lên thành ngôi sao của điện ảnh Việt hiện nay. Trong ảnh: Ngọc Lan diễn xuất trong phim “Mặn hơn muối”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Xinh đẹp và diễn giỏi như Ngọc Lan vẫn chưa thể vụt lên thành ngôi sao của điện ảnh Việt hiện nay. Trong ảnh: Ngọc Lan diễn xuất trong phim “Mặn hơn muối”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

 

Mỗi năm, điện ảnh Việt sản xuất hàng chục phim chiếu rạp và hàng ngàn tập phim truyền hình, diễn viên điện ảnh Việt Nam hiện có rất nhiều cơ hội xuất hiện trên màn ảnh với mật độ dày đặc. Có những người xuất hiện gần như thường xuyên trên màn ảnh nhỏ các đài truyền hình ở chương trình phim Việt. Nhưng nhìn lại, chẳng có ai đủ khiến khán giả trẻ si mê cuồng nhiệt như các diễn viên phim Hàn, phim Hồng Kông, Đài Loan, thậm chí phim Thái Lan hay Philippines gần đây.

Nhắc đến nghệ sĩ Trà Giang, người xem nhớ đến phim “Chị Tư Hậu”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Nhớ đến Lâm Tới là nhớ đến phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang”. Nhắc đến Thế Anh là nhớ đến vai trung úy Phương trong phim “Nổi gió”. Nghệ sĩ Lý Huỳnh gắn với phim “Ông Hai Cũ”, “Mùa gió chướng”. Chánh Tín có “Ván bài lật ngửa”. Thương Tín có “Biệt động Sài Gòn”. Thúy An có “Cánh đồng hoang”. Lý Hùng, Diễm Hương có “Phạm Công - Cúc Hoa”… còn bây giờ khán giả biết tên nghệ sĩ qua những thông tin dày đặc mỗi ngày trên mạng chứ không phải nhờ bộ phim hay vai diễn họ đóng.

Không có cơ hội vụt sáng

Đúng như nhận xét của diễn viên - người mẫu Dương Yến Ngọc, diễn viên trên màn ảnh lớn và nhỏ của Việt Nam thời gian qua đều là nam thanh nữ tú, so với nhan sắc nhờ “dao kéo” của diễn viên xứ kim chi, nhan sắc diễn viên Việt hơn hẳn. Về diễn xuất, đa phần trong số họ là tài năng bẩm sinh vì không qua trường lớp diễn xuất chuyên nghiệp. Thân Thúy Hà, Ngô Thanh Vân, Bình Minh, Huy Khánh, Việt Anh… thuộc dạng này. Họ cũng có thể được xếp vào hàng “minh tinh màn bạc” xét cả về trình độ chuyên môn lẫn sức hút khán giả nhưng họ đều ở tuổi trên dưới 40 và chưa dễ khiến công chúng phải phát cuồng lên khi nhắc đến tên họ. Lớp diễn viên trẻ hơn vừa có nhan sắc vừa có tài năng, như: Vân Trang, Lê Phương, Lê Khánh, Ngọc Lan, Tường Vy, Khương Ngọc, Huỳnh Đông, Quý Bình, Kinh Quốc… có đủ tố chất và điều kiện để trở thành minh tinh màn ảnh, nhiều người trong số họ được đào tạo diễn xuất từ các trường chính quy. Nhưng tại sao họ vẫn không thể trở thành minh tinh ngay chính với khán giả Việt của mình chứ chưa nói đến công chúng ở nước khác.

Một nhà chuyên môn phân tích rằng xưa nay điện ảnh Việt Nam không có mục đích xây dựng diễn viên ngôi sao. Hầu như các minh tinh của điện ảnh Việt Nam qua các giai đoạn phát triển của điện ảnh đều tự làm nên tên tuổi của mình thông qua bộ phim hay và vai diễn hay nào đó. Những năm gần đây, khi các công ty tư nhân được phép sản xuất phim, họ cũng không chủ trương xây dựng ngôi sao diễn viên, “vì không sở hữu được diễn viên như ở các nước nên chẳng ai đầu tư. Nhà sản xuất phim có căn cơ thì ít, công ty làm phim cơ hội thì nhiều nên họ chỉ cần sử dụng những gì sẵn có. Chẳng ai chịu trồng cây cho người khác hái quả”, một nhà sản xuất phim tâm huyết giải thích.

Tư duy này khác hoàn toàn với các nước trong khu vực có nền điện ảnh phát triển căn cơ và bền vững. Họ tạo ra diễn viên ngôi sao để khai thác làm lợi cho mình trong một thời gian nhất định, theo hợp đồng ký kết giữa các hãng phim với diễn viên.

Vì có tư duy làm phim “ăn xổi, ở thì” nên việc sản xuất phim ở Việt Nam đa phần là làm theo hướng đơn giản đến mức dễ dãi. “Miễn sao tiền đầu tư càng ít, lợi nhuận càng cao là lao vào” - một nhà sản xuất đưa ra quan điểm.

Trong điều kiện như vậy, diễn viên chỉ có thể tự thân nhưng để vụt lên thành sao được như những thế hệ đi trước hay không còn phải phụ thuộc vào kịch bản phim có hay, đạo diễn có giỏi nghề không để tạo ra được những tác phẩm, vai diễn đủ sức lay động lòng người. Phim Việt Nam thời gian gần đây cả điện ảnh lẫn truyền hình đa phần được làm dễ dãi từ khâu chọn kịch bản, ê-kíp làm phim, diễn viên và các khâu khác trong dây chuyền sản xuất nên ít có được những phim hay, chạm được cảm xúc người xem, tạo cơ hội cho diễn viên vụt sáng. Những phim được đánh giá cao về chuyên môn và thật sự mang lại cảm xúc cho người xem như “Dòng máu anh hùng”, “Áo lụa Hà Đông”, “Thiên mệnh anh hùng”… hay “Đất phương Nam”, “Chạy án” (phim truyền hình)… ngày càng hiếm thấy. Vì vậy, có đến hàng trăm diễn viên mới xuất hiện dày đặc trong các phim điện ảnh, truyền hình thời gian qua nhưng tên họ để số đông khán giả nhớ đến chỉ có thể đếm đủ trên đầu ngón tay.

“Một nền điện ảnh không tạo ra được diễn viên ngôi sao là biểu hiện sự yếu kém của nó. Bởi chỉ có phim hay với những vai diễn hay lay động cảm xúc người xem mới tạo nên “ngôi sao” trong lòng công chúng” - một nhà chuyên môn lập luận.

 

Diễn cỡ nào cũng “OK!”

Nhiều diễn viên cho biết vì phim được làm trên tinh thần dễ dãi nên diễn viên cũng diễn xuất khá dễ dãi. Ngày xưa, một cảnh quay có thể đạo diễn yêu cầu diễn viên phải diễn ít nhất 10 lần để chọn ra một lần đạt nhất còn bây giờ để tiết kiệm tiền bạc và thời gian, đạo diễn thấy diễn đạt yêu cầu là “OK!” ngay cả lần quay đầu tiên. Đạo diễn thấy tốt rồi chẳng lẽ diễn viên yêu cầu được diễn lại. Đó chưa kể trình độ đạo diễn có hạn nên diễn viên diễn cỡ nào cũng “OK!” cả.

“Vai diễn không khai thác đến tận cùng, nhân vật lên phim nhợt nhạt trong câu chuyện nhạt nhẽo thì dù diễn viên có đẹp trai, xinh gái và tài giỏi đến đâu cũng khó lay động cảm xúc người xem” - một diễn viên tên tuổi phân tích.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo