Live show “Trên đỉnh phù vân” (diễn ra vào ngày 29-12) như một cuộc “tổng kết” về quãng đời 50 năm hoạt động âm nhạc không ít thăng trầm của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Chịu chơi
72 tuổi mới làm live show đầu tiên, nhạc sĩ Phó Đức Phương chấp nhận chi gần 5 tỉ đồng cho “cuộc chơi” nghệ thuật. Ông giải thích ban đầu mình không hề lường trước sẽ phải chi tới chừng ấy. Trước khi làm live show, ông viết cam kết nếu có lãi thì chia với đơn vị tổ chức, lỗ thì chịu một mình. Nhạc sĩ Phó Đức Phương bảo: “Đã bước vào nghệ thuật thì phải cương quyết đi đến tận cùng”.
Ông đang rất hào hứng với live show này: “Hy vọng sau khi kết thúc mình không phải bán nhà để trả nợ vì lỗ. Nhưng cho dù tốn kém, đã bắt tay vào làm thì tôi phải chọn phương án tốt nhất, bảo đảm tính nghệ thuật cao nhất. Sân khấu lớn, hoành tráng như Trung tâm Hội nghị quốc gia, đi kèm với nó là những thiết bị và công nghệ đủ sức làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ rất cao của khán giả hiện nay”.
Chuyện ông luôn vất vả vì sự khó tính với tác phẩm của mình đã trở thành giai thoại. Những nghệ sĩ một thời gắn bó với ông trong các ban nhạc cũng như các ca sĩ ruột của ông thường đem giai thoại ấy ra “rỉa róc” một cách thú vị trong những cuộc tụ tập, khoát đàm vui vẻ. Tuy thế, ông vẫn một mực nghĩ rằng nghệ thuật muốn đi đến cùng là phải như vậy, như ai đó đã từng nói: “Chi tiết là vàng…”. Nhạc sĩ tự sự rằng bạn bè chọc mình vậy thôi chứ họ đều quý và hiểu mình cả.
Đam mê âm nhạc, nhận ra mình khao khát dâng hiến cho âm nhạc đã đẩy Phó Đức Phương tới một quyết định táo bạo. Năm 1965, sắp tốt nghiệp đại học sư phạm, Phó Đức Phương xin thôi học với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn và quyết định dấn thân lên miền núi, trở thành nông trường viên thuộc Nông trường Cửu Long (tỉnh Hòa Bình).
Chàng “công tử” rời chốn thị thành, từ chối mọi công việc gián tiếp, quyết chí lao động trực tiếp. Cuộc đổi đời này có lẽ là vô giá trong hành trình sáng tạo của ông. Mang trong mình một phần đời với vô vàn trải nghiệm đáng nhớ của một nông trường viên, Phó Đức Phương trở về thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam, lúc đó trường đang sơ tán lên Hà Bắc. Bài “Những cô gái quan họ” ra đời trong những khoảnh khắc chờ đợi để bước vào giờ học đầu tiên.
Đỉnh cao là tình yêu
“Khi ấy về Hà Bắc, hình ảnh những cô Tấm xưa - những cô gái đảm đang trên đồng lúa quê hương quan họ nay đã ở lại trong tâm trí tôi, một vẻ đẹp vừa kiêu hùng vừa mềm mại, dịu hiền, óng ả, vốn dĩ là những nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Tôi thầm yêu vẻ đẹp ấy. Và bỗng nhiên những âm thanh cứ thế đến trong đầu” - nhạc sĩ nhớ lại. “Những cô gái quan họ” chất liệu quen mà lạ, rất hiện đại nhưng lại pha trộn ngọt ngào cái tố chất thuần Việt, đậm đà phong vị “quan họ” mà không cổ, không cũ, nét nhạc dạt dào sức sống mới, trẻ trung sôi nổi, duyên dáng, điệu đà.
Phó Đức Phương tự sự: “Nguồn gốc của người Việt là gắn với nền văn minh lúa nước và những dòng sông. Tôi lại mệnh thủy nên hướng về sông hồ như một lẽ tự nhiên. Cứ nhìn thấy sông và cây cối là lòng tôi dịu lại. Tuổi thơ của tôi cũng gắn với những dòng sông quê mẹ, nên khi ra Hà Nội rồi “dòng sông ký ức” ấy vẫn chảy trong tâm trí. Khi xa, tôi rất nhớ nhung, nuối tiếc; nhớ tuổi thơ ngụp lặn trên dòng sông...”.
Rất nhiều ca khúc về sông, về hồ “dán mác” Phó Đức Phương đã ra đời: “Hồ trên núi”, “Huyền thoại Hồ Núi Cốc”, “Chảy đi sông ơi”, “Một thoáng Tây Hồ”... Ấy thế mà nhạc sĩ của sông hồ có lúc suýt... rơi xuống đáy sông vì trầm cảm: “Hồi sáng tác ca khúc “Chảy đi sông ơi”, tôi thất tình, đau khổ đến mức chỉ muốn ra sông tự tử. Nhưng trong lúc chạy từ triền đê xuống đến bờ sông, sự bao dung, độ lượng và hiền hòa của dòng sông khiến tôi từ bỏ ý định tự tử trước đó. Còn “Trên đỉnh phù vân”, cao trào của âm nhạc trong ca khúc cũng là cảm xúc thất tình, khi ấy chỉ muốn bỏ lên núi để quên đời” - nhạc sĩ Phó Đức Phương kể.
Mối tình không thành, nhờ dòng sông chảy giùm thật mạnh mẽ, cuốn trôi đi một nỗi đau tê tái, quặn thắt, xoáy sâu thăm thẳm. Đau khổ vì yêu đến độ muốn trốn lên tận đỉnh núi mây mù sương phủ, viện đến cửa thiền để xa lánh cõi đời nhưng chính ở chốn thâm sơn cùng cốc ấy, nơi chỉ còn cách trời 3 thước, nhìn “xuống đáy thung sâu, thăm thẳm sông dài, vào rừng trúc mai, véo von con sáo sậu…” thì tiếng gọi tình yêu lại thôi thúc trong lòng: “Ta khóc ròng một câu, đâu người ta yêu dấu…”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng: “Sống giữa đời thường với bao nhiêu lo toan, con người vẫn luôn ước mơ, thèm khát được bay bổng. Với tôi, thế giới ấy hiển hiện qua âm nhạc. Mỗi khi viết một tác phẩm mới, bao giờ tôi cũng có cảm giác mình chuẩn bị đi vào cõi riêng, dọn mình sạch sẽ, quên hết tục lụy. Những cõi ấy là Phù Vân - Yên Tử, sóng nước hồ Ba Bể, mộng mị Sa Pa”.
Làm việc hết mình
Có một thời nhạc sĩ Phó Đức Phương sống rất tốt nhờ các tác phẩm... đặt hàng. Thế mà người nhạc sĩ có thể viết và sống rất tốt bằng ca khúc ấy 14 năm nay đã phải chấp nhận hy sinh thời gian sáng tác để đi đòi quyền lợi cho các đồng nghiệp.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương hiện là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội. Trung tâm này từ chỗ “tay không bắt giặc” nay đã thu về hàng chục tỉ đồng tiền bản quyền trả cho các nhạc sĩ Việt Nam, đóng góp không nhỏ trong việc phổ biến, thực thi pháp luật về bản quyền âm nhạc trong nước, giảm rõ rệt tình trạng bản quyền âm nhạc bị xâm hại nghiêm trọng.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương bảo: “Làm công việc tác quyền, tôi bị vùi dập ghê lắm. Hơn nữa là mất đi thời gian sáng tác, nhiều năm liền hầu như tôi không sáng tác được ca khúc nào mới. Những vụ tranh chấp bản quyền với các đơn vị tổ chức biểu diễn khiến thiên hạ lời qua tiếng lại, tôi bị dính vào những thị phi ồn ào không đáng có”.
Thế nhưng, ông vẫn cương quyết: “Tôi đã coi đó là cái nghiệp của mình thì phải hoàn thành, kể cả phải chết” - nhạc sĩ Phó Đức Phương nói. Thực ra, trong đời sống, Phó Đức Phương rất hồn nhiên, tính ông là vậy, làm việc hết mình, dù là sáng tác hay bảo vệ bản quyền tác giả vẫn như “con sông hiến mình tất cả” cứ “miệt mài chảy mãi khôn nguôi”...
Nộp đủ 270 triệu đồng tiền tác quyền
20 ca khúc nổi tiếng nhất của Phó Đức Phương sẽ được trình diễn trong live show “Trên đỉnh phù vân”: “Những cô gái quan họ”, “Dòng sông ký ức”, “Lội dòng sông quê”, “Cánh đồng tình yêu”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Huyền thoại Hồ Núi Cốc”, “Nao nao Thác Bà”, “Chảy đi sông ơi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Hồ trên núi”, “Về quê”, “Về nhà” (Tửu ca), “Bài ca thần chim lạc”, “Khúc hát phiêu ly”… qua các giọng ca Bằng Kiều, Thu Phương, Thanh Lam, Tùng Dương, Tấn Minh, nhóm Năm Dòng Kẻ, nhóm M4U, nhóm tứ tấu gồm các nghệ sĩ: Thanh Ngoan, Thanh Thanh Hiền, Huỳnh Tú…
Là người đi đầu trong công tác đòi quyền lợi cho các tác giả âm nhạc, nên khi thực hiện live show của chính mình, tác giả của tất cả ca khúc được biểu diễn trong đêm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng thực hiện việc đem nộp cho trung tâm 270 triệu đồng (mức cao nhất cho tiền tác quyền của một đêm nhạc) để trung tâm giữ lại 20% theo quy định thông thường, rồi sau đó ông nhận lại phần mình được hưởng.
Bình luận (0)