Sáng 2-2 (mùng 6 Tết Đinh Dậu), tại Khu Văn hóa núi Bài Thơ (TP Hạ Long), Hội Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TP Hạ Long tổ chức lễ khai bút, khai ấn đầu Xuân Đinh Dậu 2017. Năm 2009, Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khai bút đầu Xuân lần đầu tiên. Từ đó đến nay, hoạt động này tiếp tục được duy trì. Đáng nói là năm 2017, lễ khai ấn của tỉnh Quảng Ninh có quá nhiều lỗi sai.
6 chữ sai 2
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2014, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức lễ khai ấn Hội Tao Đàn lồng ghép lễ khai bút vào mùng 6 tháng giêng. Dựa trên sự kiện lịch sử có thật là bài thơ khắc vào vách đá (thường gọi là núi Bài Thơ) của Vua Lê Thánh Tông mang tên “Đề núi Truyền Đăng” và Hội Tao Đàn của Vua Lê Thánh Tông có 28 thành viên với tên gọi “Tao Đàn nhị thập bát tú”, Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh đã chế tác quả ấn mới tinh. Ban đầu, ấn được chế tác hình vuông, bằng gỗ, bên trên có con nghê để làm núm; bên dưới đáy có 6 chữ Hán khắc kiểu chữ triện là: “Hồng Đức hiệu, Tao Đàn hội”.
Năm 2017, ấn được đúc bằng đồng. Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh đã sáng tạo thêm khi khắc các chữ nổi hai bên thành ấn. Một bên, đọc từ trái qua là: “Hồng hiệu đàn, Đức tao hội”. Còn nếu muốn đọc đúng thành “Hồng Đức hiệu, Tao Đàn hội” thì phải đọc theo quy tắc ngữ pháp rắn ngóc đầu hoặc nhảy hố chữ chi. Bên kia: “Truyền đăng sơn từ thu quý nguyệt Nhâm Ngọ niên”. Mặt ấn 6 chữ: “Tao Đàn hội, Hồng Đức hiệu” nhưng những chữ quan trọng đều sai.
Ông Nguyễn Tuấn Cường, nhà nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội, phân tích: Khai ấn “Hồng Đức hiệu” 洪德號 thì viết chữ Hồng 洪 (lớn) sai thành Hồng 紅 (màu đỏ). Khai bút “Tao Đàn hội” 騷壇會 thì viết chữ Tao 騷 (phong nhã) sai thành chữ Tao 遭 (gặp gỡ)”.
Ông Nguyễn Tuấn Cường cho biết đây đều là lỗi sai đồng âm Hán Việt, thường do tra tự điển để viết chữ. Ông còn chưa bàn đến tính thẩm mỹ của mấy chữ ấy.
Xấu - tùy tiện
Nhân chuyện bàn đến tính thẩm mỹ của chữ, chúng tôi cũng muốn nói thêm về việc khắc in và rước bài thơ “Đề núi Truyền Đăng” của Vua Lê Thánh Tông. Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh không nhờ người có kiến thức về Hán Nôm và thư pháp cho nên đã sao chép một cách vụng về, làm hỏng cả giá trị di sản văn hóa của tỉnh. Những người học khai tâm chữ Hán đều biết theo quy tắc bút thuận, viết từ phải qua trái, trên xuống dưới. Còn trong văn bản được đem rước tại lễ hội, bài thơ viết theo quy tắc chữ Quốc ngữ hiện hành: từ trái qua phải, trên xuống dưới theo hàng ngang.
Trao đổi về văn bản bài thơ “Đề núi Truyền Đăng” của Vua Lê Thánh Tông, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Chữ viết nguệch ngoạc, quá xấu và sai nên không đọc hết được bài”.
Còn ông Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cũng bày tỏ quan điểm: “Tao Đàn nhị thập bát tú là chuyện có thật, còn có tồn tại chiếc ấn Hội Tao Đàn hay không, kiểu dáng của nó thế nào thì tôi chưa có cứ liệu lịch sử để khẳng định”. Ông Dương Trung Quốc còn lưu ý rằng thời phong kiến, nhiều cá nhân cũng chơi ấn như một thú vui tao nhã, nhất là với những người say mê văn chương nghệ thuật. Tuy nhiên, người chơi ấn sẽ xem xét kiểu chữ gì cho phù hợp, có kỵ húy không khi làm ấn, chứ không thể tùy tiện.
Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã điện thoại cho ông Phạm Ngọc Thành, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh, nhưng ông Thành cáo bận chưa trả lời được.
Nhìn ảnh chụp panô lễ hội, trong đó có triện của ấn in lên, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tuấn Cường nói: “Không biết có phải cái ấn ấy đóng ra cái chữ in trên font đó không? Nếu đúng thì bao nhiêu người khai nhầm ấn bút rồi?”.
Bình luận (0)