Cuốn sách do nhiều tác giả cùng viết về cuộc đời và sự nghiệp mang văn hóa Việt đi giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới của GS-TS Trần Văn Khê. Trong đó, đặc biệt là phần 1 - “Cuộc đời qua hồi ức của con trai”, GS-TS Trần Quang Hải, được coi như “đệ tử chân truyền” của GS-TS Trần Văn Khê, đã kể lại về thời thơ ấu của cha mình, các thời kỳ học tập khi ông là học sinh Trường Petrus Ký, năm nào cũng đứng đầu lớp; cùng với nhóm Lưu Hữu Phước, Võ Văn Quan lập dàn nhạc của trường.
“Cuộc đời qua hồi ức của con trai” cũng nhắc đến giai đoạn Trần Văn Khê đỗ tú tài phần nhất năm 1940, thủ khoa phần nhì năm 1941 và nhờ vậy được giải thưởng đặc biệt của Đô đốc Decoux, được đi thăm Campuchia, viếng chùa Vàng, chùa Bạc…; chuyện ông lập gia đình và hoạt động xã hội, những năm đầu tiên trên đất Pháp, quá trình nghiên cứu âm nhạc, các đề tài nghiên cứu của ông - trước hết là âm nhạc truyền thống Việt Nam rồi đến đối chiếu nhạc cụ, nhạc lý và ngôn ngữ âm nhạc các nước châu Á...
Trong 27 năm làm nghiên cứu, GS-TS Trần Văn Khê đã đăng tới gần 200 bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh; dự gần 200 cuộc hội nghị quốc tế ở 67 nước trên thế giới; tự ghi âm 600 giờ âm nhạc, trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam và trên 300 giờ âm nhạc châu Á, châu Phi; chụp hơn 8.000 tấm ảnh về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và ở những nước ông đã đi qua; thu thập gần 500 đĩa hát của các nước trên thế giới…
KTS Nguyễn Hữu Thái cho rằng GS-TS Trần Văn Khê không chỉ hướng đến những điều to tát, ông còn mong muốn mang đến kiến thức văn hóa, phổ biến âm nhạc dân tộc cho từng trường học, từng gia đình và các em nhỏ. KTS Nguyễn Hữu Thái kể GS-TS Trần Văn Khê từng có lúc đến giảng cho các em học sinh tiểu học về âm nhạc dân tộc và gây dựng rất nhiều hoạt động văn hóa ngay tại căn nhà nơi ông cư trú, chứ không phải chỉ đến giảng dạy cho các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước.
Cuộc đời miệt mài nghiên cứu âm nhạc dân tộc và nỗ lực truyền bá văn hóa dân tộc của GS-TS Trần Văn Khê để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng giới trí thức và những người làm văn hóa. Có mặt tại buổi ra mắt cuốn sách “Trần Văn Khê - Tâm và nghiệp” tại Đường sách TP HCM, TS - nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã, KTS Nguyễn Hữu Thái, NSƯT Hải Phượng… đều chung một ý kiến tha thiết mong “ngôi nhà Trần Văn Khê” (số 32 Huỳnh Đình Hai, TP HCM) được trở thành địa chỉ văn hóa - du lịch, thậm chí là điểm sinh hoạt văn hóa với các chương trình “sống”, chứ không phải chỉ là một bảo tàng “chết” với hàng ngàn hiện vật, hàng vạn cuốn sách... đang được lưu giữ, trưng bày.
Bình luận (0)