Dự án nhạc kịch “Ben Hur” đang trở thành sự kiện gây chú ý nhất hiện nay. Nhiều người kinh ngạc khi đơn vị đầu tư dự án dám chi ra 10 tỉ đồng để có 10 suất diễn của vở nhạc kịch broadway “Ben Hur”.
Những “canh bạc” lớn
Những tên tuổi của làng giải trí như nhạc sĩ Đức Trí, biên đạo Tấn Lộc,… và ê-kíp hùng hậu gồm các thành viên trong gia đình NSƯT Đoàn Bá được huy động. Theo đó, NSƯT Đoàn Bá và con gái Mai Trang lo khâu kịch bản (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên “Ben Hur”); 2 vai diễn đã được NSƯT Đoàn Bá “nhắm” sẵn cho 2 cô con gái Mai Phương, Mai Lan còn con trai Đoàn Tùng chịu trách nhiệm làm việc với ê-kíp đạo diễn người Mỹ sẽ tham gia dàn dựng vở; Đoàn Bình, thành viên còn lại trong gia đình, lo khâu liên lạc diễn viên, tổ chức biểu diễn… Dự kiến, dự án này chính thức ra mắt vào dịp Tết 2017 nhưng những buổi tuyển chọn diễn viên (bắt đầu từ ngày 27-6) đã thu hút sự chú ý của công luận.
Cũng đang tập luyện ráo riết, gần như tranh đua với “Ben Hur” là vở nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương” (dự kiến ra mắt vào ngày 7-10). Vở nhạc kịch này quy tụ nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam, NSƯT Hoàng Điệp, nhạc trưởng Trần Nhật Minh, biên đạo Anh Nguyên (diễn viên của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM). Giống với hình thức của vở nhạc kịch đình đám thế giới “Mamma Mia”, sử dụng toàn bộ ca khúc của ban nhạc ABBA để tạo nên một vở diễn, “Chuyện tình nàng Giáng Hương” được đúc kết bằng cách xâu chuỗi những bản tình ca lãng mạn được nhiều người yêu thích của các nhạc sĩ Việt Nam: Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên,… Ca sĩ Đức Tuấn được mời vào vai nam chính Từ Thức và 2 giọng ca nhạc viện Hoàng Kim, Thanh Nguyên sẽ đảm nhiệm vai nữ chính Giáng Hương. Mối tình Giáng Hương và Từ Thức được khắc họa trong vở nhạc kịch dự kiến 11 suất diễn tại Nhà hát Hòa Bình trong tháng 10-2016, được đánh giá là một dấu ấn khó phai trong thời buổi sân khấu “tắt đèn” như hiện tại.
Công ty Chu Thị cũng có dự án biểu diễn khắc họa chân dung nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thông qua âm nhạc bằng hình thức một vở nhạc kịch được dàn dựng xuyên suốt, có sự hợp tác của nghệ sĩ 2 nước Việt - Pháp sẽ được trình diễn ở các thành phố lớn trong nước và một số nơi ở Đông Âu. Dự kiến, dự án sẽ ra mắt vào tháng 8 tới.
Nhạc kịch bắt đầu xuất hiện trở lại tại TP HCM trong vài năm gần đây, mở đầu là các vở diễn của nhóm Buffalo (do đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy tổ chức): “Chicago”, “High School Musical” phiên bản Việt và mới đây nhất là “Tấm Cám”. Trong nhiều chương trình truyền hình giải trí, nhạc kịch cũng được dàn dựng cho thí sinh tham gia trình diễn và thi tài. Mới đây, nhạc sĩ Vũ Huy Tiến đã giới thiệu vở nhạc kịch “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” phiên bản Việt tại Nhạc viện TP HCM cũng để lại những ấn tượng mới lạ. Âm nhạc được sáng tác kết hợp các phong cách pop, blue, jazz trong vở diễn. Trước đó, nhạc sĩ Hà Quang Minh từng chuyển ngữ qua tiếng Việt cho hơn 20 ca khúc trong vở nhạc kịch này, đã đưa “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” (theo hình thức biểu diễn ca khúc minh họa cho vở diễn) vào phòng trà. Sự đón nhận của công chúng dành cho hình thức biểu diễn mới này phần nào tạo niềm tin cho những người tâm huyết có ý định đầu tư kinh doanh nhạc kịch. Nhạc kịch Việt sẽ chuyển từ nhen nhóm thành trào lưu thực sự ở thị trường biểu diễn Việt Nam.
Đối diện nhiều khó khăn
Một nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch cần rất nhiều kỹ năng: hát, diễn và cả nhảy/múa. Đó chính là lý do sau nhiều lần tổ chức tuyển chọn diễn viên, ê-kíp thực hiện “Ben Hur” vẫn chưa tìm được diễn viên chính. Nhạc sĩ Đức Trí bảo rằng theo dõi nhiều cuộc thi, anh tin rằng có nhiều ứng viên sáng giá cho các vai diễn nếu mình thực hiện một vở nhạc kịch. Nhưng thực tế là một dấu hỏi lớn. “Thực sự không dễ để tìm được một diễn viên đúng chuẩn diễn nhạc kịch (tôi thích gọi là ca kịch đương đại hơn). Nhất là khi tôi muốn ca kịch Việt phải bứt ra khỏi những khuôn mẫu của Broadway ở Mỹ hay Anh. Điều chúng tôi đang cố gắng làm là chỉ học cách diễn đạt của phương Tây (tức là cách diễn một vở nhạc kịch). Chúng ta có ngôn ngữ của mình và phải diễn đạt nó theo cách của mình” - nhạc sĩ Đức Trí nói.
Thực tế, nhạc kịch Việt thời gian qua chưa trở thành dòng chảy nổi bật vì nhiều rào cản. Hầu hết “các vở diễn thể nghiệm trước đây đều vấp phải cùng một lỗi: thoại và ca không ăn nhập với nhau, thậm chí không có chút liên quan” - NSƯT Hoàng Điệp nhận định.
Đây chính là hiện trạng chung của các vở nhạc kịch của Việt Nam thời gian qua nên khi ra mắt, công chúng chưa cảm nhận được cái hay, sự khác biệt của chúng.
Nhạc kịch Việt Nam vì thế còn rất vất vả đi tìm khán giả, dù với giới chuyên môn, “nhạc kịch là giải pháp cho sân khấu của các thể loại”. Vở nhạc kịch “Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris” của ca sĩ Cao Minh diễn ra ở Nhạc viện TP HCM và phòng trà cũng chỉ được 100 khách cho mỗi đêm diễn là cao. Trích đoạn cũng của vở “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” bằng tiếng Việt (gồm 20 ca khúc phần dịch lời Việt của Hà Quang Minh), có sự góp mặt của nhiều ca sĩ ăn khách trong giới trẻ như Văn Mai Hương, Lê Hiếu, Đoan Trang… nhưng chỉ diễn ra vài đêm vì không có khán giả. Thanh xướng kịch “Lụa” do nhạc sĩ Quốc Bảo biên soạn với sự tham gia trình diễn của Đồng Lan, Hà Anh Tuấn, Phương Linh… ra mắt đúng 1 đêm và chấm hết. Vở nhạc kịch “Ca kịch Kiều” do nhạc sĩ Tạ Ðắc viết cũng chỉ diễn 2 đêm ở phòng trà ATB rồi “đứt bóng”.
Dù vậy, những người tâm huyết với nhạc kịch vẫn tin rằng mọi thứ sẽ được cải thiện theo thời gian. Ca sĩ Cao Minh tiếp tục chuẩn bị dựng vở nhạc kịch “Chùa Đàn” từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Tuân hay “Gã đánh giày trên đường phố”… Ngoài dự án sắp diễn ra, nhạc sĩ Đức Trí tiếp tục làm phần tiếp theo của vở nhạc kịch “Những ngày mưa đến muộn”. Nhạc sĩ Quốc Bảo vẫn tiếp tục viết vở mới.
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh khẳng định: “Phải có người mạnh dạn bước đi tiên phong để tạo nên con đường. Làm nghệ thuật, phải có người mở đường và chúng tôi có trách nhiệm ấy”.
Viết bài hát cho kịch rất khó
Giới chuyên môn cho rằng cải lương của Việt Nam chính là nhạc kịch truyền thống của người Việt. Loại hình nhạc kịch này quá xuất sắc nên những thử nghiệm nhạc kịch đương đại (sử dụng tân nhạc) không mấy suôn sẻ. Những thử nghiệm của nhạc sĩ Quốc Bảo, Hà Quang Minh, nhóm Buffalo, John Huy Trần, ca sĩ Cao Minh hay cả nhạc sĩ Đức Trí khi viết những bài hát cho thể loại ca kịch đều chưa thành công “vì ngôn ngữ tân nhạc khi chuyển tải vào kịch đều chưa khớp. Thực sự đó là một công việc rất khó”- nhạc sĩ Đức Trí nói.
Bình luận (0)