Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 2 và 3-1 đăng bài “Một kiểu làm sách cẩu thả” và “Chẳng khác gì lừa đảo người đọc” phản ánh về những kiểu làm sách chụp giật, cẩu thả, vô trách nhiệm với ấn phẩm và người đọc, lãnh đạo ngành xuất bản đã lập tức lên tiếng về vấn đề này.
“NXB Văn hóa Thông tin đã sáp nhập lâu rồi”
Cuốn “Hồ Chí Minh - Con người và thời đại dấu ấn trong lòng dân tộc” mà độc giả mới mua gần đây, theo thông tin in trên sách thì đã được NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2014.
Bìa của một trong những cuốn sách làm ẩu: “Những cuộc đàm phán lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh”
Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cho biết từ tháng 11-2014, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã nhận được báo cáo chi tiết từ Cục Xuất bản, In và Phát hành về điều kiện hoạt động, công tác tổ chức và những sai phạm liên tiếp các quy định của pháp luật về xuất bản mà NXB này đã mắc phải khiến dư luận bức xúc. Căn cứ điều 13 và điều 16 Luật Xuất bản, Bộ TT-TT đã đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tạm dừng hoạt động xuất bản của NXB Văn hóa Thông tin. Sau đó, tháng 12-2014, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NXB Văn hóa Thông tin đã chính thức sáp nhập với NXB Âm nhạc và NXB Văn hóa dân tộc.
“Cho nên về cơ bản, NXB này đã không tồn tại từ 2 năm nay. Như vậy, cho đến giờ, các đơn vị làm sách vẫn mang giấy phép cũ ra sử dụng, nối bản ấn phẩm, bán cho khách mua hoặc trá hình lấy giấy phép của ấn phẩm khác để đội lốt cho ấn phẩm này, bán giá cao kiếm lời. Chỉ một dấu hiệu đó thôi là đã khẳng định sự việc có dấu hiệu lừa đảo” - ông Hòa nhận xét.
Trả lời về vấn đề ai chịu trách nhiệm với tính xác thực của tư liệu trong các ấn phẩm: “Hồ Chí Minh - Con người và thời đại dấu ấn trong lòng dân tộc” do tác giả Hải Sơn sưu tầm, biên soạn; “Những cuộc đàm phán lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh” do Lê Trung Kiên và Bùi Văn Tuấn tuyển chọn, biên soạn (NXB Đồng Nai ấn hành năm 2011); “Khí phách người chiến sĩ cách mạng vĩ đại trong lời văn, ý thơ của Hồ Chí Minh” do Trần Quang Phúc biên soạn (NXB Đồng Nai ấn hành, in năm 2014); “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tầm nhìn chiến lược về thời đại mới trong tuyên ngôn độc lập” do tác giả Quý Lâm tuyển chọn và hệ thống (NXB Hồng Đức ấn hành năm 2015); “70 năm nhìn lại nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Một sự thật lịch sử” do Phạm Hùng biên soạn (NXB Hồng Đức ấn hành năm 2014), ông Chu Văn Hòa cho rằng đây không phải chuyện nhỏ vì liên quan đến nhiều đơn vị xuất bản và các ấn phẩm đều bán giá rất cao, cần công an vào cuộc.
Riêng 2 cuốn sách “Hồ Chí Minh - Biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới” do Đỗ Hoàng Linh - Nguyễn Văn Dương sưu tầm, biên soạn và “Cách mạng Tháng Tám 1945” (sự kiện, hình ảnh và ký ức) do Đỗ Hoàng Linh - Nguyễn Văn Dương - Vũ Thị Kim Yến sưu tầm, biên soạn, NXB TT-TT ấn hành (2015-2016) có quá nhiều sai sót, ông Trần Chí Đạt, Giám đốc NXB TT-TT, giải thích: Tháng 8-2015, khi ấn bản đợt đầu của 2 cuốn sách này ra đời, NXB đã phát hiện sai sót và chỉnh sửa, phát hành bản đúng ngay từ hồi đó. Tuy nhiên, do các phòng, ban của NXB không biết đã chuyển ấn bản sách cũ chưa chỉnh sửa tới ban tổ chức Giải thưởng Sách Việt Nam nên dẫn đến sai sót nêu trên và được báo chí phát hiện. Thay mặt NXB TT-TT, ông Đạt gửi lời xin lỗi vì đã để xảy ra sai sót đáng tiếc.
NXB Hồng Đức nhiều lần bị “đội lốt”, “mượn tên”
Trong cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tầm nhìn chiến lược về thời đại mới trong tuyên ngôn độc lập”, trang lưu chiểu ghi rõ do tác giả Quý Lâm tuyển chọn và hệ thống, in tại Công ty CP in Việt Nam (HCM), số xác nhận đăng ký xuất bản 1690-2015/CXBIPH/01-39/HĐ; quyết định xuất bản số 1673/QĐ-NXBHĐ ngày 7-7-2015. Cuốn “70 năm nhìn lại nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Một sự thật lịch sử” có số đăng ký kế hoạch xuất bản 668-2014/CXB; quyết định xuất bản số 779-2014/QĐ-HĐ, in xong và nộp lưu chiểu quý II/2014.
Đại diện NXB Hồng Đức cho biết sẽ cho kiểm tra gấp hồ sơ gốc và đối chiếu với sách lưu chiểu đang lưu giữ tại NXB xem có đúng là các giấy phép này do NXB Hồng Đức cấp hay không.
Đại diện NXB Hồng Đức cho biết thời gian qua, NXB này cũng đã gặp phải nhiều trường hợp các cuốn sách lừa đảo được sản xuất theo cách tư nhân tự ý tổ chức nội dung và cứ chèn bừa một trang bản quyền “nhặt nhạnh” đâu đó vào cuối sách, chứ số giấy phép đã cấp đó là dành cho một ấn phẩm khác. NXB Hồng Đức cũng đang phải “săn lùng” đối tượng làm lậu để xử lý một số cuốn sách khác lấy danh NXB này chào bán cho người mua.
Ngoài ra, đại diện NXB Hồng Đức cũng nhận định về tính mỹ thuật quá kém và nội dung tổ chức quá ẩu của các cuốn sách này. NXB sẽ đối chiếu với tên biên tập viên chịu trách nhiệm lưu hồ sơ xem có khớp không vì ở đây còn có trách nhiệm của biên tập viên (nếu đúng là ấn phẩm do NXB cấp phép).
Đại diện NXB Hồng Đức thừa nhận chưa cần xét đến việc sách in đẹp hay không, chỉ cần nhìn giá bán 350.000 đồng đã thấy mức đó là quá cao so với các cuốn sách khác đang bán trên thị trường Việt Nam. Thông thường phải là sách ảnh, có sử dụng rất nhiều hình ảnh bản quyền, in ấn đẹp, thực hiện công phu thì mới bán từ mức giá đó trở lên. Sách chữ, ấn bản thông thường thì không thể nào bán với giá này.
Lập đoàn thanh tra, thẩm định
“Nếu NXB kết luận các số giấy phép nêu trên không chính xác, không đúng với hồ sơ cấp phép mà NXB đã cấp ra thì cơ quan công an văn hóa hoàn toàn có thể bắt các đối tượng làm sách giả, sách gian này” - ông Chu Văn Hòa khẳng định.
Về các đầu sách mà độc giả phát hiện, ông Chu Văn Hòa cho rằng nếu độc giả gửi được các đầu sách này về Cục Xuất bản, In và Phát hành để cung cấp chứng cứ, cục phối hợp với các NXB liên quan lập đoàn thanh tra, thẩm định lại tính xác thực của tất cả hồ sơ của từng cuốn. Sau khi cục có kết luận điều tra sẽ chính thức ra thông báo, công bố rộng rãi để cảnh báo tới người đọc, người mua cả nước đừng bị lừa bởi kẻ gian.
Bình luận (0)