“Những bài tập làm văn mẫu 8” (lớp 8) của nhóm tác giả: ThS Trương Thị Hằng - ThS Nguyễn Thị Tuyết Nhung - ThS Đào Thị Thủy - ThS Nguyễn Thị Dậu có phân tích bài thơ “Nhớ rừng” với nhiều đoạn diễn giải ngô nghê.
Hiểu sai ý thơ
Đó là đoạn con hổ hồi tưởng về những tháng ngày tự do:
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật
- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!”...
Nhóm soạn giả đã phân tích như sau: “Đó là những ngày mưa dữ dội như “chuyển bốn phương ngàn” làm núi rừng thay da đổi thịt mà con hổ lặng ngắm sự đổi thay của muôn vật trong niềm hân hoan phấn khởi. Đó là những ngày đầy nguy nan khi sống trong rừng bị con người truy sát, con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết với cảm giác mặt trời chói gắt trên cao, thiêu đốt gan ruột mình. Tất cả những cảnh tượng ấy, mỗi cảnh tượng mang một vẻ riêng, có lúc thật rực rỡ huy hoàng, có khi êm đềm lãng mạn, có khi mạnh mẽ, dữ dội và có lúc đầy kinh hãi lo lắng nhưng đã làm nên cái quá khứ tự do huy hoàng, oanh liệt của con hổ, là thủa con hổ được tung hoành làm chủ núi rừng trong sự vùng vẫy vô cùng khoáng đạt thênh thang”.
Đoạn văn trên với những ý diễn xuôi, câu từ sáo rỗng, dài dằng dặc rất khó chấp nhận (câu cuối dài tới 77 chữ). Đáng trách hơn, các soạn giả đã hiểu câu thơ: “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt” thành “con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết với cảm giác mặt trời chói gắt trên cao, thiêu đốt gan ruột mình” và “Đó là những ngày đầy nguy nan khi sống trong rừng bị con người truy sát”, “đầy kinh hãi lo lắng”?
Có thể khẳng định các thạc sĩ văn học đã hiểu sai hoàn toàn ý thơ của tác giả “Nhớ rừng”. Vì câu thơ trên nằm trong đoạn hồi tưởng “Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa...” của chúa sơn lâm với sức mạnh vô song và quyền uy tuyệt đối: “Ta biết ta chúa tể của muôn loài/ Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi...”, làm gì có chuyện con hổ bị “truy sát”, “đầy kinh hãi lo lắng”?
Là “chúa tể muôn loài” nên
“những đêm vàng bên bờ suối”, những “bình minh cây xanh nắng gội”, “những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn”, “những chiều lênh láng máu sau rừng”..., tất cả thời gian, không gian tự do của “rừng xanh cao cả âm u” ấy đều thuộc về con hổ. Tuy nhiên, khi rừng đêm buông xuống mới là khoảng thời gian sức mạnh ghê gớm của chúa sơn lâm được nhân lên gấp bội: “Trong hang tối mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi”. Bởi vậy, “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt” nghĩa là “ta” (con hổ) đợi tới lúc “mảnh mặt trời gay gắt” ban ngày “tắt” đi, “Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật”; hoàn toàn không phải “con hổ run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết”. Cái tài tình của Thế Lữ ở chỗ ông không viết “đợi tắt” mà là “đợi chết”. Gọi màn đêm buông xuống là mảnh mặt trời “chết” mới đúng là “ngôn ngữ” của vị chúa sơn lâm chứ! Nếu thuở “tung hoành hống hách” giữa “chốn ngàn năm cao cả âm u” mà con hổ vẫn “đầy nguy nan”, “bị con người truy sát”, “run sợ nép vào nơi bí mật đợi chết”, “đầy kinh hãi lo lắng” thì “Nhớ rừng” còn gì giá trị của khao khát tự do nữa. Tự do như vậy, khác gì với tù đày?
Thật tai hại nếu các em học sinh tin vào những phân tích, cảm nhận bài thơ “Nhớ rừng” như vậy.
Tối nghĩa, lủng củng
Ngoài sai sót về kiến thức phổ thông, sách còn có kiểu hành văn nôm na, lủng củng, tối nghĩa. Tình trạng này xuất hiện hầu như trong tất cả các bài làm với nhiều mức độ khác nhau. Chúng tôi nêu một số dẫn chứng:
- “Do đó, những chậu quất thế thường có giá đắt hơn các chậu quất dáng thông có tầm cao tương đương khoảng 3-4 lần”.
Đã dùng “đắt hơn” sao lại còn thêm “có tầm cao” vào? Sao không diễn đạt: “Do đó, những chậu quất thế thường có giá đắt hơn các chậu quất dáng thông khoảng 3-4 lần”?
- “Bởi vậy, người làm cây phải sử dụng thuốc để hãm cho quả chín đều đồng thời với việc dùng dây thép giữ cố định các cành sao cho cây quất im dáng, quả tỏa ra ngoài”.
“Cây quất im dáng” là thế nào? Tối nghĩa!
- “Bố chuyển đơn vị nọ về đơn vị kia rồi lại đi học miết mải”.
Biến “mải miết” thành “miết mải”, ngang phè!
- “Chẳng còn ai châu tuần quanh ông đồ mỗi độ xuân sang”.
Không rõ “châu tuần” là gì?
- “Khi tôi học lớp hai, bố tôi vốn là một sĩ quan quân đội bị thuyên chuyển vào Buôn Ma Thuột công tác. Thế là gia đình tôi phải chuyển vào theo”.
Phục vụ trong quân đội, chuyển nơi công tác sao lại gọi là “bị”?
- “Tiếng chuông lảnh lót vang lên một cách khô khan - thứ âm thanh thực ra không được mấy đứa học trò như tôi lấy làm thích thú”.
Các soạn giả dùng từ “mẫu” cho học sinh mà không hiểu đúng nghĩa của từ. Đã “lảnh lót” sao còn gọi là “một cách khô khan” được?
- “Vịnh Hạ Long - một danh lam nổi tiếng, niềm tự hào của đất nước Việt Nam ta”.
Vịnh Hạ Long không phải “danh lam” (ngôi chùa đẹp có tiếng) mà là thắng cảnh (cảnh đẹp có tiếng) được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
- “Người thợ làm giò pha thịt thành những miếng mỏng, cho vào cối đá, dùng chày gỗ thúc liên tục không nghỉ tay”.
Như vậy gọi là “giã giò” chứ, sao gọi là “thúc” được? “Từ điển tiếng Việt” (New Era, NXB Từ điển Bách khoa, 2013) giải nghĩa “thúc” như sau: “Trộn nước mắm vào giò sống khi giã xong>
- “Những câu đối được viết ra bằng nét chữ thảo bay bướm như rồng bay phượng múa đã thể hiện nét tài hoa của một lớp nghệ sĩ thuở xưa”.
Đã “như rồng bay phượng múa” cần gì phải dùng đến “bay bướm” nữa? Mà lý do gì để gọi các ông Đồ là “một lớp nghệ sĩ”?
Ngoài ra, các bài văn mẫu còn tình trạng viết sai chính tả, trích dẫn sai. Ví dụ “trâu ré” (trâu có vóc dáng nhỏ) lại viết thành “trâu gié”; câu thơ “Dải nước đen giả suối chẳng thông dòng” (bài “Nhớ rừng”) lại viết thành “Rải nước đen...”… Sách đã tái bản lần 2 mà những sai sót như trên vẫn được đem ra làm mẫu cho các em học tập thì quả là kỳ lạ!
Bình luận (0)