xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sân khấu không bột sao gột nên hồ?

Thanh Hiệp

Đời sống sàn diễn bấp bênh, lực lượng sáng tác kịch bản đứng trước nguy cơ buông bút

Hai phần ba nguồn kịch bản cũ được sử dụng lại trong những tháng đầu năm 2016 đã cho thấy sân khấu kịch nói và cải lương đang đứng trước thực trạng khan hiếm kịch bản mới nghiêm trọng. Thực tế cho thấy sân khấu đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tác giả chuyên nghiệp.

Xài cái cũ: Giải pháp tạm thời

Chọn kịch bản cũ để dựng lại và công diễn trong thời gian qua của các sàn diễn sân khấu chỉ là giải pháp tình thế khi nguồn kịch bản ăn khách của sân khấu xã hội hóa đang khan hiếm. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu IDECAF nhấn mạnh: “Trước hết, tên kịch bản cũ đã là thương hiệu, như “Người mua hạnh phúc” của NSND Kim Cương, “Bông hồng cài áo” của Hoàng Khâm - Kim Cương… đã tạo sự chú ý đối với khán giả và họ đã đón nhận nhiệt tình qua 2 tác phẩm dựng mới này của đạo diễn Vũ Minh. Việc chọn lại vở cũ: “Phép lạ” và “Cướp dâu” để tái diễn đầu năm, cũng là 2 vở cũ bảo đảm doanh thu, tạo sự an toàn trong việc tái sản xuất khi có nguồn doanh thu của số lượng khán giả trẻ yêu thích thương hiệu kịch IDECAF. Tuy nhiên theo tôi, đó chỉ là giải pháp tạm thời, mỗi sân khấu xã hội hóa không thể tự đánh mất phương hướng của riêng mình, mà phải tìm nguồn kịch bản để khẳng định phong cách thông qua tác phẩm”.

Với NSƯT Thành Hội, việc Sân khấu Hoàng Thái Thanh chọn 2 kịch bản của cải lương “Nửa đời hương phấn” và “Lan và Điệp” làm mới với sự cảm nhận của xã hội ngày nay cũng là giải pháp an toàn vì nội dung, câu chuyện kịch phần nào quen thuộc với công chúng, “bình cũ rượu mới” cũng có phần thú vị trong cảm nhận của từng khán giả.

Vở “Lan và Điệp” được Sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng mới thu hút sự quan tâm của khán giả yêu kịch. (Ảnh do sân khấu cung cấp)
Vở “Lan và Điệp” được Sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng mới thu hút sự quan tâm của khán giả yêu kịch. (Ảnh do sân khấu cung cấp)

2/3 vở cũ được tái dựng trên các sàn kịch, trong tình trạng sân khấu kịch xã hội hóa đang tụt dốc về mặt doanh thu. Thế nhưng, lượng vé bán ra của mỗi suất diễn tái dựng cũng chỉ nhỉnh hơn các vở mới.

Cuối năm 2015, sân khấu cải lương TP HCM chỉ có vài vở mới được công diễn như: “Chiến binh”, “Cõi thiêng”, “Trạng làm quan”. Để duy trì sàn diễn cải lương, thời gian qua, các đoàn, nhóm sân khấu xã hội hóa đã nỗ lực tái dựng một loạt kịch bản cũ như: “Mộng hoa vương”, “Trà hoa nữ”, “Nửa đời hương phấn”, “Giũ áo bụi đời”, “Tình mẫu tử”, “Xử án Phi Giao”, “Hoàng đế du xuân”, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”...

NSƯT Kim Tử Long nhận định: “Diễn kịch bản cũ đã có thương hiệu rất dễ bán được vé. Nguồn kịch bản mới hiện nay gần như chỉ còn vài người viết nhưng khi dàn dựng khó bán được vé. Do vậy, xài kịch bản cũ là giải pháp an toàn nhưng theo tôi, đó là cách làm thiếu tính đột phá, tiếp tục đẩy sàn diễn cải lương tụt dốc”.

Thiếu đầu tư cho khâu sáng tác

Nhiều người cho rằng các tác giả kịch bản chuyên nghiệp đang bị phim truyền hình dài tập cuốn theo nên bỏ bê kịch bản sân khấu nhưng tác giả Đăng Minh nói: “Theo tôi, đổ lỗi tác giả chạy theo viết kịch bản phim truyền hình, chương trình game show, truyền hình sân khấu thực tế… vì lợi nhuận trước mắt mà buông bỏ sân khấu là chưa đúng. Cuộc sống mưu sinh buộc tác giả phải cứu mình nhưng khi sàn diễn cần thì chúng tôi không thể chối bỏ trách nhiệm”. Cũng theo soạn giả Đăng Minh, trở ngại lớn nhất đối với đội ngũ viết kịch bản là không được phân biệt rạch ròi giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư. Ông đặt vấn đề: “Vì sao cứ đến các mùa liên hoan, hội diễn mới phát động phong trào và đặt hàng viết kịch bản theo một chủ đề, thể tài nào đó, trong khi các tác giả chuyên nghiệp phải thường xuyên cọ xát với cuộc sống, từ đó ngòi bút sẽ thay họ nói lên những điều mà xã hội trăn trở? Vì viết theo phong trào nên tuổi thọ của các vở diễn này không có đời sống trong lòng công chúng”.

Đạo diễn, NSND Huỳnh Nga nhận xét: “Nói kịch bản sân khấu cải lương thiếu cũng không đúng, bằng chứng là trong vòng 3 năm gần đây đã có trên 50 tác phẩm hoàn chỉnh được dàn dựng trên cả nước, trong đó có nhiều vở đoạt giải thưởng trong các đợt liên hoan, hội diễn. Chỉ có điều, các tác giả sân khấu cải lương chưa phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống hôm nay, họ còn ngại ngùng trong việc đưa vào kịch bản những vấn đề mang hơi thở cuộc sống”. Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng nguyên nhân chính là “thiếu sự đầu tư đồng bộ để có nguồn kịch bản cho sân khấu kịch, cải lương. Cứ mạnh ai nấy làm, tác giả gửi kịch bản trong tâm thế cạn kiệt đề tài, sàn diễn nhận nhưng chỉnh sửa, thay đổi tùy tiện, dẫn đến đứa con tinh thần từ bản thảo không còn nguyên vẹn. Vở diễn ra đời, tác giả không nhìn ra đứa con do mình thai nghén, sàn diễn cứ thế rơi vào tình trạng dựng vở chắp vá”.

Đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng phân tích thêm là mức nhuận bút cho tác giả quá thấp, sàn diễn thiếu khán giả, tác quyền mỗi suất của tác giả vì thế càng bị kéo xuống khiến họ buông bút, rời bỏ lãnh địa mà họ đã từng làm chủ.

Theo bà Hồng, nhà nước phải là bà đỡ thực sự để đội ngũ tác giả không rời bỏ công việc sáng tác của mình và điều nguy hại hiện nay là ai cũng có thể là kịch tác gia.

Kỳ tới: Cần quy tụ tác giả giỏi

Hiện nay, TP HCM được đánh giá là “phát triển văn hóa chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của TP lớn nhất nước, chưa thực hiện tốt vai trò nền tảng tinh thần của xã hội, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa còn yếu”. Chính vì vậy, Đại hội Đảng bộ TP HCM lần X đã đề ra chủ trương: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, các giá trị văn hóa mang nét đặc trưng của nhân dân TP, khẩn trương đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa tiêu biểu mang tầm vóc khu vực, tương xứng với lịch sử, vai trò, vị trí của TP, đồng thời phát triển thiết chế văn hóa cơ sở, đầu tư khuyến khích sáng tạo, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, hoạt động văn hóa có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng TP HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình…”.

Nghệ thuật góp phần hình thành nhân cách và giá trị nhân văn. Văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Muốn làm được điều này, tác phẩm sân khấu phải bắt đầu từ khâu sáng tác kịch bản. Không có bột không gột nên hồ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo