Nếu sân khấu cải lương hiển nhiên có một giải thưởng uy tín mang tên Trần Hữu Trang thì sàn diễn kịch nói nhiều năm qua đã xem Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động là một giải thưởng của mình. Trong khuôn khổ bài viết điểm lại những dấu ấn của kịch 2007, tôi chú ý đến những tín hiệu có thể sẽ được khoác lên mình “hào quang” Mai Vàng thông qua tác phẩm sân khấu.
Trong thời hội nhập, sân khấu không thể ù lì, giam mình vào cái vỏ bọc “làm cho có vở” mà doanh thu được đặt lên hàng đầu cùng với sự đổi mới tư duy sáng tạo, tìm đúng chìa khóa để mở cánh cửa sân khấu kịch. Tạo được sự đột phá trong năm 2007, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TPHCM đã được giới chuyên môn đánh giá cao khi từ một sàn diễn vắng khán giả đã bùng nổ những vở diễn gây cơn sốt vé. Tôi quan tâm đến tính đột phá của đạo diễn trong cách dàn dựng và cấu trúc kịch bản, mà Ái Như đã tạo nên dấu lặng thật đẹp qua vở Bàn tay của trời (tác giả Doãn Hoàng Giang) khi cô có cách kể chuyện rất riêng, để vở kịch mang sắc thái dung dị nhưng chứa đựng nhiều tính triết lý về cuộc sống: Chẳng ai có thể thay trời đổi số mệnh khi họ xem nhẹ môi trường giáo dục con cái. Ái Như ngày càng có chiều hướng đi vào tầng sâu thẳm của tư tưởng kịch bản, mượn chuyện xưa, tích cũ để nhắc nhở các bậc phụ huynh ngày nay.
5B có nhiều lứa học trò từ Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM đã thành danh từ diễn viên đến đạo diễn. Năm nay có một cậu học trò đã từng bỏ thi tốt nghiệp vì gia cảnh khó khăn, song lại âm thầm làm nên chuyện, đó là Nguyễn Lâm. Lâm có hai vở: Kính thưa osin (tác giả Nguyễn Kháng Chiến, Huỳnh Dũng Nhân) và Đôi mắt của biển (tác giả Kim Oanh). Về cấu trúc, Lâm chưa điêu luyện nhưng ý tứ cho mỗi tình huống, Lâm là người có ưu điểm. Vé của vở Đôi mắt của biển thường bán rất nhanh không chỉ nhờ có Tấn Beo, Tấn Hoàng mà một phần có bàn tay đạo diễn chắc gọn của Lâm. Thanh Hoàng xuất hiện trở lại với vai trò “3 trong 1”: tác giả, đạo diễn, diễn viên vở Cha yêu, nhưng lại có cách kể chuyện khá thú vị, làm mới hơn hình ảnh kẻ moi tiền anh trai mình ở Mỹ thông qua các tình huống xúc động. Thanh Hoàng còn có vở Thời email diễn trong dịp Tết cũng do anh sáng tác và dàn dựng.
Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc. Ảnh: N.Hữu |
Kịch IDECAF năm nay có 7 vở, trong đó có hai vở kịch thiếu nhi: Sơn Tinh – Thủy Tinh, Hoàng tử Ai Cập. Trong năm vở dành cho người lớn: Pháp sư xuống núi (tác giả Phạm Hữu Thông, đạo diễn Hùng Lâm), Thằng Bợm có cái đầu to (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Vũ Minh), Cưới vợ cho ai (tác giả Phạm Hữu Thông, đạo diễn Tuấn Khôi), Con ma nhà hát (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn - NSƯT Thành Lộc) và Bí mật vườn Lệ Chi (tái dựng của tác giả Hoàng Hữu Đản, đạo diễn - NSƯT Thành Lộc), tôi đánh giá cao hai vở Con ma nhà hát và Bí mật vườn Lệ Chi của Thành Lộc ở tư cách đạo diễn. Trong sự nghiệp nghệ thuật của Lộc, dường như anh chỉ dàn dựng những kịch bản làm anh thú vị. Do đó, Lộc dựng ít nhưng vở nào cũng hay. Con ma nhà hát thật sự là tác phẩm phản ánh đời sống sàn diễn trong cơ chế hội nhập, mọi thứ tanh tưởi, dở hơi đều có thể là “con ma” ám ảnh nhà hát. Bí mật vườn Lệ Chi được dàn dựng lại sang trọng, quyến rũ, toát lên vẻ đẹp thanh cao của sân khấu lịch sử - ngưỡng cửa mà rất ít sân khấu dám chạm chân đến vì nhiều nguyên nhân.
Các vở kịch được công chúng đón nhận - Sân khấu IDECAF: Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả Hoàng Hữu Đãn, đạo diễn - NSƯT Thành Lộc), Con ma nhà hát (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn - NSƯT Thành Lộc). - Sân khấu Kịch Phú Nhuận: Kẻ quấy rối (tác giả và đạo diễn Đức Thịnh). - Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM: Bàn tay của trời (tác giả Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như), Cha yêu (tác giả - đạo diễn Thanh Hoàng), Đôi mắt của biển (tác giả Kim Oanh, đạo diễn Nguyễn Lâm). - Sân khấu Kịch Sài Gòn: Quỷ (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu), Đến với tôi (tác giả Thanh Hoàng, đạo diễn Hữu Nghĩa). - Nhà hát Kịch TPHCM: Chuyện miệt đồng (tác giả - đạo diễn Trung Dân), Thi ơi là thi (tác giả Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn Hoàng Duẩn). - Sân khấu Nụ cười mới: Người nhà quê (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu), Siêu trộm (tác giả nước ngoài, đạo diễn Quốc Thuận). |
Những dấu ấn trên sân khấu hài Trong khi các sàn kịch đang ngả về hướng dàn dựng kịch bi hài xen kẽ, thì Kịch Sài Gòn vẫn ưu tiên dàn dựng các vở náo kịch châm biếm. Năm nay, Hữu Nghĩa dàn dựng 3 vở: Chọn mặt gửi vàng (tác giả Vương Huyền Cơ), Đến với tôi (tác giả Thanh Hoàng) và Chuyên gia tình yêu (tác giả Khưu Ngọc). Nghĩa học đạo diễn điện ảnh nhưng mắc nợ với sân khấu hài, do đó sau khi tốt nghiệp, anh mạnh tay dàn dựng kịch hơn là phim. Vở của Nghĩa dí dỏm, tươi tắn, nội dung nhẹ nhàng. Vở Quỷ (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu) là một câu chuyện kinh dị dưới hình thức nỗi ám ảnh vì làm chuyện ác. Cách kể chuyện và dàn dựng của Giàu làm người xem hú lên từng chập vì sợ nhưng lại cười khoái chí bởi cái gu “cười châm biếm” của Kịch Sài Gòn. Quỷ đã gây cơn sốt vé suốt mấy tháng qua và là vở “đinh” của sàn diễn này suốt tuần. Sân khấu Nụ cười mới chỉ hơn một năm thành lập đã có 4 vở: Ra giêng anh cưới em, Người nhà quê, Võ Việt Đường, Siêu trộm. Sân khấu này dám tiếp nhận rạp Măng Non để diễn hài kịch. Dám đưa vở dài ra sân khấu Trống Đồng và mang sang tận Mỹ lưu diễn. Hoài Linh, Hữu Lộc đang từng bước tạo dựng thương hiệu Nụ cười mới với sức bật mới. |
Bình luận (0)