Đó là niềm vinh dự của thí sinh Việt Nam khi tại các đấu trường nhan sắc có tiếng của thế giới lâu nay, chúng ta chưa từng thắng giải, dù là giải phụ. Chiến thắng của bộ trang phục dân tộc này lại làm dấy lên những tranh luận mà trước đó, nó từng gây tranh cãi trong giới chuyên môn và công chúng vì quá nặng, cầu kỳ, thậm chí xa lạ.
Với phần đông người Việt, trang phục dân tộc phù hợp nhất cho các người đẹp “đem chuông đi đánh xứ người” phải là áo dài nền nã. Sự phá cách nếu có chỉ cũng chỉ là thêm thắt những chi tiết để chiếc áo dài trở nên cầu kỳ, lộng lẫy hơn. Vậy nên, bộ trang phục “Sen vàng Việt Nam” nặng 45 kg và dài 3,5 m do nhà thiết kế Lê Long Dũng thực hiện - lấy cảm hứng từ sự mạnh mẽ của cha Lạc Long Quân và sự thanh thoát của mẹ Âu Cơ theo truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” - khiến công chúng thấy “choáng” bởi sự rườm rà, nặng nề và đặc biệt là không phù hợp với góc nhìn mỹ thuật của người Việt.
Tranh luận của công chúng dù theo chiều hướng nào cũng đều có lý. Tuy vậy, quan niệm “cứ trang phục dân tộc là phải áo dài, áo tứ thân” lại quá cứng nhắc. Áo dài Việt Nam rất đẹp, không chỉ với người Việt mà còn với cả thế giới. Thế nhưng, không ít hoa hậu Việt đã mang áo dài đến tranh giải ở các đấu trường nhan sắc quốc tế và chưa lần nào gây ấn tượng cho các ban giám khảo khi trình diễn trên sân khấu.
Vậy tại sao chúng ta không được làm khác đi trang phục dân tộc để đáp ứng yêu cần trình diễn trên sân khấu tại các cuộc thi nhan sắc? Yếu tố truyền thống ở cuộc thi nhan sắc không phải đem nguyên xi bộ quốc phục lên sân khấu mà phải cho thấy sự sáng tạo của nhà thiết kế dựa trên những giá trị truyền thống.
Nhiều bộ trang phục truyền thống của người đẹp các nước trên sân khấu những cuộc thi nhan sắc được thiết kế màu sắc đến mức ngoài sức tưởng tượng. Thậm chí, không ai nghĩ những bộ trang phục biến tấu từ bikini của nhiều thí sinh lại là trang phục truyền thống của đất nước họ. Các bộ trang phục ấy đều là sản phẩm sáng tạo được triển khai dựa trên một vài yếu tố dân tộc, truyền thống sẵn có. Điều đó hoàn toàn hợp lệ và được khuyến khích khi mục đích cuối cùng của phần trình diễn là tạo được ấn tượng với người xem.
Hình ảnh hoa sen kết hợp với hình tượng từ truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ của chiếc áo mang tên “Sen vàng Việt Nam” là sự sáng tạo của Lê Long Dũng. Bộ trang phục dân tộc sáng tạo này đã gây ấn tượng với ban giám khảo, mang về cho thí sinh giải nhất phần thi Trang phục dân tộc nhưng với tâm thức người Việt, nó vẫn là xa lạ.
Ở sân chơi mà tiêu chí đòi hỏi người tham gia phải sáng tạo, gây ấn tượng, việc tạo ra bộ trang phục đáp ứng tiêu chí ấy, mang về thành tích cao nhất là điều đáng ghi nhận. Nếu cứ giữ mãi tư duy trang phục dân tộc “phải là bộ trang phục truyền thống phổ thông” như lâu nay thì có lẽ sẽ khó lòng đoạt giải ở các sân chơi nhan sắc quốc tế.
Bình luận (0)