Thuở lên mười, tôi nghĩ đằng dưới là một thủy thần đầy bùa phép, hễ đợi lúc thấy những cô gái tắm sông một mình sẽ trồi lên cuốn linh hồn cô về dưới đáy sông bậu bạn cùng hắn.
Tuổi chín mười, trong mắt tôi chưa có ác mộng về hôn nhân và tôi nghĩ chuyện tình Hà Bá cướp mỹ nhân có thể đó là một cuộc tình đẹp. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng tôi vẫn sợ mắc vòng vây đằng dưới. Tôi không dám tắm lúc tối trời, không dám làm rơi rớt áo quần khi giặt giũ dưới bến sông.
Nghe có vẻ trong tâm trí tôi con nước là một thứ gì đó muôn đời bí ẩn và đáng sợ. Nhưng không phải, mỗi chiều tôi ôm ống tre khô ào xuống nước, rồi hai ba đứa bạn cùng lứa ngồi trên khúc tre bơi ra giữa sông hò hét bái bai những người đứng trên bờ. Người lớn hoảng hồn trước những lời nói gở nên la ỏm tỏi. Chúng tôi cứ bơi về nơi xa nhất của dòng sông, có nhiều đứa bơi hẳn qua bờ Cồn Tiên bẻ vài nhánh điên điển đem về làm bằng chứng. Lúc đó, trong tâm trí chúng tôi không có Hà Bá.
Tới một ngày, bãi cát xóm Cây Dương xứ tôi sụp từng mảng lớn. Nguyên một xóm dài quần tụ mấy trăm năm bên bờ sông Hậu lần lượt chìm vào đáy nước. Anh thợ lặn chà lâu năm cũng bị mất nguyên một đống chà và dàn lưới ngay mùa thu hoạch cá. Anh đã ngậm ống hơi mò xuống đáy sông. Ở đó, anh thấy một người mặt xanh ngồi dỡ lưới cho đàn cá thoát thân và dưới đó là một cái hang lớn mênh mông và sâu hun hút. Sau ngày ấy, bãi cát dài trên bến sạt lở không ngừng và dòng nước cũng chảy bất thường hơn. Tôi tin những gì anh thợ lặn chà nói. Những người làm nghề cá không bao giờ đem Hà Bá nói chơi. Tôi lúc đó buồn vì mất xóm, sợ những thất thường và hiếu kỳ về Hà Bá. Sao nhất định Hà Bá phải là đàn ông? Nội nói có thể đó là linh hồn của những người làm nghề sông nước. Họ luôn là đàn ông và họ cũng đang cần vợ. Nỗi sợ con bị mắc đằng dưới của những bà mẹ có con gái hình như có cơ sở. Và nỗi sợ đó lây qua tất cả bọn tôi dù chúng tôi cứ lặn hụp dưới nước mỗi ngày. Sông như người bạn lớn, vừa gần gũi vừa vô cùng khó hiểu. Dẫu thế nào nó cũng là niềm vui của những đứa con nít quê tôi.
Chúng tôi vui với con nước trong veo mùa hạn và trông chờ con nước đổ mùa mưa.
THÁNG BẢY. Lúc nội cúng giựt vàng, tôi vừa ngồi nhìn đám con nít giành giật xôi chè mía chuối vừa nghe xôn xao theo con nước bò qua đường, tràn vào sân. Chỉ một đêm sau, nước đã trắng dưới sàn. Tôi mọp người nhìn qua kẽ ván lót sàn nhà, nhìn màu nước đùng đục trăng trắng ngập chân cột, bụng nhướng nháy cười thầm. Chào người bạn cũ! Dễ có hơn sáu tháng trời tôi mới gặp lại bạn. Bạn vẫn như năm ngoái, như năm kia và đúng hẹn lại về.
Bạn vẫn vậy thôi. Mỗi ngày bạn bò lên hai ba tấc. Rồi một đêm nào đó bạn bò cả lên giường, lên sàn bếp nhà tôi. Giường được kê lên, ông Táo được kê lên. Mỗi ngày ngồi ăn cơm, ngồi học bài nghe “chủm” một cái biết là có một món gì đó trong nhà bị gió nước lên hất tung rơi vào lòng bạn, trôi tuốt ra sông và không bao giờ trở lại. Đi mua gói trà hay miếng cau giải cơn ghiền trầu của nội, tôi phải băng mình qua những con nước cuộn ào ạt từ đồng ra sông. Con nước mênh mông, con nước không bờ. Con nước lụt dai dẳng mỏi mòn. Xung quanh chỗ nào cũng nước. Hơi thở tràn vào lồng ngực cũng ngập mùi nước. Bàn chân tôi nước ăn lở lói, cả người tôi thấm đẫm nước bởi có quá nhiều duyên cớ để tôi phải dầm nước suốt ngày. Con sông lúc đó lớn, lớn như vô tận. Khi ấy, tôi ngủ trên mặt nước. Không biết là trong lúc tôi ngủ liệu lão Hà Bá có bò theo nước vào tận nhà tôi, vói bàn tay lạnh ngắt vén mùng kéo chân tôi về phía nước? Hình như không có, hay do tôi luôn ngủ say quá chẳng thấy gì, hay do lão ngán những đứa trẻ thuộc lòng sông nước như tôi?
Lúc đó tôi không sợ lão, thậm chí đã quên lão. Tôi chỉ thấy nước quá trời quen thuộc, quá lạnh và tôi ngán quá rồi người bạn nước mà tôi rất đỗi trông chờ.
TÔI CHÁN BẠN GHÊ NƠI. Tôi trông chờ ngày bạn nói lời từ biệt. Để tôi háo hức nhìn lớp bùn non lộ dần trên con đường mòn bên hiên nhà. Bạn sẽ rút lui thật nhanh để lại những ngày khô ráo, để lại con đường mòn mịn màng cát hồng tơi xốp. Tôi có thể chạy bộ trên con đường đó, chơi năm mười, chơi u, chơi tán hưng thay vì cứ lặn hụp lạnh cóng suốt ngày. Tôi đang mong bạn rút mau mau. Tôi đang mong được nhìn thấy bạn lùi sâu dưới lòng sông và trong vắt ở đó chờ mùa giáp Tết có mấy cô gái giặt mùng mền.
Rồi bạn đi thật, đi nhẹ nhàng trong tâm trạng háo hức của tôi. Tôi nghĩ là niềm vui này sẽ kéo dài cho tới ngày tôi lại thấy nhớ, lại nôn nao đón chờ ngày bạn trở lại. Tôi không hề biết là mãi mãi bạn không về.
Vì những đập thủy điện đầu nguồn hay phía biên giới dọc ngang những dòng kinh thẳng tắp thoát nước biển Tây mà bạn không về nữa. Có những cuộc hò hét gọi bạn về giống như từng có những cuộc hò hét đuổi bạn đi. Kiểu gì bạn vẫn không về.
Con đường mòn sau nhà mãi mãi hạn. Cát dậy lên như một bờ sa mạc.
Mãi mãi bạn không về. Bạn và xứ sở bí ẩn của Hà Bá lùi vào nơi xa lắc dưới đáy sông. Cuộc sống vẫn trôi. Ngày ngày tắm giặt nấu nướng bằng nước máy, tôi nhanh chóng quên mình đang cận kề bên bạn. Tôi nhìn thấy bạn qua miệng máy bơm, qua miệng máy mô-tơ hay qua những vòi nước trong nhà. Lâu lâu ngồi chờ phà cho những chuyến đi xa, tôi lại có dịp nhìn bạn chầm chậm trong đôi mắt nôn nóng đợi phà. Rồi sẽ tới ngày những chiếc phà qua Vàm Cống qua Châu Giang được thay thế bằng cầu. Tôi sẽ băng qua bạn bằng một con đường nhựa trải trên những cây cầu dây cao tuốt ngọn cây. Bạn ở dưới gầm cầu hay bạn ở dưới lòng đường. Bạn chảy một chiều, lặng lờ và trên cao là những dòng chảy ngược xuôi, ầm ì của xe cộ máy móc. Bạn lạc lõng hay là xa lắc.
TÔI VẪN VIẾT VỀ BẠN. Tôi nhìn sông, nhìn bạn bằng tâm thức, bằng một hình dung đầy đặn dù tôi không thường nhìn thấy bạn. Trong những ngày bị tổn thương vùi dập, tôi đã thả tưởng tượng mình trôi dập dềnh theo những nhánh sông, để tôi hỏi: nước đưa lục bình về những bến bờ nào, dọc theo sông hay trôi về biển lớn rồi héo sầu trong làn nước mặn? Lạ. Lúc đó, thay vì theo dọc con sông để về nơi tận cùng của kiếp héo sầu, tôi lại đi dọc dòng chảy tháng năm để tìm về ngày mới cho phận nước, phận sông. Bởi đâu đó trong tôi vang lên câu thành ngữ quen thuộc: “sông có khúc, người có lúc”. Điểm tựa của hy vọng nó không mong manh nhưng nó cứ lênh đênh chìm nổi. Nhưng với hy vọng lững lờ đó, tôi đã bước những bước vững vàng.
Sông có khúc... Khúc này, khúc của hôm nay nó không còn là khúc của những ngày xưa. Sông của ngày xưa đã ra đi từ những ngày không còn mùa nước nổi. Rồi, sông của ngày mai cũng không còn y như sông của bây giờ.
Có lẽ, lão Hà Bá ngàn tuổi cũng đang ngồi chống cằm rầu rĩ nhớ về câu “người có lúc”. Phải chăng lão đang tự hỏi: Bí ẩn đời ta liệu có còn không? Ta sẽ về đâu, ra biển về trời hay xây nhà trên những dòng sông cạn?
Bình luận (0)