Kết thúc lễ trao giải Grammy lần thứ 59 (diễn ra vào ngày 12-2 tại sân khấu Staples Center, Los Angeles-Mỹ), “sự cố ở lễ trao giải Grammy lần thứ 59” trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng. Các phương tiện truyền thông phương Tây lao vào phân tích, lý giải những sự cố này một cách nhiệt tình khiến dư âm của lễ trao giải Grammy 59 càng “nóng” hơn.
Nhiều người không tin rằng Adele đã không thể hát một cách trọn vẹn ca khúc “Fastlove” đành xin phép khán giả cho hát lại từ đầu trong màn biểu diễn tri ân nam ca sĩ George Michael của ban nhạc Wham! - vừa đột tử vào cuối năm ngoái - vì quá xúc động. Khi lên sân khấu nhận giải thưởng, Adele đã xin lỗi một lần nữa về sự cố này và cho biết cô không muốn hát sai lời trong một tiết mục tri ân George Michael. Ngay khi đề nghị được hát lại, Adele đã nói rằng: “Tôi không thể mắc phải sai lầm một lần nữa, như năm ngoái”.
Có nhiều nhận định cho rằng Adele làm trò. Đây không phải lần đầu Adele gặp sự cố với giọng hát của mình trên sân khấu Grammy. Ở lễ trao giải Grammy lần thứ 58, Adele đã có một phần biểu diễn rất tệ ca khúc “All I Ask” (ca khúc mới nằm trong album “25” của Adele phát hành sau đó 1 năm), giọng hát bị mất phong độ trầm trọng. Khán giả đổ lỗi cho hệ thống âm thanh của chương trình còn Adele tâm sự rằng cô cảm thấy tiết mục của mình rất tệ hại. Trong một cuộc trò chuyện tại “The Ellen DeGeneres Show”, Adele khẳng định: “Lần sau nếu bộ phận âm thanh có vấn đề thì tôi sẽ dừng hát. Tôi sẽ làm ra vẻ như “xin lỗi, tôi không thấy ổn chút nào. Nếu có thời gian thì bắt đầu lại được không, còn nếu không được thì tạm biệt nhé”.
Trên thực tế, 2016 là một năm quá đỗi thành công của Adele. Album “25” trở thành album bán chạy nhất thế giới và còn mang về cho cô các giải thưởng. Như vậy, “sự cố Grammy mang tên “All I Ask” chính là bài toán quảng bá tài tình cho sự thành công vang dội của album “25” và lần này cũng có thể coi là như thế” - tờ Los Angeles Times bình luận.
“Hơn cả một ca sĩ, tố chất đó đã giúp cho Adele trở thành ngôi sao lớn nhất của thị trường âm nhạc thế giới. Ở thời điểm có quá nhiều ngôi sao như hiện tại, một chiến lược phát triển vừa cẩn thận nhưng cũng mạnh mẽ và khác biệt là điều kiện cần thiết, để một ngôi sao tiếp cận với khán giả của họ. Không bóng bẩy như Taylor Swift, ít xảo quyệt hơn Katy Perry, không tỏ ra trí tuệ và tham vọng như Beyoncé, con đường của Adele nhẹ nhàng hơn, gần gũi và cũng hiệu quả hơn” - Los Angeles Times bình luận thêm. Theo Billboard, cái cách của Adele là “một chút vụng về dưới ánh đèn sân khấu, một chút hoảng loạn cùng với biểu cảm chân thành, Adele đã đạt được mục đích làm sâu sắc thêm ý nghĩa, giá trị kết nối giữa âm nhạc của cô với người nghe”.
Bản thân MC của lễ trao giải James Corden cũng thốt lên trong một cuộc phỏng vấn: “Cô ấy (Adele) thay tôi làm chủ sân khấu ấy với tiết mục chưa đầy 5 phút của mình. Ai trong hàng triệu khán giả có thể bỏ qua phần trình diễn của Adele với một câu chuyện dẫn dắt không thể hoàn hảo hơn như thế? Hẳn không ai khác có thể tạo nên ấn tượng mạnh mẽ cho ca khúc “Fastlove” - ngoại trừ Adele”.
Báo chí phương Tây nhận định rằng ở một chương trình chuyên nghiệp như Grammy, sự cố micro trục trặc kéo dài nhiều phút trong phần biểu diễn của James Hetfield (thành viên ban nhạc huyền thoại Metallic) khiến ông quăng đàn, đạp đổ chân micro ngay trên sân khấu đã rất khó tin là dàn dựng thì sự cố của Adele càng khó tin gấp bội phần. Ai có thể nghi ngờ khi Adele xin lỗi khán giả và Giám đốc sản xuất chương trình trao giải Grammy 59, Ken Ehrlich, rất chân thành qua biểu cảm của cô? Điều mọi người có thể thấy là Adele đã hát ca khúc của mình 2 lần trên sóng truyền hình trực tiếp. Tiết mục của cô được nhắc đến nhiều nhất ở trong một chương trình có quá nhiều tiết mục biểu diễn xuất sắc. Ngôi sao Kelsea Ballerini nói rằng: “Những phân tích về kế hoạch của Adele không hề là giả định. Nói một cách khác, Grammy là một không gian an toàn để Adele quảng bá sản phẩm mới của mình. Cô ấy đã từng gặt hái thành công từ mớ lộn xộn mà cô ấy tạo nên trên sân khấu Grammy, lần này cũng không ngoại lệ”.
Bình luận (0)