Một cán bộ Phòng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TPHCM cho biết Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa không chỉ cấp phép biểu diễn cho chương trình biểu diễn của ca sĩ Chế Linh có nhiều bài hát chưa được phép công diễn, thậm chí thuộc diện cấm phổ biến, giấy phép của sở này cấp cho chương trình biểu diễn của ca sĩ Quang Lê cũng có nhiều bài hát chưa được phép phổ biến và bài hát thuộc diện cấm lưu hành.
Không được phổ biến
Tất nhiên, những sai sót này đã được điều chỉnh ngay sau khi được phát hiện nhưng cho thấy tình trạng mù mờ của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành ở các địa phương trong việc xác định bài hát được hay chưa được phép lưu hành.
bị phát hiện có nhiều ca khúc chưa được phép hát. Ảnh: C.T.V
Theo một chuyên viên của Sở VH-TT-DL Hà Nội, nhiều ca khúc sáng tác tại miền Nam trước năm 1975 đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép nhưng không cập nhật danh sách này cho sở nên khi các công ty tổ chức biểu diễn xin giấy phép biểu diễn thì sở không thể cấp phép hoặc nếu có cấp thì phải cẩn thận và có công văn gửi sang Cục Nghệ thuật Biểu diễn yêu cầu xác minh những ca khúc này đã được cấp phép phổ biến chưa. Điều này không chỉ mất thời gian mà còn khiến các đơn vị xin cấp phép cho là sở gây khó khăn.
Phòng Quản lý nghệ thuật thuộc Sở VH-TT-DL TPHCM đã rất khó khăn để cập nhật vào hồ sơ quản lý của mình tên bài hát đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho phép phổ biến vì không nhận được văn bản từ cục này. Việc cập nhật chủ yếu dựa vào giấy phép mà các đơn vị tổ chức biểu diễn hay sản xuất băng đĩa nhạc xin được từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn trình ra khi họ đến nộp hồ sơ xin phép sản xuất băng đĩa nhạc hay giấy phép công diễn chương trình trên sân khấu.
Theo Cục Nghệ thuật Biểu diễn, tổng số ca khúc đã được cơ quan này cấp phép phổ biến lên tới hàng ngàn. Tuy nhiên, con số ca khúc này đã không được Cục Nghệ thuật Biểu diễn phổ biến công khai một cách rộng rãi và đầy đủ khiến không chỉ các nhà sản xuất, công ty tổ chức biểu diễn lẫn nghệ sĩ gặp không ít phiền toái trong việc sử dụng biểu diễn và xin phép sản xuất chương trình mà còn bó tay các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành ở các địa phương trong việc cấp phép biểu diễn và sản xuất chương trình ca nhạc, kể cả công tác kiểm tra, giám sát.
“Đây là một thiếu sót cần sớm thay đổi để tiện lợi không chỉ cho chúng tôi mà cho cả các nghệ sĩ, họ rất khổ khi phải đụng đến các thủ tục hành chính” - một chuyên viên của Sở VH-TT-DL TP Hà Nội nói.
Phức tạp hóa vấn đề
Trên thực tế, quy trình cấp phép phổ biến ca khúc hiện nay khiến không ít nhà sản xuất và nghệ sĩ đau đầu, nói theo cách của một nhà tổ chức tại Hà Nội là “phức tạp hóa vấn đề”. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 2-11, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết để các ca khúc sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam được cấp phép phổ biến, đơn vị xin cấp phép phải có công văn đề nghị, có bài hát (bản nhạc và ca từ) cùng đĩa demo và xác nhận của tác giả về bản quyền. Trong vòng 10 ngày nhận được hồ sơ, cục sẽ cấp phép hoặc thông báo không cấp đối với các ca khúc được yêu cầu cấp phép.
Như đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết cục chỉ cấp phép từng trường hợp cụ thể và chỉ trả lời cho các đơn vị có yêu cầu cấp phép nên các hãng sản xuất băng đĩa, công ty tổ chức biểu diễn khác không biết ca khúc nào đã được phép phổ biến. Chính vì không có thông tin nên khi bắt tay vào sản xuất chương trình, các đơn vị buộc phải làm thủ tục xin cấp phép từ đầu với cả những ca khúc từng được cấp phép phổ biến.
Có nhiều ý kiến cho rằng cách làm của Cục Nghệ thuật Biểu diễn là chỉ xem xét những ca khúc cụ thể khi có hồ sơ xin phép phổ biến như lâu nay đã làm cho nhiều ca khúc nhạc xưa có giá trị bị rơi vào tình trạng phổ biến không hợp pháp vì chưa có ai chịu làm hồ sơ xin cấp phép phổ biến.
Cũng có ý kiến đề nghị Bộ VH-TT-DL chỉ cần công khai danh sách các bài hát cấm phổ biến, như thế sẽ tiện lợi hơn cho người sử dụng và cho công tác quản lý. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi Cục Nghệ thuật Biểu diễn phải rà soát kỹ lưỡng để tránh bỏ sót. Và để không phải chịu trách nhiệm bỏ sót, Cục Nghệ thuật Biểu diễn vẫn chọn cách làm an toàn nhất cho mình như hiện nay là xét duyệt cấp phép biểu diễn cho từng ca khúc khi có hồ sơ xin.
Có bao nhiêu ca khúc đã được phép lưu hành? Đó là câu hỏi mà không cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành nào từ Trung ương đến địa phương có thể trả lời chính xác.
Công khai danh sách: Còn lâu! Trước ý kiến cho rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nên công khai một cách rộng rãi những ca khúc đã được cấp phép, đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng cục này đã rất công khai theo quy định tại thông báo số 5 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) ban hành từ năm 1995. Theo đó, cục đã gửi danh sách các ca khúc được phổ biến cho các sở VH-TT-DL. Tuy nhiên, trên thực tế, như đại diện của Sở VH-TT-DL TP Hà Nội, cho biết họ không hề nhận được danh sách này mà phải đi thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Không phải đến thời điểm này, vấn đề thành lập trang web cập nhật danh mục các ca khúc được phép phổ biến mới được đặt ra. Được biết, cách đây vài năm, kế hoạch thực hiện website này đã được đưa ra nhưng không hiểu vì lý do gì không được thực hiện. Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cũng thừa nhận cần phải cập nhật danh sách bài hát được phép phổ biến lên website cho tiện lợi vì cách làm như hiện nay rất mất công. Tuy nhiên, khi được hỏi về tiến độ thực hiện công khai danh sách này trên trang web, ông Biên lại cho rằng chưa thể nói cụ thể khi nào. |
Bình luận (0)