“Ra ngõ gặp nhà thơ”, câu nói này hoàn toàn chính xác. Từ xưa đến nay, người Việt rất yêu thơ. Thậm chí, vài năm trở lại đây, một quan chức trong Hội Nhà văn Việt Nam còn mạnh miệng tuyên bố: “Việt Nam là một cường quốc về thơ” (!?).
Từ năm 2003, theo sáng kiến của Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày thơ Việt Nam ra đời, chính thức chọn ngày rằm tháng giêng hằng năm để tổ chức đồng loạt trong cả nước. Theo tài liệu của Ban Tổ chức Ngày thơ Việt Nam, bấy giờ tại Văn Miếu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được long trọng kéo lá cờ thơ vẽ hình biểu tượng chim lạc mang chữ thơ bay lên, mở đầu lễ hội thơ cho Ngày thơ Việt Nam.
Từ đó đến nay, có thể ghi nhận các hình thức liên quan đến trình diễn thơ đã được thể hiện như sau: bình thơ, đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ, hội thảo thơ, múa cờ thơ, gian hàng triển lãm thơ, viết, thư pháp thơ, viết thơ treo vào bong bóng thả lên trời… Địa điểm tổ chức thơ tùy mỗi địa phương, không cố định. Chẳng hạn tại TP HCM, có lúc ngày thơ tổ chức ở Cung Văn hóa Lao động, Thảo Cầm Viên; có khi diễn ra tại trụ sở Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP...
Thoáng đó đã ngót 15 năm rồi. Đến nay, Ngày thơ Việt Nam đã có nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Dù là người từng tham gia và có chân trong ban tổ chức của ngày thơ tại TP HCM nhưng tôi thành thật nói rằng: Sân chơi tao nhã này cho đến nay vẫn chưa thể thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Công chúng hoàn toàn không quan tâm gì đến “ngày hội” của những con người đã và đang sống trong tâm thế thi nhân, thi sĩ rất cần thiết trong cõi nhân sinh bụi bặm này. Tuy nhiên, nếu câu thơ chúng ta viết ra lại không va chạm gì đến thời cuộc, đến nỗi âu lo canh cánh mỗi ngày trong từng chân tơ kẽ tóc, từng góc khuất tâm hồn của chúng sinh thì chỉ là gió thoảng ngoài tai, mây trôi, sóng vỗ...
Không phải công chúng hôm nay đã khác trước. Tôi nghĩ bất kỳ thời đại nào, công chúng cũng cần có, đọc/nghe những câu thơ nói hộ nỗi lòng của họ. Đời sống có quá nhiều biến động, nhiều sự quan tâm thiết thực từ trong suy tư về miếng cơm manh áo, về môi trường, niềm tin… thì thơ hiện nay đứng ở nơi chốn nào? Liệu chừng các nhà thơ có đồng hành với công chúng hay chỉ “ngứa cổ hót chơi”?
Nếu không giải quyết rốt ráo câu hỏi trên, tôi quả quyết rằng mọi hình thức đang diễn ra của Ngày thơ Việt Nam như hiện nay chỉ là “bữa tiệc” của một nhóm người cùng sở thích, cùng ngồi lại tâm tình, trò chuyện về nghề và chỉ gói gọn trong phạm vi đó. Rồi sau một ngày tổ chức, mọi việc lại đâu vào đấy như chưa hề có chuyện gì đã xảy ra. Công chúng không quan tâm gì đến, nếu có chăng cũng chỉ là cuộc dừng chân ngắm nghía trong thoáng chốc.
Đôi lúc, chúng ta phải cay đắng thừa nhận điều này.
Bấy lâu nay, tôi biết các anh chị trong ban tổ chức ở từng địa phương, hễ đến Ngày thơ Việt Nam lại lo sốt vó về cách nỗ lực tìm tòi, đổi mới hình thức nhiều hơn nữa nhưng rồi lại bất lực. Với thể loại thơ, khó lắm! Không thể nào lặp lại kỷ lục bán tập thơ giấy dó với giá gần nửa tỉ bạc để lấy tiền ủng hộ trẻ em nhiễm chất độc da cam mà Hội Nhà văn TP HCM đã thực hiện vào Ngày thơ Việt Nam năm 2007. Trước đây, hình thức chọn thơ chép lên giấy rồi đính vào hàng trăm cái bong bóng thả lên trời được xem là sáng tạo, nay lại bị chê trách lãng phí, phù phiếm…
Tôi nghĩ rằng ý nghĩa đích thực nhất của Ngày thơ Việt Nam tổ chức vào mỗi rằm tháng giêng là lúc nhà thơ lại suy nghĩ: Làm thế nào để công chúng yêu thơ đồng hành cùng nhà thơ? Nếu không, sân chơi ấy chỉ là “ốc đảo” của một nhóm người làm thơ mà thôi.
Câu trả lời của tôi từ Ngày thơ Việt Nam những năm trước đến nay và mãi sau này vẫn là: “Ẩn số ấy, tôi hỏi tôi dằn vặt/ Hồn vía thơ ở đâu trong chín cõi vô hình?/ Mỗi con chữ trổ bông trên cánh đồng chữ nghĩa/ Là khi tôi dám thanh lọc máu mình/ Giọt máu ấy tượng hình như hòn lửa/ Thấu thị buồn vui không riêng chỉ một người/ Mai sau nữa trên đường dài vạn dặm/ Sứ mệnh của thơ không cách biệt với đời”.
Bình luận (0)