Hai bộ phim thể loại hình sự "Người phán xử", "Hồ sơ lửa" đang thu hút đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ. Điểm làm nên sức hấp dẫn của các phim hình sự này đa phần không tập trung nhiều vào hình tượng công an như lối làm truyền thống mà chủ yếu khai thác cuộc sống của các nhân vật phản diện, giới giang hồ.
Đổi mới tư duy
Dòng phim hình sự Việt mở đầu với loạt phim "Cảnh sát hình sự" được Hãng phim Truyền hình Việt Nam (về sau là Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam - VFC - thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) phối hợp sản xuất từ năm 1997 đến nay. Loạt phim này có gần 40 bộ phim nhưng tạo ấn tượng nhất với khán giả chỉ có "Cảnh sát đặc nhiệm", "Chạy án", "Đột kích", "Bí mật Tam giác vàng", "Mạch ngầm vùng biên ải" và mới nhất là "Người phán xử".
Một cảnh trong phim “Hồ sơ lửa”
Nhiều phim cùng chủ đề nhưng do đơn vị khác sản xuất và phát sóng ở các đài phía Nam có "Vật chứng mong manh", "Những đứa con biệt động Sài Gòn 2"... Ngay khi phim "Bí mật Tam giác vàng" thành công, hàng loạt tác phẩm cùng chủ đề xuất hiện. Tuy nhiên, phần lớn đều rơi vào tình trạng kịch bản rập khuôn, thiếu gương mặt mới, phim đầu tư không tới nên nhạt nhòa. Nó dẫn đến nhiều nhận định không tốt về dòng phim này cho đến khi có sự thay đổi từ phía các nhà sản xuất. Họ không chuộng kịch bản khai thác một chiều tập trung vào xây dựng hình tượng chiến sĩ công an mà chuyển sang khắc họa số phận giới giang hồ, mà đỉnh cao là phim "Người phán xử".
Một cảnh trong phim “Người phán xử”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Nhiều người trong giới cho rằng "Người phán xử" gây sốt vì kịch bản không theo lối mòn mô tả cuộc đối đầu thiện - ác giữa công an và tội phạm. Trong phim này, nhân vật trung tâm là gia đình ông trùm Phan Quân. Đây là một kiểu nhân vật "gian hùng". Với loạt phim "Hồ sơ lửa", sức hút cũng đến từ kịch bản chỉn chu, chuyển tải kịch tính những vụ án có thật. "Hiện tại, chúng tôi viết kịch bản phim hình sự theo hướng mới, khai thác góc khuất trong nội tâm của những người lầm đường lạc lối sa chân vào xã hội đen" - biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương cho biết.
Theo đạo diễn Minh Trương, phim hình sự nở rộ vì dòng phim tình cảm gia đình, xã hội dần bão hòa. Khi thấy phim hình sự được khán giả yêu thích, các hãng sản xuất lại bắt đầu chuyển hướng sang thể loại này.
Một số phim chủ đề hình sự khác đang trong quá trình sản xuất như: "Con gái của bố già", "Mật mã hoa hồng vàng"... cũng được xây dựng theo lối tư duy mới mẻ này.
Vốn đầu tư cao
Người trong giới lý giải nhiều phim hình sự được sản xuất trong thời gian qua nhưng chỉ một số ít thu hút công chúng là do dòng phim này đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Nếu đầu tư không đến nơi, dù kịch bản có hay thì phim làm ra cũng không thu hút được khán giả. Những phim tạo chú ý như "Bí mật Tam giác vàng" có kinh phí đầu tư lên đến 20 tỉ đồng, "Hồ sơ lửa" kinh phí 300 tỉ đồng cho 1.100 tập phim... Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Giám đốc sản xuất của M&T Pictures, cho biết: "Đối tượng khán giả của chúng tôi đa phần là nữ giới nên chủ đề tình cảm gia đình vẫn đặt nặng. Tuy nhiên, giữa các phim về chủ đề này, chúng tôi đan xen dòng hình sự. Dù khai thác kiểu cũ hay mới, hình sự vẫn là dòng phim chi phí cao so với thể loại khác vì cần diễn viên đóng thế (cascadeur), các pha mạo hiểm... Nếu đầu tư không tới, sản phẩm dở dở ương ương càng dễ bị khán giả chỉ trích. Phim hình sự đang có chỗ đứng trên màn ảnh nhỏ nhưng kịch bản phải hay, kinh phí đầu tư lớn mới cho ra sản phẩm tốt được".
Không dễ làm
Bỏ ra kinh phí lớn trong thời điểm phim truyền hình chỉ mới khởi sắc không phải chuyện dễ dàng. Vì vậy, nhà làm phim nỗ lực đàm phán với đài truyền hình và chỉ khi nhận được sự hỗ trợ tương đối của nhà đài, việc hợp tác sản xuất dòng phim này mới được tiến hành. Những kiểu hình sự "mì ăn liền", thu nhặt một ít từ các phim Hồng Kông, Mỹ... rồi nhào nặn lại thành kịch bản với vốn đầu tư thấp không còn phù hợp, sẽ khó chinh phục khán giả. "Một thời, khán giả thường chỉ trích giới xã hội đen trong phim không đúng chất… Một vụ án giết người mà tình tiết thiếu hợp lý, không có tính thuyết phục. Khi phim hình sự nở rộ, nhiều hãng sản xuất cho rằng dễ làm nên lao vào đầu tư nhưng đến lúc quay mới ngỡ ngàng vì chi phí lớn. Một số hãng tự mình sản xuất, làm hậu kỳ xong mới rao bán cho đài, không đưa duyệt trước nên gặp nhiều sự cố "phạm húy", không đúng định hướng, không đủ chất lượng... Vì thế, phim hình sự không hề dễ làm, làm ra được công chúng yêu thích lại càng khó" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền nói.
Nhiều người trong giới cảnh báo sẽ có làn sóng đầu tư ồ ạt vào dòng phim hình sự, bất kể chất lượng như thế nào, dễ rơi vào giai đoạn thoái trào.
Bình luận (0)