Vài năm gần đây, việc tái dựng một số kịch bản sân khấu đề tài lịch sử cũng được một số đơn vị xã hội hóa thực hiện nhưng chưa nhiều và ít vở diễn tạo tiếng vang như nguyên bản.
Thời hoàng kim còn đâu!
Tâm huyết sáng tác và dàn dựng kịch bản lịch sử phải kể đến Nhà hát Trần Hữu Trang, sự tập hợp những cây bút hết sức ăn ý của nhà hát này, như: Điêu Huyền, Hà Triều, Hoa Phượng, Viễn Châu cùng với đạo diễn Chi Lăng đã tạo nên kịch bản sân khấu lừng danh Thái hậu Dương Vân Nga.
NSND Ngọc Giàu nhớ lại: “Dàn nhạc thời đó do GS-TS - nghệ sĩ Ca Lê Thuần chỉ huy. Anh em nghệ sĩ và công nhân hậu đài hơn 100 người đã làm việc cật lực suốt nhiều tháng để đem lại thành quả nghệ thuật cho tác phẩm này. Đạo diễn Chi Lăng có nhiều cách xử lý không gian sáng tạo rất độc đáo cho mỗi vai diễn. Sự độc đáo đó phá bỏ phong cách ca diễn cải lương xưa theo kiểu xuống vọng cổ thì bật đèn màu, thay vào đó là nội tâm ca diễn. Sau này, khi đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá dựng vở Rạng ngọc Côn Sơn, tôi đóng vai Thị Lộ, anh Minh Vương đóng vai Nguyễn Trãi, đã có lớp phục hiện rất hay, lay động người xem khi 2 nhân vật gặp nhau trong mơ. Cải lương thời đó đã có những lớp phục hiện rất độc đáo, những khám phá trong dàn dựng”.
Riêng về phần thiết kế trang phục, những tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử đã được các thế hệ nghệ nhân chuyên thiết kế phục trang chăm chút rất tỉ mỉ. Theo NSƯT Hùng Minh, ông Tám Trống là người có công trong việc thẩm định trang phục của những vở diễn lịch sử. Sau này có bà Hai Cố Đô, người truyền nghề lại cho chị em nghệ sĩ Kim Phượng, Phượng Nga để ngày nay cùng với nghệ sĩ Công Minh, Yến Phương, Bảo Ly... đã thành những nghệ nhân thiết kế phục trang sân khấu về đề tài lịch sử rất thành công.
Thời hoàng kim của sân khấu cải lương, mỗi tác phẩm thuộc đề tài này luôn được đầu tư, trau chuốt thật kỹ trước khi ra mắt công chúng nên hầu hết đều là những bản dựng hoàn chỉnh. Chưa kể đến việc các soạn giả, tác giả thời đó đã viết bằng cảm xúc nên hầu hết kịch bản đều chắt lọc tinh tế, mạch lạc, cuốn hút người xem.
Cần một chiến lược cụ thể
Lý giải vì sao việc tái dựng những vỡ diễn đề tài lịch sử ngày càng hiếm hoi, trong khi đội ngũ đạo diễn trẻ vẫn than rằng sàn diễn cải lương thiếu kịch bản hay, đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc phân tích: “Trước hết, thế hệ đạo diễn trẻ không muốn “đồ” lại thành tích cũ của thế hệ đạo diễn đi trước. Trừ khi đó là chương trình mang tính tôn vinh nghệ sĩ, hoài niệm hoặc kỷ niệm ngày thành lập đoàn hát.
Thứ hai, gia cố lại kịch bản xưa cần bàn tay điêu luyện của soạn giả giỏi, mà thế hệ trẻ hiện nay có khoảng cách rất lớn với đạo diễn, soạn giả sân khấu cải lương thuộc thế hệ vàng. Chưa kể một số bản dựng không còn lưu trữ để có thể so sánh và cập nhật thông tin mới từ cuộc sống với nguyên tác. Thứ ba, nguồn kinh phí đầu tư cho các vở diễn này rất cao, không thể sử dụng cảnh trí, trang phục cũ mà phải đầu tư mới rất tốn kém. Bằng chứng là vở Chiếc áo thiên nga và Kim Vân Kiều, sau khi dựng và diễn tại Nhà Thi đấu Quân khu 7, toàn bộ cảnh trí đều bỏ vì không có kho chứa, phí phạm rất lớn cho việc đầu tư. Nói chung, tái dựng tác phẩm sân khấu thuộc đề tài lịch sử đã là một việc nan giải, rất cần một chiến lược cụ thể.
Truyền hình chưa vào cuộc?
So với sàn diễn, lợi thế của sân khấu truyền hình có thể tái dựng những tác phẩm kinh điển thuộc đề tài lịch sử. Thế nhưng, vì sao nhiều năm qua, truyền hình vẫn chưa khai thác tối đa các vở diễn sân khấu đề tài lịch sử.
Nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TP HCM, giải thích: “Thời lượng phát sóng trên kênh HTV hiện nay không còn cho phép giữ đúng thời lượng biểu diễn của nguyên vở diễn thuộc đề tài lịch sử (từ 150 phút đến 180 phút). Chương trình Ngân mãi chuông vàng - thường xuyên tái dựng kịch bản cải lương xưa, trong đó có nhiều kịch bản lịch sử, được truyền hình trực tiếp - cũng chỉ có thể cho phép lên sóng 90-100 phút.
Việc cắt xén kịch bản để bảo đảm thời lượng phát sóng và bằng ngôn ngữ truyền hình đã phần nào không đáp ứng niềm mong mỏi của khán giả yêu thích tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử. Ngay việc trao đổi với tác giả, đạo diễn của những tác phẩm này để được sử dụng kịch bản cũng gặp nhiều khó khăn vì không ai muốn đứa con tinh thần của mình bị cắt xén. Trước đây, khi chương trình phim truyện cải lương truyền hình mới bắt đầu được thành lập, chúng tôi đã tái dựng 2 tác phẩm lịch sử kinh điển là Thái hậu Dương Vân Nga và Bão táp Nguyên Phong, được khán giả yêu thích dù phải cắt mỗi vở thành hai phần phát sóng để thích ứng với khung giờ phát sóng các chương trình khác”.
NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng để truyền hình khai thác một cách hiệu quả các vở diễn lịch sử, rất cần bàn tay biên tập có kinh nghiệm. Vì cắt xén sao cho hợp lý, thời lượng ngắn của vở diễn lịch sử lên sóng vẫn phải chuyển tải tốt tư tưởng và thần sắc của vai diễn, vở diễn. Chưa kể đến những vấn đề khác như tập dượt, diễn viên phải am tường về nhân vật mà mình đảm nhận, đạo diễn hết sức tinh tế trong dàn dựng. “Tôi đã từng chứng kiến một số diễn viên chẳng hiểu gì về nhân vật lịch sử cũng như thời đại của nhân vật mình đang hóa thân, dẫn đến việc không tạo được hiệu quả tốt cho nhân vật” - NSƯT Trần Minh Ngọc nói.
Thiệt hại quá lớn
Đạo diễn - NSND Phạm Thị Thành tiếc nuối: “Việc ghi hình những vở diễn lịch sử trên sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch nói... đã bị bỏ quên một thời gian quá dài. Nếu tính lại sẽ thấy thiệt hại rất lớn về kinh phí đầu tư cho mỗi tác phẩm. Chúng ta chịu đầu tư kinh phí hàng tỉ đồng cho mỗi tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử nhưng việc ghi hình phục vụ cho công tác lưu trữ, bảo tồn và trên hết là đưa những tác phẩm bằng băng hình này vào học đường đã không nằm trong chiến lược chung”.
Kỳ tới: Chung tay vỗ nên kêu!
Bình luận (0)