Phóng viên: Nhìn NSƯT Thanh Điền trên phim, ít ai nghĩ ông vừa mừng sinh nhật tuổi 72?
- NSƯT Thanh Điền: Tôi cảm ơn trời đất, tổ nghiệp đã cho mình có được sức khỏe và duyên với nghề. Ở tuổi 72 mà còn hoạt động nghệ thuật là một diễm phúc.
Có lẽ ông là nghệ sĩ sân khấu cải lương gắn kết với điện ảnh lâu bền nhất?
- Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi về điều đó. Có lẽ do duyên. Hết đoàn phim này mời đến đoàn phim khác mời vậy là cứ nhận lời. Sau bộ phim nói về nghề làm nước mắm Phú Quốc vừa quay xong, tôi chuẩn bị vào 2 phim mới. Toàn đóng vai ông nội, ông ngoại thôi.
Ông có tin vào số mệnh không?
- Tôi tin vào số mệnh chứ. Nhưng vẫn thấy câu đúc kết của người đời “đức năng thắng số” là không sai. Hồi nhỏ, cha mẹ tôi có dạy rằng “ở có đức mặc sức mà ăn”. Tôi luôn sống đúng lời dạy này cho đến bây giờ.
Thành công hay thất bại trong đời một con người, theo ông, có phải là số mệnh không?
- Thành công phải là phép tính cộng của chuỗi dài thất bại, phép tính nhân của sự nhận thức và phép tính chia của nỗ lực. Thường khi giải thích sự thất bại, người ta quy về định mệnh để làm nhẹ đi mặt tinh thần nhưng mọi thất bại đều có nguyên do của nó.
Trước đây, khi vào nghề, ông từng mơ được làm kép chánh với nghệ danh Ngọc Chiếu. Sau đó, ông chuyển sang diễn vai tính cách rất thành công với nghệ danh Thanh Điền. Đó có phải số phận?
- Sẽ là bi kịch khi không nhìn thấy mình. Tôi kịp thời thức tỉnh ngay khi biết mình không có hơi ca nhưng lại có tư duy đạo diễn. Từ đó, tôi miệt mài học ở các thầy tuồng cách dàn dựng, thâm nhập thực tế qua những đêm lê la khắp các sân khấu để “coi cọp”, rồi tự suy ngẫm mà tạo cho mình bài học. Tôi đã chọn cho mình hướng đi đúng.
Bằng cách nào để ông hóa thân hơn 200 vai diễn đều đạt hiệu quả và không lặp lại chính mình?
- Tôi tự đặt ra áp lực cho mình khi so sánh với các đàn anh. Họ hơn tôi điều gì và tôi có khuyết điểm gì cần khắc phục. May thay, bên cạnh tôi lúc đó toàn là những bậc đàn anh tử tế, họ truyền nghề và khuyên bảo. Tôi học từ NSND Ba Vân, NSND Diệp Lang, NSƯT Trường Xuân, NSƯT Nam Hùng, NSƯT Hoàng Giang, NSƯT Hùng Minh, Văn Ngà, Tám Vân và đến cả những diễn viên trẻ mới vào nghề. Từ sân khấu Kim Chung, tôi học được rất nhiều bài học kinh nghiệm. Sau này, khi làm quản lý Đoàn Cải lương Sài Gòn 1, tôi vận dụng tất cả những gì mình đã học để quản lý đoàn và thể hiện vai diễn. Tôi mang ơn những khó khăn đã cho mình say mê sáng tạo. Thường nghèo khó mới chịu học chứ giàu thì chưa chắc thành danh.
Hiện nay, ông đang đầu tư cho sàn diễn cải lương với một dự án hết sức công phu?
- Tôi ôm ấp kế hoạch này 15 năm qua. Đây là công trình nghiên cứu khoa học để đúc kết từng chặng đường phát triển của nghệ thuật cải lương. Mỗi chương trình sẽ lý giải một vấn đề, ví dụ: “Ai soán ngôi đệ nhất danh ca Út Trà Ôn?”. Lời giải đáp là nghệ sĩ Minh Cảnh với trường phái ca hơi dài độc đáo. Ngoài ra, công trình nghiên cứu 100 năm hình thành và phát triển của sân khấu cải lương cũng có rất nhiều điều cần lý giải để khán giả trẻ hiểu và yêu thích, nâng niu bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Tôi mừng vì nhiều nghệ sĩ nghe dự án của tôi đều phấn khởi đăng ký tham gia.
Ông có tin dự án này sẽ mang tính khả thi và lôi kéo khán giả đến rạp?
- Chúng ta không thiếu người tài, sân khấu có cả một lực lượng hùng hậu đang chờ sàn diễn sáng đèn để hòa mình vào. Nhưng sân khấu đã bị chậm so với điện ảnh, ca nhạc khi mà vấn đề tiếp thị giới trẻ bị bỏ ngỏ. Một số game show đưa các loại hình sân khấu truyền thống vào cho thí sinh thi thố, làm mất đi vẻ đẹp đúng ra phải được trân quý. Từ đó, khán giả trẻ hiểu sai về cải lương. Ngay cả trong phim ảnh nói về nghề của chúng tôi, khâu biên kịch cũng rất cẩu thả. Ai đời nhận định chiếc nôi của cải lương là Sài Gòn. Trong khi đó, Sài Gòn chỉ là nơi hội tụ tinh hoa, còn chiếc nôi là từ Tiền Giang, nơi sản sinh ra đờn ca tài tử, nơi thầy Năm Tú xây rạp hát ở Mỹ Tho, nơi hình thành ca ra bộ rồi mới phát triển thành cải lương. Vậy mà khâu duyệt phim vẫn cho qua khiến người làm nghệ thuật như chúng tôi rất ngao ngán.
Tình hình khó khăn của sân khấu cải lương có gợi cho ông suy nghĩ gì không?
- Tôi cam đoan 5 năm nữa, sân khấu cải lương TP HCM không có người kế thừa.
Ông dựa vào điều gì để khái quát một viễn cảnh quá buồn của sân khấu cải lương như vậy?
- Mọi sự đầu tư đều manh mún, chưa đi vào trọng tâm. Rạp hát thiếu, cơ sở vật chất của các đoàn hát chủ lực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quá cũ kỹ. Thầy dạy nghề đã hiếm, lại kiêm nhiệm đủ vị trí. Không đào tạo thì làm sao có đội ngũ để sử dụng và đạt hiệu quả.
Vậy theo ông, cần phải làm ngay những đầu việc nào để có thể khắc phục?
- Cần có chiến lược cụ thể. Nhà quản lý không thể cứ làm theo tư duy nhiệm kỳ. Sau 5 năm, người khác lên muốn chứng tỏ mình giỏi, bỏ hết kế hoạch cũ, làm chiến lược mới, vậy có phải chúng ta đang xây nhà từ nóc?
Trở lại với vai Bác Hồ
Hiện NSƯT Thanh Điền đã tập xong vai diễn mới, đó là nhân vật Bác Hồ trong vở kịch “Dấu xưa” (tác giả: Thanh Bình, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. So với lần diễn vai Bác Hồ trong vở cải lương “Đêm trắng”, NSƯT Thanh Điền cho biết áp lực đối với ông lần này rất lớn. “Tôi trao đổi với đạo diễn Trần Minh Ngọc và tác giả để thống nhất việc thể hiện cho ra cốt cách, tinh thần của Bác chứ không phải cố tình diễn cho giống Bác. Áp lực nữa là phải cảm nhận sâu sắc từ cuộc đời của Bác để thể hiện cho ra cốt cách, tinh thần ấy. Trong kịch có cảnh tôi rất tâm đắc là đoạn Bác Hồ mời một đồng chí bí thư xã đến và nói phải lo cho dân đúng với tinh thần cán bộ là công bộc của dân. Lời dạy này mang giá trị lớn lao trong tình hình hiện nay” - NSƯT Thanh Điền nói.
Bình luận (0)