Có hơn 450 cựu sinh viên, học sinh của ngôi trường này từ khóa 1 đến khóa 19, và các khóa chuyển tiếp từ Trường Nghệ thuật Sân khấu II lên bậc Cao đẳng. Một ngày hội thật sự của những người học trò ngành sân khấu nhằm tri ân tất cả các thầy cô. Họ vui mừng đến trào nước mắt khi gặp lại thầy cô từng dìu dắt họ đến với nghề. “Không chỉ dạy nghề cho chúng tôi, thầy cô đã dạy cho chúng tôi biết làm người lương thiện, biết làm người tử tế!” – NSƯT Thành Lộc nói.
Các thế hệ học trò trường NTSK II đã cúi đầu mặc niệm những thầy cô đã lìa xa họ vĩnh viễn như: Tăng Lộc, Tường Trân, Bích Lâm, Lương Đống, Tấn Đạt, Bửu Lâm, Út Du, Văn Thành, Văn Luyện, Đoàn Bá…nhưng những bài học giá trị vẫn còn được họ áp dụng cho sự nghiệp nghệ thuật và tiếp tục truyền nghề cho thế hệ diễn viên trẻ.
“Trong cuộc sống hiện nay, tình cảm đọng lại trong trái tim con người bằng sự chân thật quý giá vô cùng. Trong thế giới hôm nay, đồng tiền có thể làm cho mọi chuyện thay đổi, nhưng cái tình của đêm hội ngộ này rất đáng quý. Tôi đã thao thức nhiều đêm vì nôn nao chờ đến ngày này. Tôi cảm ơn các em sinh viên, học sinh của các khóa học tại ngôi trường đã gắn liền với sự nghiệp trồng người của tôi” – Nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn đã xúc động phát biểu và đọc bài thơ tặng tất cả thầy và trò trong ngày họp mặt:
“Bao trái tim thầy trò/ Rộn ràng như thời trẻ/ Háo hức ngày gặp mặt/ 40 năm hẹn hò/ Thầy cô đã già đi/ Bao người còn, người mất/ Các trò đều khôn lớn, nhiều trò hóa ngôi sao/ Dù trên nẽo đường đời/ Các trò đi nhiều ngã/ Nhưng một điều quý giá/ Vẫn nhớ mái trường xưa”.
Trên thực tế, NSƯT Thành Lộc đã chia sẻ: “Đã có một ngày mà hầu hết các sân khấu phía Nam tắt đèn ngưng biểu diễn, các phim trường im ắng, vì từ đạo diễn, MC, nghệ sĩ, quay phim... đều lẳng lặng cùng rủ nhau đến điểm hẹn này. Ngày mà các nhà tổ chức sản xuất âm thầm dời lịch các chương trình giải trí. Ngày ra mắt “một siêu chương trình quy tụ gần như toàn bộ những người tổ chức, sáng tạo nên các chương trình giải trí nghệ thuật tại phía nam. Đơn giản thôi, hôm nay là ngày kỷ niệm 40 năm Thành lập trường Nghệ thuật sân khấu II, cái nôi đào tạo những con người làm nghệ thuật của Miền Nam. Bao kỷ niệm, buồn vui cuả bao thế hệ nghệ sĩ trong 40 năm đều dồn lại và oà vỡ trong ngày này. Tôi hạnh phúc và tự hào được sống và bay lên từ nơi ấy - Trường Nghệ thuật Sân khấu II mà tôi yêu quý".
Tất cả các học trò đều rơi nước mắt khi xem hai người thầy đáng kính ở tuổi 70 đó là NSƯT Ca Lê Hồng và NS Xuân Hiểu múa bài dạy môn vũ đạo. Những bài học mà ngày xưa họ đã từng được truyền dạy, dường như vẫn còn tinh nguyên như mới ngày hôm qua.
NS Thanh Thủy xúc động nói: “Ông anh đáng kính trong nghề của tôi là NSƯT Thành Lộc đã nghĩ ra sự kiện độc đáo này. Cám ơn anh vô cùng. Nhờ anh khởi xướng ngày hội 40 năm của trường mà chúng tôi được dịp tri ân các thầy cô của mình. Và tất cả các thầy cô của trường mới lại được ôm bạn bè đồng nghiệp trong vòng tay, có người đã trên 30 năm mới gặp lại. Hôm nay, tôi đã khóc, bồi hồi nhớ lại thời sinh viên nghèo khó, nhưng chúng tôi được dạy nghề rất nghiêm túc, để ngày nay chúng tôi tự hào vì có được nền tảng vững chắc từ các thầy cô tâm huyết”.
MC Thanh Bạch và Đại Nghĩa đã cùng tương tác với NSƯT Thành Lộc, tạo nên không khí giao lưu, ôn lại nhiều kỷ niệm với thầy cô. Kể về những gian khó một thời sinh viên, nhưng lại rất tự hào vì đã trải nghiệm để có được vinh quang từ thành quả lao động nghệ thuật đúng nghĩa. “Hồi đó được viết một mẫu ngắn trên báo, được in hình bìa trên một tạp chí rất khó nên chúng tôi rất quý trọng những bài báo, vì đó là phần thưởng cao quý mà chúng tôi dành tặng thầy cô. Không như ngày nay quá dễ làm người nổi tiếng, nên chẳng trách sao một số bạn diễn viên trẻ không trân quý nền tảng được đúc kết từ trường học” – NSƯT Thành Lộc nhắc lại.
Hầu hết các nghệ sĩ, đạo diễn đều xúc động khi xem video clip các đồng nghiệp ở hải ngoại gửi về. Họ không thể về tham dự nhưng đã thực hiện những clip ngắn này để tri ân thầy cô. NS Ngọc Lan (Úc) – lớp diễn viên kịch nói khóa 4 (1979-1983) đã tâm sự: “Nơi đây đã cho tôi những kiến thức, sự luyện tập bền bỉ, sự trui rèn để có được nhân cách, đạo đức của người nghệ sĩ. Cái tâm trong sáng của những người đứng trên sân khấu, và cả tinh thần cầu tiến học hỏi cùng với lòng đam mê nghệ thuật từ hơn 30 năm qua. Điều đó luôn nhắc nhở tôi dù ở bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng phải nhớ và làm cho bằng được: Sân khấu chính là thánh đường”.
Giây phút quan trọng nhất được xem là "cây đinh vàng" của chương trình là hình ảnh đẹp nhất khi NSƯT Thành Lộc cùng sinh viên các thế hệ nghiêng mình, cúi đầu bày tỏ tấm lòng biết ơn với tất cả các thầy cô nhiều thế hệ đã dạy dỗ họ, như những bậc cha mẹ trong cuộc sống. Đây là động tác mang tính lễ nghi duy nhất trong ngày hội ngộ này, điều mà hơn hẳn tất cả những bài phát biểu báo cáo thành tích vốn dĩ vẫn tồn tại trong những ngày lễ hội tri ân thầy cô giáo.
“Sau này....chắc gì hình ảnh này sẽ được lập lại? Yêu lắm giây phút này! Vì nó vượt ra khỏi ranh giới của người nghệ sĩ, của lãnh vực nghệ thuật, đó là biểu tượng của sự tôn sư trọng đạo, của đạo lý nhân nghĩa, ơn trọng nghĩa đầy, mà đôi khi cứ ra rả nhồi nhét lại không bằng những việc làm dù đơn sơ mà thiêng liêng quá! Theo tôi làm nên ý tưởng này, NSUT Thành Lộc và bè bạn đã chứng minh mình là người làm nghề tử tế. Không biến ngày hội ngộ thành nơi phô trương, báo công dối trá. Chúng tôi đã cùng cúi người để tri ân những thầy cô giáo đã cho chúng tôi không chỉ nghề nghiệp mà còn là sự lương thiện trong nhân cách sống. Đây mới chính là hình ảnh người nghệ sĩ chân chính, là hình mẫu để các thế hệ hậu bối noi theo” – NS Xuân Hương tâm sự.
Bình luận (0)