Tự trọng khi làm nghề đã giúp thế hệ đạo diễn trẻ sân khấu hôm nay chấp nhận đối diện với gian nan. Muốn cho ra đời một vở kịch hay, trước hết đạo diễn trẻ phải có sân khấu để thể hiện ý tưởng sáng tạo, tiếp đến là có kịch bản, rồi cả một ê-kíp lo về âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ, thiết kế sân khấu… Thế nhưng, trong tình trạng sân khấu TP HCM “ăn nhờ ở đậu”, mọi thứ đều tạm bợ như hiện nay, ít đạo diễn nào may mắn có được điều kiện làm việc như mong muốn. Đó là thực tế đáng buồn nhưng họ vẫn phải tự thân xoay xở.
Lo lắng đủ điều
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết: “Ở các nước có sân khấu hoạt động chuyên nghiệp, đạo diễn chỉ bàn bạc với giám đốc kỹ thuật của nhà hát là họ có kịch bản ánh sáng, kịch bản âm thanh, kịch bản cảnh trí trên tổng thể yêu cầu của đạo diễn”.
Còn ở Việt Nam, đạo diễn phải ngồi dài cổ chờ diễn viên đến sàn tập, sợ họ bỏ vai hay lo thiết kế sân khấu, ánh sáng, âm nhạc, phục trang không đồng điệu với ý tưởng của mình. NSƯT - đạo diễn Đức Thịnh bày tỏ: “Có những hoài bão mình ấp ủ nhưng cũng chỉ để dành đó vì biết rằng không thể nào thực hiện được khi còn quá nhiều bất cập trong làm nghề, đòi hỏi lòng tự trọng của người làm nghề và tính chuyên nghiệp đồng bộ”.
Để vượt qua những nghịch cảnh đó, đạo diễn trẻ chỉ biết đốt lên ngọn lửa đam mê nghề. “Không nản, không buông xuôi” - nữ đạo diễn Hạnh Thúy tâm sự. Họ xem trọng thủ pháp dàn dựng, nghiên cứu tìm tòi cách thể hiện mới để mang lại màu sắc, hơi thở tươi mới cho chất lượng vở diễn.
Hướng đến công chúng mua vé
Khi phương tiện kỹ thuật dành cho sân khấu chưa đầy đủ, chưa cao, nhiều đạo diễn trẻ cứ loay hoay và không dám có những ý nghĩ táo bạo trong dàn dựng. Hầu hết các đạo diễn cho biết khi bắt tay thực hiện tác phẩm, thủ pháp nghệ thuật được hoạch định trước đó gần như phải bị kéo xuống một bậc. Điều kiện thực tế của sân khấu hiện nay không cho phép người sáng tạo thăng hoa về ý tưởng. Kết quả là sân khấu kịch TP HCM hiện nay chỉ trình diễn những vở được dàn dựng đáp ứng nhu cầu giải trí vui vẻ, nội dung nhàn nhàn dễ hiểu, gần gũi với đời sống khán giả bình dân là chính. Thậm chí, vài sàn diễn còn xác định khán giả mua vé thuộc đối tượng nào, họ chỉ dàn dựng và đáp ứng đúng đối tượng đó.
“Làm sao để vừa bảo đảm doanh thu vừa tạo được giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa giáo dục trong kịch. Theo tôi, nhiều đạo diễn trẻ đã thành công khi có được nhiều vở diễn đạt được những điều đó” - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét.
Họ vẫn đang dấn thân không một chút hoài nghi về bản thân khi đến với nghề và ở lại với nghề. Họ nuôi niềm đam mê bằng việc tiếp tục cống hiến, sáng tạo và hướng đến công chúng - những người thực sự mua vé, vốn mong chờ hiệu quả nghệ thuật mang lại từ tác phẩm của họ.
Không có tương lai?
Diễn viên Thái Hòa ghi dấu trong sự nghiệp đạo diễn của mình qua vở Người vợ ma trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận, với gần 300 suất diễn đông kín người xem. Thái Hòa cho biết đôi khi anh cảm nhận nghề đạo diễn sân khấu ở nước ta chẳng có tương lai. Thêm vào đó, đạo diễn trẻ của sàn kịch hiện nay hầu như chỉ luẩn quẩn trên sân khấu trong nước, tự đóng cửa khen nhau.
“Họ chỉ biết đã là con hiếu thảo thì không thể trách cha mẹ nghèo, rằng sân khấu nước mình tụt hậu hơn người ta; trong khi nước ngoài làm thế nào để phát triển sân khấu và đưa nghệ thuật đến với du khách thì họ... chịu vì có được xem bao giờ đâu mà so sánh?” - Thái Hòa nói.
Thái Hòa và NSƯT Đức Thịnh là 2 trong số những đạo diễn trẻ nằm trong diện được lựa chọn đưa đi đào tạo nước ngoài bằng kinh phí của nhà nước nhưng đến nay, điều đó vẫn chỉ là “lời bàn bạc cho vui”, như Thái Hòa chua chát.
Hằng năm, lực lượng đạo diễn sân khấu trẻ tốt nghiệp ra trường rất đông nhưng sự đào thải khắc nghiệt của thị trường đã khiến họ chùn bước. Lực lượng đạo diễn trẻ có được vị trí hiện nay là nhờ nỗ lực để bám trụ với nghề, tương tác với thị trường sân khấu để tồn tại.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, ngay cả một số người trụ lại được với nghề vẫn còn thiếu sự táo bạo, thấy đề tài dễ ăn khách là chạy theo, quên xây dựng cho mình những phong cách riêng. “Hiện nay, đạo diễn sân khấu chỉ cần dựng vở ma quỷ, đồng tính, gây sốc với phát ngôn trên các diễn đàn là lập tức có số đông khán giả hiếu kỳ đến xem. Song, nếu chỉ vin vào số lượng vé bán được, mải mê chạy theo đề tài ăn khách, không dám làm những gì đúng nghĩa chất lượng sáng tạo thì nghề đạo diễn sân khấu đối với họ sẽ là bi kịch” - ông cảnh báo.
(*) Xem Báo Người Lao động từ số ra ngày 13-4
Công lao của “bà đỡ”
Theo đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng, đạo diễn trẻ phải biết sốt ruột với nghề, dù đối diện sự thiếu thốn, hạn chế về điều kiện sáng tạo cũng không làm cho chất lượng vở diễn non kém.
“Bà đỡ của đạo diễn trẻ hiện nay chính là các nhà quản lý, ông bà bầu của sân khấu tại TP HCM. Không thể quên công lao của họ bởi không có NSND Hồng Vân thì không thể có Thái Hòa, Đức Thịnh, Xuân Trang, Diệp Tiên; không có ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu thì không thể có Vũ Minh, Tuấn Khôi, Hương Giang, Đình Toàn... Chính họ đã giúp các đạo diễn trẻ có cơ hội và điều kiện làm nên những tác phẩm sân khấu đóng dấu tên tuổi của mình” - NSƯT Ca Lê Hồng nhận định.
Bình luận (0)