. Phóng viên: Như Báo NLĐ ngày 7-10 đã thông tin, dù nhiều nhà khoa học cũng như báo giới đã lên tiếng cần bảo vệ di tích Làng Cả nhưng tỉnh Phú Thọ vẫn quyết định cắt một phần di tích này cho Miwon làm chỗ xả nước thải. Quan điểm của ông về việc làm này như thế nào?
- Thứ trưởng Trần Chiến Thắng: Cục Di sản Văn hóa lúc đó đã có văn bản yêu cầu tỉnh Phú Thọ lập lại hồ sơ di tích với đầy đủ phần diện tích còn lại của Làng Cả. Sở VHTT Phú Thọ khi ấy cũng không đồng tình với UBND tỉnh, nhưng Phú Thọ vẫn tiến hành cắt đất cho Miwon. Đây là việc rất đáng tiếc vì di tích đã mất đi thì không bao giờ trở lại. Tôi chỉ có thể nói là giờ còn chút nào thì cố gắng giữ gìn, bảo vệ để phát huy về lâu dài.
. Cục Di sản Văn hóa đã có văn bản đề nghị nhưng tỉnh Phú Thọ vẫn phớt lờ, vậy sau đó cục có ý kiến gì với Phú Thọ không, thưa ông?
- Lúc đó đất đã biến dạng rồi thì khó làm được việc gì nữa. Giá trị di tích chỉ được phát huy khi nó được giữ nguyên vẹn chứ không phải khi đã bị cày nát. Như tôi đã nói, đây là việc rất đáng tiếc.
. Có ý kiến cho rằng để Miwon mở rộng đất trên di tích lịch sử văn hóa là thất bại về quản lý văn hóa, ông nghĩ sao?
- Đúng là thất bại, thất bại đau xót! Những người làm di sản bao giờ cũng muốn bảo vệ di sản một cách tối đa; ngược lại, những người muốn phát triển kinh tế- xã hội thì lại muốn phát triển tối đa. Dung hòa được việc phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa là một việc rất khó khăn. Với những tỉnh nghèo, sức ép lớn thì việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh tế địa phương là điều không tránh khỏi. Trong khi đó, sức của ngành văn hóa chỉ có hạn. Với những trường hợp tương tự diễn ra sau này, chúng tôi đã rất kiên quyết với địa phương. Yêu cầu bắt buộc hiện nay là khi muốn xây dựng các công trình, nhà máy, xí nghiệp trên nền đất di tích, phải có ý kiến của Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch.
PGS-TS Trịnh Sinh, nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học: Đã lên tiếng, vẫn cấp thêm đất cho Miwon! Làng Cả nằm giữa một khu vực đất thiêng mà những huyền thoại, truyền thuyết và thư tịch cổ đều nói có một kinh đô Văn Lang xưa ở đó. Trong đợt khai quật 24 hố thám sát, trong đó có những hố nằm ở cạnh tường nhà máy của Miwon vào cuối năm 2005 của Bảo tàng Phú Thọ và Viện Khảo cổ học VN, chúng tôi đã tìm ra được nhiều hiện vật giá trị, cho thấy đây là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất và có tính liên tục từ thời Hùng Vương đến Bắc thuộc và thời phong kiến tự chủ. Di tích Làng Cả có ý nghĩa rất quan trọng, thế nhưng nhà máy Miwon lại tọa lạc ngay chính trên phạm vi di tích phân bố. Là người trực tiếp tham gia cuộc khai quật năm 2005, ngay từ lúc đó, tôi đã có ý kiến cần phải có kế hoạch bảo vệ di tích trong phạm vi của nhà máy. Đồng thời, phải có sự bảo tồn lâu dài và phục dựng một phần di tích đã khai quật để phục vụ cho việc phát huy giá trị văn hóa lịch sử và du lịch về nguồn. Tuy nhiên, Phú Thọ vẫn cấp thêm đất để Miwon mở rộng diện tích của mình, quả là điều đáng tiếc. |
Phớt lờ văn bản của Cục Di sản Văn hóa Sau khi tỉnh Phú Thọ ra quyết định cấp đất cho Miwon (tháng 1-2006), vào tháng 3-2006, Cục Di sản Văn hóa đã có văn bản gửi tỉnh này yêu cầu lập lại hồ sơ di tích với đầy đủ phần diện tích còn lại của Làng Cả - cả phần đất đã cắt cho Miwon, với lý do đây là khu vực II của di tích nên cần được khoanh vùng, bảo vệ. Song, yêu cầu này đã không được chấp nhận. Trong khi đó, đến tận ngày 22-8-2006, Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch) mới ra quyết định xếp hạng khu di chỉ khảo cổ Làng Cả là di tích quốc gia. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, dưới góc độ pháp luật, Luật Di sản Văn hóa không bảo vệ phần di tích Làng Cả mà tỉnh Phú Thọ đã cắt cho Miwon. |
Bình luận (0)